Phát huy "tai mắt" trong phòng chống cháy rừng

(Baonghean) - Đợt đỉnh nắng 2015 tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 12 vụ cháy rừng lớn nhỏ, tổng diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 44 ha. UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp gấp giữa các huyện có rừng hay cháy, các đơn vị kiểm lâm, ngành nông nghiệp và các chủ rừng nhằm bổ cứu rút kinh nghiệm về phòng, chống cháy rừng. Tuy nhiên, tiếp đó cháy rừng vẫn xảy ra ở Nam Đàn và Quỳnh Lưu. Báo cáo của ngành Kiểm lâm quan ngại rằng, với tình hình nắng nóng tiếp diễn như thế này, khó kiểm soát cháy rừng và khi xảy cháy rất khó cứu chữa, thiệt hại về rừng sẽ rất lớn....
Nói đến công tác PCCCR mùa nắng nóng ở Nghệ An, mục tiêu trọng điểm luôn được xác định là các cánh rừng thông nhựa ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Nghi Lộc... với diện tích gần 30 ngàn ha đang cho khai thác và một số diện tích đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 16.000 ha. Khoảng 2 tháng lại đây, với nhiệt độ nắng nóng cực đoan, cảnh báo nguy cơ cháy rừng thông ở tỉnh ta là ở cấp đặc biệt. Các phương án PCCCR đã được triển khai thực hiện, như vấn đề tạo đường băng, thu dọn thực bì, tuần tra canh lửa rừng, sẵn sàng “4 tại chỗ”... Tuy nhiên, có một thực tế, sự nghiệp bảo vệ rừng cũng như là sự nghiệp cách mạng, phải huy động được toàn dân vào cuộc thì mới thành công. Ấy là trước hết các huyện, các xã vùng trọng điểm cháy rừng phải tuyên truyền, kêu gọi cho được ý thức cao độ của mỗi người dân bảo vệ những tán rừng mà hàng ngày họ sống bên cạnh, thu hái lâm sản phụ, thụ hưởng môi trường xanh...
Hiện nay, ở nhiều cơ sở xóm, xã đã có lực lượng hoạt động vô cùng hiệu quả đó là tổ an ninh, đội dân quân tự vệ, ngày đêm sẵn sàng làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tài sản, trật tự an toàn cho nhân dân; với tinh thần hoạt động vì cộng đồng là chính, có thể nắm bắt được hết diễn biến, tình hình trong thôn, xóm. Vậy lực lượng này tại các vùng có rừng thông nhựa dễ cháy hiện hoạt động ra sao, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã quan tâm, động viên họ làm tốt nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ rừng? Đã kịp thời khen thưởng họ sau những cuộc dập lửa rừng? Rất có thể, vào “mùa” cao điểm của công tác PCCCR như thế này, khi được sự quan tâm có phương án động viên phù hợp để lực lượng này vừa trực tiếp tuyên truyền, vừa tuần tra, canh gác, phát hiện, nắm bắt thông tin... trong nhân dân để phục vụ công tác PCCCR thì sẽ rất hiệu quả, bởi không ai khác chính họ là tai mắt của dân, ở trong dân, hiểu, nắm bắt được mọi chi tiết cuộc sống hàng ngày diễn ra ở từng thôn xóm... nên họ sẽ là những người có thể phát hiện những nghi vấn, những ngọn khói đầu tiên để kịp thời thông tin cho chính quyền, cơ quan chức năng trong ngăn chặn lửa rừng... Nghĩa là, nên chăng giao thêm cho họ nhiệm vụ PCCCR vào mùa cao điểm? 
Cũng từ thực tế, nên chăng cần học tập những địa phương có rừng thông nhựa nhưng rất ít khi cháy như Nghi Lộc. Địa phương này đã làm được 50km đường băng cản lửa, hỗ trợ kinh phí cho các xã đầu tư mua 14 máy thổi, 5 máy cưa, mỗi xã có khoảng 50 - 100 dao phát, 1 - 2 máy cưa... và nhất là Nghi Lộc làm rất tốt việc canh gác lửa rừng, toàn huyện đã làm được 7 chòi canh lửa,  thu dọn thực bì và đốt trước vật liệu dễ cháy cho 2.000 ha rừng. Tại đây cũng tiến hành khai thác nhựa thông đúng quy định nên không có mâu thuẫn về quyền lợi trong dân dẫn đến hành vi phá hoại rừng; đồng thời cấp hết bìa đất rừng cho dân để người dân tự bảo vệ rừng của mình, từ đó Nghi Lộc ít xảy cháy rừng thông, và nếu có đều được phát hiện, dập lửa kịp thời...
Trân Châu

Tin mới