Để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước

(Baonghean) - Ngày 28/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) tại đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL). Theo đó, tính đến ngày 31/12/2014, tổng nguyên giá  TSNN của cả nước là gần 1 triệu tỷ đồng, chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chỉ tính riêng gần 60 nghìn đơn vị SNCL hiện đang quản lý hơn 300 nghìn tài sản (chiếm 63,82% tổng số lượng TSNN), với tổng nguyên giá là gần 700 nghìn tỷ đồng. Sử dụng nguồn lực này thế nào cho hiệu quả  là nội dung Bộ Tài chính cần sự hỗ trợ nhiệt thành của báo chí trong thời gian tới.


70% tổng giá trị tài sản nhà nướcchưa phát huy hiệu quả cao


Theo thống kê của cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN, cơ cấu TSNN tại đơn vị SNCL bao gồm: 75 nghìn đất khuôn viên (chiếm 70%), gần 200 nghìn nhà với tổng nguyên giá là 165 nghìn tỷ đồng (chiếm 24%), gần 16 nghìn xe ô tô với tổng nguyên giá là gần 7,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,12%) và gần 18 nghìn tài sản khác với tổng nguyên giá là 35 nghìn tỷ đồng (chiếm  hơn 5%). Cơ chế hiện hành về quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị SNCL cho thấy, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế giao vốn cho đơn vị SNCL tự chủ tài chính, cho phép các đơn vị này được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh; bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSNN, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều đơn vị khi được giao vốn đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Quang cảnh cuộc họp báo về định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Quang cảnh cuộc họp báo về định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu nêu trên, cơ chế hiện hành và công tác tổ chức thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Thứ nhất, đó là một số quy định hiện hành cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới, đẩy nhanh quá trình thực hiện. Theo đó, một số tiêu chí xác định đủ điều kiện để được Nhà nước xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp còn chưa hợp lý, dễ tạo tâm lý e ngại cho các đơn vị như: phải có đề án sử dụng tài sản, phải cam kết Nhà nước không bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước (trừ trường hợp tăng thêm nhiệm vụ, tăng thêm biên chế)... Việc xác định giá trị tài sản để giao vốn, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất còn phức tạp do phải xác định giá đất cụ thể theo giá thị trường bằng các phương pháp so sánh, chiết trừ, thu nhập, thặng dư không còn cần thiết, tốn kém chi phí, thời gian. Thời hạn thực hiện các bước trong quá trình xác định giá trị tài sản và giao tài sản cần được thay đổi để rút ngắn quy trình thực hiện; đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm.


Thứ hai, đó là việc một số chính sách có liên quan mới được ban hành đòi hỏi cơ chế quản lý, sử dụng TSNN phải được điều chỉnh để tạo sự đồng bộ, phát triển dịch vụ sự nghiệp công và nâng cao tính tự chủ cho đơn vị SNCL. Thực tế này đòi hỏi phải tạo lập cơ chế khuyến khích các đơn vị tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình (trong đó có TSNN được giao quản lý, sử dụng) để tăng nguồn thu sự nghiệp cũng chính là tăng khả năng tự chủ về tài chính.


Thứ ba, đó là việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là một chủ trương mới; một số đơn vị SNCL còn có tâm lý ngại thay đổi, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước; một số đơn vị chưa thấy được tác dụng quan trọng của việc sử dụng hiệu quả TSNN. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của một số Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chưa quyết liệt, đồng bộ.


Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã làm cho kết quả thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị SNCL tự chủ tài chính chưa cao. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có 579 đơn vị SNCL tự chủ tài chính được giao vốn theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp với tổng giá trị tài sản khoảng trên 19 nghìn tỷ đồng.


Loại bỏ một số điều kiện để đẩy nhanh tiến trình


Theo Bộ Tài chính, định hướng sửa đổi, bổ sung cơ chế hiện hành và tổ chức thực hiện cần theo hướng sửa đổi, bổ sung về điều kiện đơn vị được Nhà nước xác định giá trị TSNN để giao quản lý; về trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản và giao quản lý và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, sử dụng TSNN nhằm giúp cho các cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ lợi ích từ việc xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo đó, các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phải tổ chức rà soát lại toàn bộ các đơn vị thuộc phạm vi quản lý để xác định đơn vị đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị quản lý làm căn cứ pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.


Trong các định hướng này, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng, loại bỏ một số điều kiện để tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình xác định giá trị tài sản (như bỏ điều kiện đơn vị phải có đề án sử dụng TSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bỏ điều kiện nhà nước không tăng thêm kinh phí, để bỏ tâm lý e ngại cho các đơn vị khi thực hiện giao vốn). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu cần rà soát tổng thể trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản và giao quản lý để cắt bỏ những nội dung không cần thiết, quy định cụ thể nội dung, cách thức thực hiện và thời hạn thực hiện từng khâu công việc để đẩy nhanh tiến độ giao tài sản cho đơn vị.


Cụ thể như: không phải xác định giá trị tài sản đối với phần diện tích đất Nhà nước cho đơn vị thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để cắt giảm thủ tục, chi phí xác định giá trị quyền sử dụng đất của gần 1.000 đơn vị thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất. Sử dụng Bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất của địa phương để xác định giá trị quyền sử dụng đất giao cho đơn vị; Quy định cụ thể thời hạn xác định giá trị tài sản, thời hạn báo cáo cơ quan có thẩm quyền và thời hạn quyết định giao tài sản để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và đẩy nhanh tiến độ giao tài sản cho đơn vị; Rút ngắn thời hạn bàn giao tài sản cho đơn vị từ 60 ngày xuống còn 15 ngày để đẩy nhanh tiến độ giao tài sản. Với những quy định trên, có thể rút ngắn được ít nhất 1/2 thời gian  từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn tất việc giao tài sản cho đơn vị SNCL.


Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát hệ thống chế tài xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN, đặc biệt là các trường hợp không thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý nhưng vẫn sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh, sử dụng nguồn thu từ TSNN không đúng quy định. Các thông tin liên quan đến việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý, cũng như việc sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh cũng sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN để theo dõi, quản lý và công khai theo quy định.

Sông Hồng

Tin mới