Ngăn chặn tăng giá ăn theo xăng dầu

(Baonghean.vn) - Việc giá xăng tăng 1.200 đồng/lít vào 20 h ngày 20/5 khiến người tiêu dùng lo lắng. Giá xăng tăng cộng với giá điện tăng trước đó đang ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới cuộc sống của người dân.

Trước biến động của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh liên tục, từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá, trong đó 3 lần điều chỉnh tăng, hai lần điều chỉnh giảm. Cụ thể, ngày 6/1/2015 giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 300 đồng/lít. Đến ngày 21/1, giá xăng tiếp tục được đều chỉnh giảm 1.900 đồng/lít với xăng RON 92 và 1.460 đồng/lít đối với dầu. Sau đó là các đợt giá xăng tăng mạnh. Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít với xăng RON 92 và RON 95.

Sau gần 2 tháng, ngày 5/5 giá xăng dầu trong nước lại tăng thêm 1.950 đồng/ lít với xăng RON 92, 95. Và đến ngày 20/5, giá xăng lại một lần nữa được điều chỉnh thêm 1.200 đồng/lít cho xăng A92 và E5. Như vậy, tổng mức 2 lần giảm là 2.200 đồng/ lít, còn 3 lần tăng vào khoảng gần 4.800 đồng/lít (so với đầu năm xăng đã tăng 2.600 đồng/lít; dầu vẫn còn thấp hơn 570 đồng/lít). 

1
Gia xăng dầu tăng là nỗi lo của người tiêu dùng

Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Viết Đông - Trưởng phòng kinh doanh - Công ty xăng dầu Nghệ An cho biết, hàng tháng, trên địa bàn Nghệ An, Công ty tiêu thụ gần 20.000m3 xăng dầu. Việc điều chỉnh giá dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 83 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính. 

Giá xăng tăng đang khiến doanh nghiệp lo lắng. Anh Võ Minh Quân - Giám đốc công ty CP Naconex – Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Vinh cho rằng hiện nay tình hình sản xuất của doanh nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi nhưng với việc tăng cả xăng, điện, tỷ giá có thể gây tác động không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp, làm giá thành sản phẩm tăng lên. Điều này khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa khó khăn hơn. Chúng tôi cho rằng nhà nước cần giám sát chặt chẽ hơn đối với giá xăng.

Thông tin mới nhất, hiện nay một vài doanh nghiệp vận tải đã rục rịch xây dựng kế hoạch xin tăng giá cước vận tải. Ông Phan Hữu Mân - Chủ nhiệm HTX vận tải Bình Minh cho biết: Sau 3 lần tăng giá xăng, chi phí vận tải đội lên và đây là thời điểm để các hãng xe tăng giá. Dự kiến giá cước lần này chúng tôi đề nghị tăng từ 500-800 đồng/km tùy tuyến.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40  doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách và hàng hóa với tổng số hơn 2.500 phương tiện. Hiện nay, một số doanh nghiệp kiến nghị tăng giá nhưng quan điểm của Hiệp hội là tiếp tục giữ nguyên giá cước. Về vận tải hàng hóa, do phương tiện chủ yếu chạy dầu nên với mức tăng 500 đồng/lít vẫn nằm trong giới hạn thỏa thuận 5% giữa doanh nghiệp và khách hàng về điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu. Vì thế, trong lần tăng giá này, giá cước vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia hiệp hội vẫn giữ nguyên như cũ. Đối với vận tải khách, mặc dù lần tăng giá xăng lần này có ảnh hưởng đến lợi nhuận nhưng chưa đến mức phải tăng giá.

2
Xăng tăng giá ảnh hưởng đến các cơ sở chế biến, dịch vụ nghề cá.

Xăng tăng giá mới đây đã gây bất ngờ cho không chỉ doanh nghiệp mà nhiều người tiêu dùng đều cho biết, cuộc sống và chi tiêu của họ chịu ảnh hưởng mạnh từ việc tăng giá xăng lần này, chi tiêu khó khăn và phải tiết kiệm hơn. Nắng nóng cộng với giá cả tăng khiến không ít người mệt mỏi, lo âu.

Chị Nguyễn Thị Thu bán hàng ăn ở phường Hưng Phúc cho biết: Giá xăng vừa tăng, các mặt hàng khác đã “dựa hơi” nhích lên. Tôi bán hàng ăn, giá không thể thay đổi thường xuyên nhưng giá nhập hàng tăng liên tục theo giá thị trường: Lươn, gà, rồi cả đá lạnh, than… gần đây đều tăng. Trong khi đó, điện cũng mới tăng, nắng nóng, các thiết bị điện đều sử dụng. Nói chung chí phí cho kinh doanh, chi tiêu cho gia đình tăng cao, cuộc sống người dân thêm phần khó khăn.

Việc giá xăng tăng gây lo ngại cho những người làm nghề xe ôm. Đang ngồi chờ khách ở một hàng cây cạnh Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, bác lái xe ôm cho rằng: "Giá xăng tăng, giá cước xe ôm cũng tăng nhẹ. Nắng nóng cộng với giá tăng khiến khách hàng sẽ phải lựa chọn phương án di chuyển hợp lý. Và như vậy, việc kinh doanh của chúng tôi sẽ khó khăn hơn.

Thực tế có những doanh nghiệp, mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của giá xăng (sử dụng dầu trong khi giá dầu đang thấp hơn so với đầu năm) nhưng vẫn “tát nước theo mưa”, tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Cuối năm 2014, khi giá xăng giảm mạnh, nhưng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng, cước vận tải không giảm hoặc chỉ giảm ít; nay giá xăng tăng lại vội vàng tăng giá. Do đó, ngoài việc cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu phải công khai, minh bạch các thông tin để người dân theo dõi và giám sát giá xăng dầu bởi đây là mặt hàng thiết yếu của đời sống, việc giá xăng tăng liên tục sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thì các ngành Công thương, Tài chính cần có biện pháp điều chỉnh sao cho hợp lý để hàng hóa không tăng giá hàng loạt, đảm bảo cuộc sống người dân.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới