Để 96% doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả

(Baonghean) - Cùng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, hai động thái cải cách quan trọng của Chính phủ là thúc đẩy đàm phán ký kết các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn hàng đầu thế giới và chương trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), với 96% là DN tư nhân. Làm thế nào để khu vực DN tư nhân phát triển là nội dung bài viết của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Khảo sát DN của VCCI vừa công bố vào tháng 4/2015 đã cho thấy, có tới 46% DN tư nhân trong nước và 50% DN FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Đây là  mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực DN tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi. Và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún. Trong số DN tư nhân đang hoạt động thì DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% DN nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao đang là thực trạng phổ biến của các DN tư nhân trong nước.
TS. Vũ Tiến Lộc. 	Ảnh: P.V
TS. Vũ Tiến Lộc. Ảnh: P.V
Xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa. 
Mở rộng hình thức cho vay tín chấp
Để khu vực DN tư nhân trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, chúng tôi đề nghị Chính phủ có chương trình hành động tổng thể thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Ở đây, tôi muốn kiến nghị một số vấn đề chủ yếu: 
Đầu tiên là cần xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia khởi nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và trợ giúp thành lập các DN mới sáng tạo và DN hỗ trợ hoạt động trong các ngành và lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Trước hết là trong các lĩnh vực: kinh doanh nông nghiệp tổng hợp gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm (theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất - nuôi trồng - chế biến đến phân phối), ngành chế tạo máy móc nông nghiệp, ngành điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, chế biến gỗ, dược phẩm, du lịch… và hỗ trợ các ngành này theo chuỗi, theo cụm chứ không theo từng DN và công đoạn riêng rẽ như hiện nay.
Thứ hai, cần tiếp tục đơn gian hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành DN, tăng cường đào tạo kỹ năng làm việc trong DN tại tất cả các trường đại học và trường nghề, xác lập chương trình đào tạo bắt buộc về khởi sự DN cho các chủ DN. Xây dựng và triển khai ngay một chương trình đào tạo rộng khắp theo kiểu “bình dân học vụ” nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các DN đang hoạt động, bảo đảm hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN.
Thứ ba, để giải quyết vấn đề vốn cho DN vừa và nhỏ cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay. Thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính. Phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các cấp. Mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án SX-KD chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp, khẩn trương đưa quỹ phát triển DN nhỏ và vừa vào hoạt động, phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tiên phong, quỹ đổi mới và ứng dụng KH&CN..
Thứ tư, cần tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp. Việc cung cấp các dịch vụ đào tạo, cung cấp thông tin công nghệ, thị trường và xúc tiến hỗ trợ các DN nên giao cho các hiệp hội DN thực hiện theo chủ trương xã hội hóa dịch vụ công được Chính phủ nhấn mạnh trong Nghị quyết 19. Hiện nay, có tới 400 hiệp hội DN đang hoạt động trong phạm vi cả nước với mạng lưới hội viên rộng khắp, nếu được hỗ trợ nâng cao năng lực, sẽ là một trợ thủ đắc lực cho Chính phủ trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp DN vừa và nhỏ có hiệu quả. Nhưng thực tiễn hơn một năm qua cho thấy, các bộ ngành đã chưa thực sự tích cực rà soát và thực hiện chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội và thị trường theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 19 và chỉ đạo của Thủ tướng.
Luật thì mở nhưng thi hành thì khép
Bên cạnh các vấn đề trên, đề xuất thứ năm là về cải cách thủ tục hành chính. Nghị quyết 19 đã thực sự mở đường cho những nỗ lực đột phá bước đầu đã thực hiện tốt trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập DN… Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, lần đầu tiên trong nhiều năm, năm 2015, đã có hơn 70% DN cho biết họ hài lòng với các công tác cải cách hành chính của ngành thuế. Đó là một tiến bộ vượt bậc. Ví dụ trên cho thấy nếu thực hiện quyết liệt các mục tiêu của Nghị quyết 19 có thể mở ra triển vọng đột phá ở nhiều lĩnh vực trong một thời gian ngắn. Vấn đề là cần có sự nỗ lực đồng bộ của tất cả các bộ ngành, từ tư duy, quan điểm đến hành động. 
Cũng liên quan đến TTHC, chúng tôi đề nghị thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Luật DN, Luật Đầu tư mới về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng Luật DN và Luật Đầu tư thì mở ra nhưng các Luật chuyên ngành và nghị định, thông tư hướng dẫn thì khép lại. Phải tiến hành rà xét và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp trong số 5000 thủ tục và điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong luật Đầu tư, đồng thời với việc xóa bỏ tất cả các giấy phép và điều kiện kinh doanh nằm ngoài danh mục 267 ngành nghề đó.
Thứ sáu, Nhà nước không chỉ cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn phải bảo đảm an toàn cho DN. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của DN trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu hiện nay. Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm đang phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao niềm tin và sự dấn thân của DN vào sự nghiệp kinh doanh trong thời gian tới, khi mà yêu cầu khởi nghiệp, sáng tạo, chấp nhận mạo hiểm đang là một xu hướng chủ đạo để tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể hóa các cam kết FTA
Để giúp DN nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập, đề xuất của chúng tôi là rất cần cung cấp thông tin kịp thời và cụ thể về các cam kết, các cơ hội, thách thức cụ thể từ các FTA đối với DN. Chính phủ đang đàm phán cấp tập nhiều FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới đặc biệt quan trọng như TPP, EVFTA nhưng đến nay, không nhiều DN biết về các FTA này, càng ít hơn nữa những DN có sự chuẩn bị cho các FTA. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị chính phủ xem xét thiết lập một cơ chế để cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các đầu mối của cộng đồng DN như VCCI kịp thời cung cấp tất cả những thông tin có thể về các đàm phán, cam kết dưới các hình thức khác nhau cho DN, đồng thời, chỉ định một cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn, giải thích chính thức các cam kết khi DN có vướng mắc hoặc khi có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thực thi và DN.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành các luật cổ phần hóa DNNN, luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, nghị định về hiệp hội DN để tăng cường cơ sở pháp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Cuối cùng, với các DN FDI, chúng tôi đề nghị các bạn hợp tác với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, với VCCI và hiệp hội DN triển khai các chương trình hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ để họ có thể trở thành đối tác, nhà cung cấp tham gia vào chuỗi giá trị của các bạn, để nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo ra sự lan tỏa về công nghệ và kỹ năng trong nền kinh tế Việt Nam. Đó chính là con đường phát triển bền vững của các bạn trong nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm lợi ích của các bạn, của các đối tác và nền kinh tế Việt Nam.
Sông Hồng

Tin mới