Hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường năm 2015

(Baonghean) - Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ tình hình thị trường giá cả tháng 8 và dự báo giá tiêu dùng tháng 9. Theo đó, CPI tháng 8/2015 tăng 0,61% so với cùng kỳ năm 2014, và CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,83%, thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây. Chỉ số giá vàng giảm 4,95%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,33% so với tháng 12/2014. 

Mức tăng thấp
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), xét theo cơ cấu nhóm hàng, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có CPI tăng so với tháng trước, tuy nhiên mức tăng đều thấp. Trong đó, đáng chú ý là 3 nhóm có chỉ số giảm gồm: nhóm giao thông giảm lớn nhất với mức 2,18%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,45%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2015 tăng cao nhất ở nhóm giáo dục (tăng 8,93%  do giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh tăng tại một số địa phương trong nửa cuối năm 2014 nên mặt bằng giá dịch vụ giáo dục 8 tháng đầu năm 2015 cao hơn so với cùng kỳ năm 2014), tiếp đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 3,31%). Hai nhóm giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng có CPI giảm mạnh (lần lượt là -12,95%, -1,37%) do giá xăng dầu giảm liên tục từ tháng 9/2014 đến tháng 3/2015 và từ cuối tháng 7/2015 đến tháng 8/2015 đã giữ CPI chung tăng thấp so với các năm trước.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra cơ sở bán hàng trên đường Hồng Bàng (TP. Vinh). 	Ảnh: thanh quỳnh
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra cơ sở bán hàng trên đường Hồng Bàng (TP. Vinh). Ảnh: thanh quỳnh
Xét theo vùng và địa phương, CPI tháng 8/2015 tăng tại 2/8 vùng kinh tế; trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên tăng lần lượt 0,06% và 0,02% so với tháng 7/2015. Xét theo khu vực thành thị, nông thôn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2015 khu vực thành thị và khu vực nông thôn đều giảm, lần lượt là 0,05% và 0,10% so với tháng 7/2015. Xét theo địa phương, 2 thành phố lớn trong cả nước có diễn biến CPI trái chiều nhau. Tại Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2015 tăng 0,17% so với tháng 7/2015; các tỉnh, thành khác có CPI tăng gồm: Thái Nguyên, Hải Phòng, Gia Lai, Cần Thơ. Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2015 giảm 0,12% so với tháng 7/2015; các tỉnh, thành khác có CPI giảm gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Long...
Thị trường xuất khẩu còn khó khăn
Trong những nguyên nhân khiến thị trường giá cả có biến động nêu trên, Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý đến yếu tố thị trường xuất khẩu còn khó khăn. Giá thị trường thế giới một số mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn của nước ta trong tháng 8 theo xu hướng giảm, trong đó giá dầu thô và giá LPG  (Khí dầu mỏ hóa lỏng) giảm; giá chào bán gạo xuất khẩu tại Việt Nam cũng tiếp tục giảm. Nguồn cung lương thực trong nước dồi dào góp phần làm chỉ số giá lương thực giảm (0,16%). Phù hợp với diễn biến giá thế giới, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã chỉ đạo giảm giá xăng dầu, theo đó nhóm giao thông giảm 2,18% đóng góp 0,20% vào mức giảm chung của CPI. Giá LPG trong nước cũng giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/bình 12 kg (kể từ ngày 1/8), là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas giảm. 
Thời tiết một số địa phương đã bớt nắng nóng hơn nên lượng điện tiêu dùng thấp hơn so với tháng trước nên chỉ số giá nhóm điện giảm 0,32%. Giá vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,01% do vào mùa mưa. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, chất đốt... giảm 0,45%. Công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt, liên tục. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cũng lưu ý những yếu tố tác động làm giá cả thị trường tăng. Trong đó, nhu cầu nguyên liệu chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Rằm Trung thu tăng khiến giá một số nguyên liệu (đường, trứng gà, trứng vịt...) tăng. Đồng thời, bước vào mùa khai giảng năm học mới 2015 - 2016, góp phần làm chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,87%. Bên cạnh đó, do thời tiết tiếp tục nắng nóng, nhu cầu về điện, nước, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng cũng gây sức ép tăng giá tháng 8/2015; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11% do nhu cầu giải nhiệt, chống nóng trong mùa hè, giá của các thiết bị điện tăng như máy điều hòa không khí, tủ lạnh, quạt điện tăng từ  0,2% - 0,9%...
Giám sát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ
Dự báo và kiến nghị biện pháp bình ổn giá tháng 9 của cơ quan chức năng cho thấy, do tác động của đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 19/8/2015 sẽ được tính vào kỳ tính chỉ số giá tháng 9/2015; dự báo giá thế giới một số mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu thành phẩm, LPG, gạo xuất khẩu tháng 9 tiếp tục xu hướng giảm hoặc ở mức thấp… sẽ tạo thuận lợi cho công việc điều hành giá thị trường trong nước. Trong tháng 9, theo dự báo, cung cầu hàng hóa tiếp tục được bảo đảm. Chương trình bình ổn giá phục vụ mùa khai trường 2015 - 2016 được thực hiện hiệu quả từ đầu năm tại một số địa phương (điển hình là TP. Hồ Chí Minh) sẽ giúp giảm áp lực tăng giá. 
Việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thêm 1,0%, đồng thời tiếp tục tăng biên độ tỷ giá từ ± 2,0% lên ± 3,0% sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tính theo đồng Việt Nam đắt lên, có thể tác động khiến mặt bằng giá trong nước từ nay đến cuối năm 2015 tăng. Thêm vào đó, từ nay đến tháng 11/2015 tiếp tục là mùa mưa bão, với các tác động đến đời sống, và sản xuất, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, làm tăng giá cục bộ tại các địa phương bão đi qua. Với tình hình dự báo nêu trên, cơ quan chức năng đã kiến nghị biện pháp bình ổn giá. 
Trong đó, với giá xăng dầu, do từ đầu năm 2015 đến nay, xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường, cùng với việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá sẽ sẽ tác động tới giá hàng hóa nhập khẩu... có thể sẽ làm mặt bằng giá trong nước từ nay đến cuối năm 2015 sẽ tăng. Do vậy, để tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có cước vận tải bằng xe ô tô và các mặt hàng thiết yếu khác, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời tham mưu đề xuất UNBD tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát. 
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu (giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc chữa bệnh, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)),... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; đối với các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá xăng, giá dầu, giá các yếu tố đầu vào khác.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu phải kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường. Riêng đối với giá cước vận tải bằng xe ô tô, Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản yêu cầu DN vận tải bằng xe ô tô kê khai giá cước phù hợp với tác động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải so với thời điểm kê khai trước liền kề và thực hiện rà soát theo quy định. 
Sông Hồng

Tin mới