Nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

(Baonghean) - Nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được lưu tâm và được phân tích do nhiều nguyên nhân. 

Đến đầu tháng 2/2015, số nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn là gần 900 tỷ đồng, trong đó của 33 xã đạt NTM trong năm 2014 là hơn 300 tỷ đồng. Số nợ đọng chủ yếu tập trung tại các công trình, dự án như: xây dựng trụ sở; đường giao thông trục chính; trường học; trạm y tế; nhà văn hóa xã. Riêng những công trình như: nhà văn hóa thôn, bản; giao thông trục thôn, xóm; giao thông nội đồng... nợ rất ít do huy động được sức dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nợ đọng trong xây dựng NTM xảy ra ở các địa phương thời gian qua được xác định do nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 quy định: Hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các hạng mục: Quy hoạch; đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở; trường học đạt chuẩn; trạm y tế; nhà văn hóa; kinh phí cho đào tạo.
Căn cứ vào đó, các địa phương đã vận dụng huy động các nguồn vốn tạm thời, các đơn vị thi công để triển khai xây dựng các công trình trên, chờ ngân sách Trung ương cấp sẽ trả nợ sau. Nhưng do Trung ương chưa cân đối được ngân sách, nên ngày 8/6/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Trong đó chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) cho: Quy hoạch; xây dựng trụ sở; kinh phí cho đào tạo. Các hạng mục khác chỉ hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước. Do đó, một số công trình đã thực hiện xong chưa có vốn để trả nợ.
Thứ hai, cũng tại Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định cơ chế huy động vốn của địa phương để tổ chức triển khai chương trình; theo đó: HĐND tỉnh quy định tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 70% để thực hiện xây dựng nông thôn mới; nên nhiều địa phương triển khai thi công các công trình hạ tầng trên địa bàn, đồng thời quy hoạch tạo quỹ đất để khi có chủ trương của tỉnh về trích tỷ lệ như tại Quyết định 800 sẽ bán để trả nợ. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc thu ngân sách nên tỉnh chưa thực hiện được. Bên cạnh đó có một thực tế không thể không lưu ý, là không ít địa phương đang chạy theo thành tích. Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên liên tục, việc đạt chuẩn NTM chỉ là kết quả quan trọng ban đầu, các địa phương cần tiếp tục đầu tư xây dựng các tiêu chí ở mức cao hơn, bền vững hơn. Để làm được điều đó các địa phương cần có một nguồn lực nhất định để đầu tư duy trì và nâng cao các tiêu chí trong thời gian tới.
Qua công tác chỉ đạo các địa phương xây dựng NTM trong thời gian qua với nguyên nhân nợ đọng ở
các xã, chúng tôi nhận thấy một số giải pháp có thể thực hiện như sau:
Thứ nhất, các địa phương trước khi bắt tay vào xây dựng NTM cần có quy hoạch, đề án sát với điều kiện cụ thể của địa phương. Trong quá trình lập quy hoạch, đề án nên tích cực xin ý kiến tham gia của người dân; phải xác định được những khó khăn, thuận lợi, nguy cơ thách thức và những cơ hội của địa phương khi thực hiện chương trình. Từ đó có những bước đi thích hợp, không nóng vội, chạy theo thành tích.
Thứ hai, không quá tập trung vào các tiêu chí xây dựng cơ bản, chỉ thực hiện khi cân đối được nguồn lực. Ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao thu nhập cho người dân, đây là nội dung quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện chương trình, là tiền đề, là chỗ dựa để triển khai các nội dung, tiêu chí khác của chương trình.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM, hiến đất mở đường, góp công, góp tiền xây dựng nhà văn hóa, giao thông thôn, xóm... Việc huy động sức dân phải minh bạch, rõ ràng hợp tình, hợp lý được sự đồng thuận của người dân, tuyệt đối không ép buộc. Mỗi địa phương có mỗi cách làm hay, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Chẳng hạn trong hiến đất mở đường GTNT những hộ mặt đường đã hiến đất, dỡ cổng, bờ rào thì các hộ phía trong góp tiền mua xi măng xây lại bờ rào cho những hộ đã hiến đất, là một sự chia sẻ cần vận động thực hiện và nhân rộng. Lãnh đạo địa phương cần năng động, biết tranh thủ các nguồn lực hợp pháp khác như vận động con em xa quê thành đạt đóng góp...
Nguyễn Văn Hằng
(Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới