Trăn trở cho vùng ngập lũ "5 nam"

(Baonghean) - Nằm giữa hai dòng sông Lam và sông La, 5 xã phía Nam, gồm Nam Kim, Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc và Khánh Sơn của huyện Nam Đàn là vùng ngập lũ vào mùa mưa tháng 8, 9 hàng năm. Điều đó đã chi phối rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Việc thông thương, trao đổi hàng hóa cũng khó khăn, do vị trí địa lý cách trở. Những năm qua, huyện Nam Đàn tập trung chỉ đạo và dành nhiều chính sách “đặc thù” cho vùng này nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Nam Phúc là xã khó khăn nhất trong 5 xã phía Nam, bởi đây là vùng thấp trũng nhất, lại không có vùng bãi và cũng chẳng có vùng đất cao để phát triển kinh tế vườn đồi, chăn nuôi gia súc như các địa phương khác trong vùng. Thời điểm cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 15 triệu đồng/năm. Bởi sản xuất nông nghiệp ở đây vẫn mang tính truyền thống, chủ yếu trồng lúa, ngô, khoai, đậu, lạc. Trong tổng số 310 ha canh tác toàn xã, có 222 ha lúa thì cũng chỉ khép kín diện tích ở vụ xuân, còn lúa hè thu chỉ sản xuất được 80 ha. Về diện tích đất màu với 80 ha được cơ cấu 30 ha lạc và 40 ha ngô vụ xuân, vụ hè thu trồng cây đậu xanh. Số ít diện tích đất canh tác còn lại trồng rau muống và cỏ.
Ông Phan Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ ở địa phương cực kỳ khó khăn. Mỗi năm có 3 vụ sản xuất nhưng chỉ có vụ xuân ăn chắc, còn vụ hè thu, vụ đông bấp bênh, cây trồng hè thu sản xuất chưa đến kỳ thu hoạch đã ngập lụt; vụ đông cũng là mùa mưa lũ nên có khi cây trồng mới nhú mầm là ngập chết. Tâm lý người dân không mặn mà với đồng ruộng. Xã chỉ có khoảng 50 ha màu cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha, số lớn còn lại rất thấp. Năm 2014 xã có triển khai xây dựng cánh đồng thu nhập cao tại 8/8 xóm nhưng không làm được, do diện tích lúa hè thu không gieo cấy đảm bảo diện tích (chỉ gieo cấy được 80 ha/160 kế hoạch huyện giao) và năm 2015 xã tiếp tục chỉ đạo, nhưng qua tính toán sơ bộ khả năng cũng chỉ 2 xóm đạt. Về chăn nuôi vì điều kiện thời tiết nên cũng không có nhiều trang trại, gia trại gia súc, gia cầm, thủy sản như ở xã khác. Khi hỏi về thế mạnh nhất của địa phương hiện tại, ông Phan Văn Khánh cho rằng, đó là chăn nuôi trâu, bò, lợn... 
Vườn chanh của ông Đặng Văn Hùng, xóm 9, Khánh Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.
Vườn chanh của ông Đặng Văn Hùng, xóm 9, Khánh Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.
Còn với xã Khánh Sơn, trong những năm qua đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa vào một số cây trồng mới như cây dưa đỏ, ớt lai, rau an toàn vào sản xuất trên diện tích đất bãi, đem lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tạo ra bước chuyển nhận thức và tư duy sản xuất hàng hóa trong nhân dân. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu bộ giống như đưa lúa B6, lạc L14 vào sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lê Đồng, cán bộ nông nghiệp xã thì tính bền vững vẫn không cao vì phụ thuộc vào thời tiết, như cây dưa đỏ là cây chuyển đổi có hiệu quả nhất nhưng đợt hạn vừa rồi đã ảnh hưởng đến thu hoạch của bà con. Trên địa bàn xã chỉ có một số ít diện tích cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/ha. Tương tự, ở các xã Nam Cường, Nam Kim, Nam Trung cũng có những khó khăn mang tính phổ biến, đó là sản xuất quá phụ thuộc vào thời tiết, không có sự ổn định cao. Mặc dù, ở xã Nam Cường, Khánh Sơn, mấy năm trước đã xây dựng chương trình liên doanh với một số công ty rau củ quả ở Hải Dương để tổ chức sản xuất, bao tiêu hàng hóa nhưng đến nay chưa thực hiện được. 
Đưa vùng “5 nam” phát triển đồng đều cùng với các vùng trong huyện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Huyện ủy, UBND huyện và các ngành và xã trăn trở trong nhiều nhiệm kỳ đại hội. Với điều kiện địa hình, vị trí đại lý, hướng phát triển tập trung cho vùng này được xác định vẫn là sản xuất nông nghiệp, trong đó quan tâm nhất là tập trung chỉ đạo làm sao khép kín diện tích sản xuất ở cả 3 vụ trong năm. Song thực tế, đây lại là vấn đề không hề đơn giản. Theo ông Hồ Đình Thắng, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, nhiều năm qua, huyện Nam Đàn đã dành sự tập trung chỉ đạo và dành nhiều chính sách “đặc thù”, nhiều cuộc hội thảo về hướng phát triển cho vùng này.
Cụ thể như hỗ trợ 5.000 đồng/kg lúa giống B6 đột biến với thời gian sinh trưởng 75 - 85 ngày nhằm đảm bảo thu hoạch trước 30/8 để tránh lũ lụt; hỗ trợ 300 nghìn đồng/sào lúa xuân gặt sớm để sử dụng bắc mạ hè thu; hỗ trợ đầu xây dựng hệ thống kênh mương chống hạn. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương sử dụng 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ xây dựng NTM tập trung xây dựng mô hình, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất...  Đồng thời vào trước mỗi vụ sản xuất, từ lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn đến từng xã để chỉ đạo, tuyên truyền, giải thích trực tiếp cho cán bộ và nhân dân đẩy mạnh sản xuất. Mặc dù vậy, mục tiêu khép kín diện tích sản xuất ở các địa phương này rất khó khăn và đều không đạt kế hoạch huyện giao. 
Thu hoạch dưa hấu ở bãi Cồn Soi Thân, xã Khánh Sơn.
Thu hoạch dưa hấu ở bãi Cồn Soi Thân, xã Khánh Sơn.
Thực tiễn thời gian qua, huyện đã đưa giống lúa B6 vào sản xuất ở các xã vùng “5 nam” để tránh lũ, đem lại hiệu quả. Nhưng do tâm lý e ngại của người dân, một phần chưa có tinh thần vượt khó nên việc sản xuất giống lúa này ở các địa phương chưa triển khai diện rộng. Vì vậy, bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi bộ giống, nâng cao năng lực thâm canh, điều quan trọng trước hết phải nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong cán bộ và nhân dân với ý chí, quyết tâm vượt khó vươn lên. Bởi trên thực tế, đã có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả ở vùng này như cây hoa lý ở Nam Kim; ớt cay, các loại rau màu thương phẩm cung cấp cho thị trường Thành phố Vinh ở xã Nam Cường; dưa hấu ở Khánh Sơn. Đặc biệt là phát triển kinh tế vườn đồi với cây chanh ở Nam Kim, Khánh Sơn; phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; mở rộng mô hình sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại...
Theo ông Doãn Trí Tuệ, nguyên trưởng phòng Kỹ thuật, Sở NN&PTNT, đối với các xã vùng “5 nam” cần tập trung thâm canh cao cho vụ lúa xuân, lạc, ngô và các cây trồng có giá trị khác, để nâng cao giá trị thu nhập ở vụ xuân. Đồng thời tổ chức sản xuất hè thu sớm, thực hiện nghiêm lịch thời vụ, đảm bảo thời gian gieo trồng xong vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, cùng với đó đưa các giống cây như lúa B6, dưa hấu, các loại rau củ quả có thời gian sinh trưởng ngắn vào sản xuất, để thu hoạch cuối tháng 8. Đặc biệt, ở vùng “5 nam” có những di tích lịch sử - văn hóa quốc gia với những kiến trúc cổ, được giới chuyên môn liệt vào bậc nhất trong hệ thống chùa đình còn ở miền Trung, gồm đình Trung Cần (xã Nam Trung); đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn) và thành Lục Niên (xã Nam Kim). Đây cũng là điều kiện để nghiên cứu phát triển du lịch tâm linh gắn với sinh thái, nhằm tạo ra sự phát triển mới cho vùng “5 nam”.
Minh Chi

Tin mới