Dự án sử dụng vốn nhà nước: Thúc đẩy quyết toán dự án hoàn thành

(Baonghean) - Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và vốn ODA thanh toán trong năm 2015 và các năm sau. Với văn bản này, có thể thấy năm 2015, hành lang pháp lý nhằm quản lý dự án, chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đã được đổi mới, với sự quyết tâm thúc đẩy quyết toán dự án hoàn thành từ nguồn vốn nhà nước. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Quyền Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Trịnh Nam Tuấn xung quanh vấn đề này, trân trọng giới thiệu với bạn đọc. 

P.V: Thưa đồng chí Trịnh Nam Tuấn, với văn bản mới ban hành này, Bộ Tài chính đang nỗ lực thúc đẩy hiệu quả đầu tư của đồng vốn đầu tư công có nguồn gốc nhà nước, phải không ạ?  
Quyền Vụ trưởng Vụ Đầu tư Trịnh Nam Tuấn. 	Ảnh: S.H
Quyền Vụ trưởng Vụ Đầu tư Trịnh Nam Tuấn. Ảnh: S.H
Đồng chí Trịnh Nam Tuấn: Vốn nhà nước bao gồm: vốn NSNN, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn TPCP, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của các tổng công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ vốn tạm ứng theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn TPCP, Bộ Tài chính vừa hướng dẫn việc tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng các nguồn vốn này. Theo đó, tổng mức vốn tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn NSNN (vốn trong nước) và vốn TPCP tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm, nhưng không áp dụng đối với các dự án thuộc kế hoạch năm 2012, 2013, 2014 được phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm 2015, cũng như các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2015 trở đi. Trường hợp đặc biệt cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép. 
P.V: Có thể thấy, năm 2015, Bộ Tài chính còn rất chú trọng tới công tác quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước. Đồng chí có thể cho biết các điểm mới nhất về công tác quyết toán dự án hoàn thành?
Thi công tuyến đường từ huyện Đô Lương đi Tân Kỳ. 	Ảnh: P.V
Thi công tuyến đường từ huyện Đô Lương đi Tân Kỳ. Ảnh: P.V
Đồng chí Trịnh Nam Tuấn: Trong công tác quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN, Bộ Tài chính đã ban hành hai thông tư quy định về quy trình quyết toán và nội dung quyết toán. Tuy nhiên, để đơn giản trong việc tra cứu, dễ thực hiện cho các đối tượng áp dụng, giảm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư mới trên cơ sở hợp nhất hai thông tư cũ, rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán, kiểm toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán; tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong quyết toán dự án hoàn thành. Điều này sẽ giúp cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật dễ dàng hơn với một văn bản vừa biết được quy trình vừa biết được nội dung kinh tế. 
Tại các văn bản hiện hành, Bộ Tài chính quy định đối tượng là các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư mới, đối tượng này được “mở” hơn, bổ sung thêm các nguồn thuộc vốn nhà nước theo quy định của Luật Đấu thầu mới như: công trái quốc gia; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn vay được đảm bảo bằng tài sản của nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất. 
Bên cạnh đó, nội dung đổi mới quan trọng trong dự thảo này là quy định rút ngắn thời gian quyết toán nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác quyết toán dự án hoàn thành theo tinh thần của Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Điều 29 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, thời gian trình duyệt quyết toán tính từ ngày bàn giao đưa vào sử dụng đã bao gồm cả thời gian để chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán và thời gian để thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán (nếu có) nên thời gian thẩm tra phê duyệt quyết toán đối với mỗi nhóm dự án đều rút ngắn 3 tháng so với quy định trước đây. 
P.V: Thưa đồng chí, chúng ta có thể hy vọng hành lang pháp lý mới sẽ giúp cho công tác quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN ngày càng tiến bộ, tình trạng tồn đọng quyết toán sẽ được đẩy lùi?
Đồng chí Trịnh Nam Tuấn: Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ trước đây quy định thẩm quyền phê duyệt quyết toán đối với các dự án quan trọng quốc gia, còn các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư là do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn NSNN. Hiện nay, Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã phân cấp mạnh hơn thẩm quyền phê duyệt quyết toán đối với các dự án thành phần thuộc dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn NSNN như: giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn NSNN; chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần không sử dụng vốn NSNN. Dự thảo  thông tư mới còn làm rõ thêm quy định cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, dự thảo còn bổ sung nhiều quy định như: không giao dự án cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên, đồng thời tiếp tục rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các biểu mẫu quy định. Do đó, các biểu mẫu đã đơn giản, gọn hơn và chắt lọc hơn với những thông tin cần thiết để việc xử lý nghiệp vụ nhanh hơn. Dự thảo thông tư mới sẽ giúp cho công tác quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN ngày càng tiến bộ, giúp đẩy lùi tình trạng tồn đọng quyết toán cũng như nâng cao trách nhiệm của các đơn vị được phân cấp phê duyệt quyết toán.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí.
Sông Hồng
(Thực hiện)
Trong tiến trình hội nhập kinh tế của địa phương cũng như đất nước, việc các nhà quản lý nắm bắt được những quy luật vận động, cơ chế vận hành của kinh tế thị trường và các cơ chế chính sách cụ thể phù hợp thực tiễn, sẽ có tính quyết định trong hiệu quả điều hành phát triển nền kinh tế. 
Báo Nghệ An cuối tuần mở chuyên mục “Góc nhìn chuyên gia” trên trang 3 bắt đầu từ số này, nhằm cung cấp những thông tin mới về cơ chế, chính sách, những đánh giá và nhận định bổ ích, thiết thực đối với bạn đọc cũng như công tác quản lý, hoạch định, điều hành về kinh tế ở địa  phương.

Tin mới