Thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất trong HTX nông nghiệp

(Baonghean) - Sau khi mô hình HTX, nhất là HTX nông nghiệp kiểu cũ trở nên lạc hậu, thậm chí mất hẳn vai trò trong cơ chế thị trường mới, Luật HTX đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung với mục tiêu khuyến khích và phát triển mô hình HTX kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các HTX hiện có hoạt động theo đúng bản chất HTX. Luật HTX 2012 đáp ứng mục tiêu đó...
Sự cần thiết chuyển đổi 
Sau một thời gian dài hoạt động ỳ ạch, không đáp ứng được nhu cầu cung ứng dịch vụ nông nghiệp của thành viên HTX, tháng 7/2015 HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Hưng (Nghi Lộc) đã tự nguyện giải thể. Song là xã thuần nông, Nghi Hưng có 346 ha chuyên sản xuất lúa và 180 ha trồng màu, rất cần một HTX nông nghiệp đủ mạnh để đáp ứng các nhu cầu phục vụ sản xuất cho nhân dân. Đảng ủy, UBND xã Nghi Hưng xác định cần phải thành lập mới HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 để đảm nhiệm “sứ mệnh” quan trọng tại địa phương.
Thành viên HTX nông nghiệp Nam Cát (Nam Đàn) xây dựng kênh mương nội đồng.
Thành viên HTX nông nghiệp Nam Cát (Nam Đàn) xây dựng kênh mương nội đồng.
HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Mỹ (Thanh Chương) cũng ở tình trạng “tê liệt” hoạt động. HTX này không có vốn điều lệ, cũng không có bất kỳ nguồn vốn nào, đến nay trụ sở làm việc của HTX đã xuống cấp trầm trọng, dột nát, nhưng không có vốn để xây dựng lại. Ông Trần Ngọc An, Chủ nhiệm HTX phải dùng nhà ở của mình làm nơi giao dịch của HTX. Hoạt động của HTX chủ yếu là dịch vụ giống, phân bón, thủy lợi nhưng hiệu quả rất thấp, bởi các hoạt động này đang phụ thuộc vào sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. HTX chưa vươn lên kết nối trực tiếp với các nhà máy sản xuất để lấy được hàng giá tận gốc (không qua khâu trung gian) về cung ứng cho dân và chưa mở rộng được ngành nghề dịch vụ.
Huyện Thanh Chương có gần 60 HTX, chiếm khoảng 1/10 số lượng HTX của toàn tỉnh, nhưng đa số các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đều trong tình trạng khó khăn. 
HTX nông nghiệp Nghi Lâm (Nghi Lộc) cung ứng vật tư phân bón  cho xã viên.
HTX nông nghiệp Nghi Lâm (Nghi Lộc) cung ứng vật tư phân bón cho xã viên.
Vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp chưa thực hiện được chức năng "bà đỡ" cho các hộ xã viên; trên thực tế nhiều HTX nông nghiệp không còn hoạt động nhưng vẫn chưa giải thể. Số HTX xếp loại trung bình và yếu chiếm tỷ lệ cao (241/457 HTX toàn tỉnh). Hầu hết các HTX chưa làm được dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Các khâu dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y là những vấn đề cần thiết phục vụ phát triển trồng trọt và chăn nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất cho người dân, nhưng nhiều HTX nông nghiệp không thực hiện được...
Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải chuyển đổi HTX hoạt động đúng bản chất theo Luật HTX 2012. Để làm được đồng bộ mục tiêu này, không chỉ yêu cầu cao ở sự nỗ lực của bản thân các HTX, mà còn đòi hỏi phải có sự vào cuộc đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và cấp ủy cơ sở địa phương... 
Khẳng định vai trò
Với quy mô sản xuất hộ riêng lẻ, người nông dân không có động lực để thay đổi từ cải tiến quy trình canh tác, thay đổi giống, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ...  HTX với quy mô của mình đã giúp cho sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, thích nghi với yêu cầu của thị trường. 
HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cát (Nam Đàn) đang ngày càng làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng cho nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Sau khi giải thể HTX cũ, tháng 7/2013, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nam Cát được thành lập hoạt động theo Luật HTX 2012, đến nay đã thu hút được 34 thành viên đóng góp cổ phần. Trong đó, người đóng góp cao nhất là 65 triệu đồng, người đóng góp thấp nhất 3 triệu đồng, với tổng vốn góp 257 triệu đồng. HTX đã đầu tư mua máy cày, máy cấy phục nhu cầu của bà con. Nam Cát là xã thuần nông với diện tích sản xuất lúa 367 ha. Trước khi HTX chưa có máy cấy, máy cày, mỗi vụ sản xuất người dân phải tự bắc mạ và thuê dịch vụ tư nhân với tiền công cày đất và cấy hết 500 ngàn đồng/sào. Khi HTX đưa khoa học kỹ thuật vào, nông dân được sử dụng dịch vụ giá rẻ hơn, từ khâu cày đất đến bắc mạ khay và cấy hoàn chỉnh chỉ hết 350 ngàn đồng/sào. 
Sản xuất mạ khay ở Nam Cát
Sản xuất mạ khay ở Nam Cát (Nam Đàn)
Dịch vụ cung ứng giống, phân bón của HTX luôn đáp ứng nguồn hàng đảm bảo chất lượng để bà con tin tưởng, yên tâm sản xuất, bình quân mỗi năm cung ứng 3- 4 tấn giống lúa các loại. Các mặt hàng lân, phân, đạm cung ứng chiếm 50% thị phần của xã. Từ cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của HTX đã góp phần đưa năng suất lúa  đông xuân bình quân đạt 61 tạ/ha, vụ hè thu 50 tạ/ha, chất lượng lúa tốt.
Tương tự, HTX nông nghiệp Phú Hậu, xã Diễn Tân (Diễn Châu) có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 152 ha, gần 750 hộ xã viên. Những năm đầu thành lập hoạt động chủ yếu là chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đến năm 2005 thêm dịch vụ phân bón, bảo vệ thực vật, điện năng, thủy lợi. Đến năm 2009, HTX bắt đầu ký kết hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam sản xuất lúa giống và đã phát huy hiệu quả. Từ đó, Công ty Giống cây trồng Thái Bình hợp đồng với HTX Phú Hậu sản xuất lúa giống BC15, TBR225; toàn bộ giống gốc nguyên chủng được công ty cung ứng cho dân vay sản xuất đến cuối vụ nhập lúa mới thanh toán. Nhờ làm mô hình lúa giống mà nhiều hộ xã viên có lãi khá cao, mỗi năm làm 2 vụ, lãi ròng hơn 10 triệu đồng; ngoài ra còn làm các loại rau màu vụ đông kết hợp chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, đem lại thu nhập ổn định cho xã viên. HTX là đầu mối ký kết hợp đồng, tổ chức cung ứng giống, thu gom sản phẩm nhập cho doanh nghiệp, kết nối tạo mối liên kết “4 nhà” chặt chẽ, giúp bà con xã viên được hưởng giá trị cao hơn hẳn trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với sản xuất lúa giống, các loại hình dịch vụ của HTX nông nghiệp Phú Hậu hỗ trợ đắc lực cho bà con xã viên trong sản xuất nhằm hướng đến hiệu quả cao nhất. Dịch vụ tín dụng nội bộ của HTX tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mua trâu, bò; hỗ trợ con em đi xuất khẩu lao động. Dịch vụ này hoạt động từ năm 2007, có thời điểm số tiền thành viên gửi vào lên đến gần 2 tỷ đồng. Bà con xã viên vay tiền hoặc gửi tiền rất thuận tiện, nhanh chóng, phát huy hiệu quả rõ rệt. 
(Còn nữa)
 Quỳnh Lan
Tính đến tháng 9/2015, toàn tỉnh có 457 HTX nông nghiệp. Trong đó 42 HTX chuyên cây, con, 3 HTX lâm nghiệp, 380 HTX dịch vụ tổng hợp, 13 HTX diêm nghiệp, 9 HTX chăn nuôi, 9 HTX nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, 1 HTX chủ trang trại. Phân loại theo mức độ hoạt động có 41 HTX giỏi, 138 HTX khá, 214 HTX trung bình, 51 HTX yếu, kém. Trong tổng số 457 HTX nông nghiệp có 227.893 thành viên, với 53.310 lao động thường xuyên. Tài sản của HTX chủ yếu là các công trình như: Trạm bơm, kênh mương thủy lợi, cầu, cống nội đồng.
TIN LIÊN QUAN

Tin mới