Vốn thực hiện Nghị định 67: Hãy đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển

(Baonghean) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là một chính sách nhằm tạo ra hiệu quả lớn lao trong khai thác, đánh bắt xa bờ; và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hiện thực hóa Nghị định này trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các cơ quan liên quan kêu gọi sự thiện chí từ phía các ngân hàng thương mại. Với chúng tôi, những chuyến thực tế thấy rằng: đúng là cần có sự thiện chí, nhưng để có được điều đó, cần phải xác định trách nhiệm cho những đơn vị này...
Từ ngày 30/6 đến 2/7/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cử một đoàn cán bộ do ông Võ Minh Tuấn - Vụ phó Vụ Tín dụng chuyên ngành kinh tế thực hiện một cuộc khảo sát tình hình thực hiện Nghị định 67 ở Nghệ An. Trong các buổi làm việc tại các địa phương TX. Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu và TX. Cửa Lò, ngoài sự tham dự của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh, đại diện Ngân hàng Nhà nước tại Nghệ An, còn có các chi nhánh ngân hàng thương mại, chính quyền các địa phương và chủ dự án đăng ký đóng tàu.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều khẳng định rằng khi Nghị định 67 triển khai đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, ngành. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 75 tàu được giải ngân ký hợp đồng tín dụng, trong đó có tới 31 tàu vỏ sắt. Trong khi đó, Nghệ An mới chỉ có 4 con tàu vỏ gỗ được đóng mới, thì phải chăng có thể coi đó là điều rất đáng buồn?.  
Sau 1 năm thực hiện Nghị định 67, Nghệ An mới chỉ có 4 tàu vỏ gỗ được đóng mới bằng vốn vay của ngân hàng.
Sau 1 năm thực hiện Nghị định 67, Nghệ An mới chỉ có 4 tàu vỏ gỗ được đóng mới bằng vốn vay của ngân hàng.
Nguyên nhân chính yếu dẫn đến kết quả “rất đáng buồn” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chốt lại là bởi sự thiếu thiện chí của các ngân hàng thương  mại. Theo ông Đỗ Giang Nam, Phó Trưởng phòng Tín dụng ngành Nông nghiệp - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Trung ương), sự ra đời của Nghị định 67, mục tiêu đầu tiên là đẩy mạnh hiệu quả kinh tế qua khai thác, đánh bắt và phát triển ngành Thủy sản.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Có thể thông cảm với các ngân hàng khi nguồn vốn vay lớn, lãi suất thấp, song không vì thế mà khi các chủ dự án đáp ứng đủ điều kiện ngân hàng lại không cho vay. Các ngân hàng phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định. Quá trình người dân nộp hồ sơ đăng ký vay vốn thiếu gì, bổ sung gì ngân hàng phải trả lời, phải giải đáp bằng văn bản. Ngân hàng không nên phó mặc cho khách hàng, khi cần có thể phối hợp với chuyên gia trên các lĩnh vực để hỗ trợ công tác thẩm định hồ sơ, thông số kỹ thuật… Ông Đỗ Giang Nam cũng thẳng thắn nói ra rằng: “Một khi ngân hàng không thiện chí thì hai bên rất khó gặp nhau”.
Nhưng làm sao để các ngân hàng thương mại ở Nghệ An thực sự có thiện chí, khi mà nhiều lãnh đạo của các đơn vị này vẫn bày tỏ sự "băn khoăn" vì rằng Nghị định 67 là “siêu dự án” đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính rủi ro cao, việc quản lý tài sản hình thành từ vốn vay khó khăn. Ngay như Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, ông Trần Văn Đức cũng nói rằng: Khi tham gia đóng mới tàu theo Nghị định 67, chỉ cần chủ tàu không trả lãi suất theo đúng kỳ hạn thì lãnh đạo chi nhánh ngân hàng - người đứng ra tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho vay sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là “mất việc ngay”!. Và gói nợ sau đó sẽ chuyển sang quá hạn, các chủ dự án sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi của Nghị định.
Ông Đức còn nhận định, ngư dân hàng ngàn đời nay đi biển bằng tàu vỏ gỗ thì sẽ không có kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ để điều khiển sử dụng tàu vỏ sắt. Vậy nên rất quan ngại về khả năng trả nợ của các chủ dự án vay vốn. Hay như ông Nguyễn Đức Tài - Giám đốc BIDV Phủ Diễn cũng "phân tích" rằng, để đóng 1 con tàu vỏ sắt với tổng giá trị 15 tỷ đồng, chỉ riêng tiền gốc các chủ dự án đã phải trả 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm. Liệu dân có trả được không? Trong khi đó, Chính phủ chỉ hỗ trợ cấp bù lãi suất cho vay, còn vốn vẫn là vốn của ngân hàng... 
Với những "băn khoăn" đó, ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu giải đáp rằng, bình quân mỗi năm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, ngư dân hạ thủy trên 80 tàu đánh cá công suất từ 300CV đến trên 1000CV. Nguồn vốn đóng mới tàu đều được vay từ các ngân hàng thương mại. Vậy nên hơn ai hết, chính ngân hàng quá hiểu về khả năng khai thác, hiệu quả của nghề đánh bắt xa bờ. Thuyền trưởng Hoàng Văn Bình, ở xã Tiến Thủy còn khẳng định rằng, ở Quỳnh Lưu đã có rất nhiều con tàu được đóng mới với giá trị 4 - 5 tỷ đồng, nhưng chỉ sau vài năm đi biển các chủ tàu đều trả nợ đẩy đủ cho ngân hàng. “Các ngân hàng hiểu rõ điều đó. Nếu chúng tôi làm ăn không được thì ngân hàng dại gì mà cho vay vốn”. Theo tính toán của những chủ tàu đi biển lâu năm, một con tàu có công suất trên 300CV bình quân sẽ cho thu nhập khoảng 3 - 4 tỷ đồng/năm. Và lâu nay mỗi tàu cá được đóng mới là có sự liên kết góp vốn đầu tư của nhiều thành viên. Vậy nên khi xảy ra rủi ro, tất cả các thành viên cùng gánh vác trách nhiệm. Chính vì vậy, hơn ai hết các chủ tàu, ngư dân hiểu rõ khả năng đáp ứng yêu cầu của mình trước một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. 
Còn với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Trần Hữu Tiến, nếu ngân hàng còn lo ngại về rủi ro thì đã có chính sách hỗ trợ bảo hiểm của Chính phủ đối với phương tiện và thuyền viên; còn bảo rằng chưa có kinh nghiệm, chưa có mô hình để học tập thì "chẳng cần đi đâu xa, mà chỉ cần đi qua cầu Bến Thủy, ở bên ấy, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã ký hợp đồng tín dụng giải ngân cho 3 chiếc tàu cá vỏ sắt". Và ông Tiến nói rằng: “Phải hiểu rằng không có cái gì mà rủi ro bằng 0. Nếu một chương trình, dự án đạt 70% tiêu chí đề ra thì đã thực sự thành công. Đó là khách quan. Rủi ro trong thực hiện Nghị định 67 nếu có thì Chính phủ đã có cơ chế”.  
Phó Trưởng phòng Tín dụng ngành Nông nghiệp - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ông Đỗ Giang Nam công khai thông tin, ngày 26/2/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Công văn hỏa tốc số 1085/NHNN - TD về việc triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản; đến ngày 27/5/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt  Nam tiếp tục ban hành Công văn số 3778/NHNN-TD cũng về việc tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch niêm yết công khai điều kiện vay vốn, danh mục hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ và thông báo kết quả cho các chủ tàu.
Chủ tàu và các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể chủ động thỏa thuận về thời gian vay vốn và trả nợ của chủ tàu. Thời hạn vay vốn có thể trên 11 năm,  nhưng thời hạn được Nhà nước hỗ trợ lãi suất không quá 11 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng. Mức cho vay do ngân hàng thương mại xem xét trên cơ sở nhu cầu thực tế của chủ tàu nhưng không vượt quá mức vay tối đa quy định tại Nghị định 67. Ngân hàng thương mại và chủ tàu thỏa thuận kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay và vốn đối ứng phù hợp với tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu trên cơ sở chủ tàu phải đảm bảo đầy đủ nguồn vốn đối ứng khi tham gia vào phương án, dự án đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần và tàu khai thác hải sản xa bờ. 
Một buổi làm việc của Sở NN&PTNT với Ngân hàng Nhà nước Trung ương, cùng các  ngân hàng thương mại chi nhánh và ngư dân về giải pháp thực hiện Nghị định 67.
Một buổi làm việc của Sở NN&PTNT với Ngân hàng Nhà nước Trung ương, cùng các ngân hàng thương mại chi nhánh và ngư dân về giải pháp thực hiện Nghị định 67.
Theo ông Đỗ Giang Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đề xuất lên Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn nếu trong quá trình tàu thuyền khai thác xảy ra rủi ro hoặc phát sinh các vấn đề liên quan. Ông nói: Trên đã thông nhưng cần dưới thoáng. Nếu các chủ tàu đảm bảo các hồ sơ thủ tục, các ngân hàng thương mại phải xem xét ký kết hợp đồng tín dụng, không được phép từ chối hay gây khó khăn… 
Nghệ An là tỉnh có 82km bờ biển, nghề đánh bắt thủy sản đã và đang phát triển nhất nhì miền Bắc với trên 1.200 tàu thuyền, trong đó có những chiếc tàu lớn trên 1000CV. Vậy nhưng sau 1 năm thực hiện Nghị định 67 mới chỉ đóng mới được 4 con tàu vỏ gỗ thì quả rất đáng suy nghĩ. Lâu nay trên Biển Đông, phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam nói chung, ngư dân Nghệ An nói riêng luôn gặp bất lợi và thua thiệt khi so sánh với tàu cá nước ngoài, thì hơn bao giờ hết, ngư dân cần có những con tàu đủ vững vàng để đảm bảo an toàn trong các chuyến ra khơi, cạnh tranh một cách bình đẳng trên ngư trường và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nghị định 67 đã giúp ngư dân giải quyết yêu cầu đó. Vậy nên các ngân hàng thương mại đang kinh doanh trên đất Nghệ An cần phải tự giác thể hiện trách nhiệm với ngư dân Nghệ An; trong đó có việc thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhật Lân - Đào Tuấn

Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc làm việc với sự tham dự của các bộ, ngành: NN&PTNT, Tài chính, KH&CN, KH&ĐT, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ. Cuộc làm việc nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 để sát hơn với thực tiễn. Cho ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu ban soạn thảo cần bổ sung nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tốt hơn với ngư dân và những cá nhân, tổ chức liên quan tới hoạt động nghề cá.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Nhiều người nói đóng tàu sắt thì tiền bỏ ra quá lớn, đóng tàu vỏ gỗ thì đỡ tốn hơn. Nhưng chúng ta phải kiên định thực hiện mục tiêu mà Nghị định 67 đặt ra ngay từ đầu là đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn, góp phần thay đổi cách thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ biển đảo”. Nếu chính sách sửa đổi theo hướng ưu tiên cho tàu công suất nhỏ (thấp hơn 400CV) thì tàu chỉ có thể khai thác gần bờ, dễ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Vì vậy Chính phủ không khuyến khích đóng loại tàu này. Chủ tàu muốn được ưu đãi nhiều hơn thì phải đóng tàu vỏ sắt, tàu vật liệu mới có công suất lớn, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong tháng 7/2015.

Tin mới