TPP:Những cơ hội và thách thức cho Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cuối cùng thì cả lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp, cùng người dân 12 thành viên TPP gồm: Oxtralia, Brunay, Canada, Chile, Nhật Bản, Mailaysia, Mexico, Niudilan, Peru, Singgapo, Mỹ và Việt Nam đã có thể thở phào trước tin vui chính thức kết thúc toàn diện đàm phán TPP vào 4 h 20 sáng (giờ Mỹ), tức 3h 20 chiều (theo giờ Hà Nội) ngày 5.10.2015. 

*TPP  - một mô hình hội nhập quốc tế bậc cao mới

Chuỗi hơn 20 vòng đàm phán chính thức và nhiều cuộc họp cấp cao với vô số những nhượng bộ và thỏa hiệp không dễ dàng... đã được khép lại trong sự hài lòng và cân bằng lợi ích chung, mở ra nhiều kỳ vọng cho tất cả các bên.

TPP bao quát phạm vi rất rộng, rất phức tạp với các vấn đề thương mại và phi thương mại đan xen, mức độ cam kết sâu bao gồm 22 lĩnh vực, cụ thể: Thế giới hiện có hơn 200 FTA đang tồn tại, với các cấp độ từ mở cửa thương mại hàng hóa, đến mở cửa thương mại hàng hóa - dịch vụ và TPP là dạng cấp 3, cao nhất với độ mở cửa nhanh, toàn diện và sâu hơn.

TS.Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong.

- Về thuế quan, TPP khi được ký kết, 90% các dòng thuế sẽ về 0% ngay lập tức, và 10% còn lại sẽ giảm dần về 0% trong thời gian không quá 10 năm.

- Về dịch vụ, tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.

- Về đầu tư, tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

- Về quyền sở hữu trí tuệ, tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO.

- Về các biện pháp SPS, TBT, siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật.

- Về cạnh tranh và mua sắm công, tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công.

- Về các vấn đề lao động, đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (công đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.

Doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn còn phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn từ Mỹ là chủ yếu.
Doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn còn phải nhập khẩu nguyên liệu là chủ yếu.

TPP khi có hiệu lực (sớm nhất là vào quý I/2016) sẽ không chỉ là giảm hơn 90% các dòng thuế sẽ về 0% ngay lập tức, và 10% còn lại sẽ giảm dần về 0% trong thời gian không quá 10 năm, mà còn là cam kết sâu bao gồm 22 lĩnh vực, nới lỏng đầu tư quốc tế và dòng chảy tự do của các nguồn lực, tạo môi trường chất lượng cao nhất và những chuỗi cung ứng mới, thuận lợi hơn nữa, mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia; giúp tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa các đối tác và đồng minh trong khu vực quan trọng, với 800 triệu dân, chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại thế giới (trong đó có Mỹ chiếm 57% GDP và gần 40% tổng số dân ).

Với nhiều thỏa thuận lớn nhất và tham vọng nhất, những tiêu chuẩn rất cao cả về thương mại, kỹ thuật, IP (sở hữu trí tuệ), môi trường, lao động, tài chính-tiền tệ..., TPP là bước chuyển biến lớn và quan trọng nhất mà các nước đã đạt được trong 20 năm qua kể từ vòng đàm phán Uruguay và là sự khởi đầu của các FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) thế hệ mới, mang tính thế kỷ liên quan đến các quốc gia. TPP không chỉ là thành tựu to lớn với mỗi nước thành viên, giúp hỗ trợ việc làm, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện và đổi mới trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm và thực sự định hình tương lai cả nền thương mại toàn cầu của thể kỷ 21…

TPP được đánh giá là hiệp định kiểu mẫu cho thế kỷ XXI do tiêu chuẩn cao và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn so với các FTA đang tồn tại. TPP thực hiện cơ chế mở, theo đó trong tương lai, những nước quan tâm có thể tham gia đàm phán gia nhập. Tính mở của TPP có ưu điểm là chỉ bằng đàm phán TPP, một nước có thể cùng có FTA với nhiều đối tác. Song, điều này cũng gây khó khăn vì càng nhiều nước tham gia càng khó tìm điểm thống nhất và thời gian đàm phán càng kéo dài.

Theo một số nguồn tin, nhiều nước, vùng lãnh thổ đã bày tỏ mối quan tâm muốn tham gia đàm phán như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Lào, Thái Lan, Colombia, Costa Rica. Trong đó khả năng Hàn Quốc tham gia đàm phán TPP là đậm nhất

*Việt Nam trong TPP

Là nước có trình độ kinh tế thấp nhất, kể cả về tổng GDP, cũng như bình quân đầu người trong 12 nước thành viên TPP, trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã đề nghị các nước thành viên TPP phải lưu ý đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích và có tính đến chênh lệch trình độ phát triển.

Cần thấy rằng, TPP sẽ không giúp loại bỏ các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Hoa Kỳ hiện đang áp dụng. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp cho nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá cho tới khi Việt Nam đạt được tiêu chuẩn nền kinh tế thị trường. Các quy định liên quan đến môi trường và lao động sẽ tăng chi phí sản xuất của các nước, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với khoảng 185 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 13 nước - đối tác chiến lược, 11 nước - đối tác toàn diện; đồng thời đang có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 nước và vùng lãnh thổ; đã ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Tham gia TPP là sự kiện lịch sử đặc biệt trong hội nhập quốc tế của Việt Nam sau sự kiện là thành viên WTO. Việt Nam từ năm 2013 đã được 45 nước công nhận có quy chế kinh tế thị trường; hiện đã ký 10 FTA, gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản; Khu vực thương mại tự do ASEAN – Úc và Niu Dilân; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ; Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê;  FTA với Liên minh Hải quan 3 nước là Nga, Belarus và Kazakhstan. Kết thúc đàm phán  FTA với EU và FTA với Hàn Quốc; đang đàm phán 4 FTA khác, là: EFTA (bao gồm 4 nước là Thuỵ Sỹ, Na Uy, Liechtenstein và Ai-xơ-len); FTA với Đài Loan; Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP).

Xuất khẩu cá hố ở doanh nghiệp chế biến thủy sản Phương Mai (Hoàng Mai)
Xuất khẩu cá hố ở doanh nghiệp chế biến thủy sản Phương Mai (Hoàng Mai)

TPP sẽ tạo xung lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn cả bề rộng và bề sâu. TPP đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và hàng điện tử, điện thoại… với hàng chục  triệu lao động. Đồng thời, TPP giúp các doanh nghiệp thêm cơ hội được đối xử công bằng, cạnh tranh bình đẳng và tự do đầu tư kinh doanh, nhập khẩu công nghệ thich hợp; dịch chuyển lao động tham gia các hoạt động khác trên thị trường 12 nước thành viên TPP theo khuôn khổ các cam kết….Tuy nhiên, thách thức cũng nhiều hơn về môi trường và sở hữu trí tuệ, áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà và trong chính những ngành mà Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời, như chăn nuôi và trồng trợt nông sản. Ngoài ra áp lực bất ổn kinh tế - tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như áp lực việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trong nước có thể gia tăng…

Tham gia TPP đòi hỏi Việt Nam cần có bứt phá mạnh và nhanh hơn về cả nhận thức và nền tảng pháp lý cho phát triển nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; chú ý bảo đảm sự đồng bộ và phối hợp các chính sách, cơ quan quản lý và hài hòa tính 2 mặt của chính sách, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và sở hữu tài sản hợp pháp, tạo thuận lợi kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; từng bước hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, đồng thời có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Phối hợp hài hòa bàn tay thị trường và bàn tay nhà nước; tăng cường công tác giám sát, phản biện, bảo đảm ổn định kinh tế - chính trị và xã hội, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, giữ vững độc lập, tự chủ; đề cao lòng tin chiến lược và niềm tin chính trị giữa các quốc gia; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường sống; cải cách quản lý DNNN, nới “room” và tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và tỷ giá, dự trữ ngoại hối, quản lý chất lượng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin, ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả….

    N.M.P

Box: Tính đến nay Nghệ An có khoảng 8.500 DN đang hoạt động/ 13.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập.Vốn điều lệ đăng ký bình quân  đạt khoảng  5,52 tỷ đồng/DN. Hầu hết DN Nghệ An qui mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Bởi vật việc Việt Nam gia nhập TTP sẽ tạo ra những cơ hội và nhiều thách thức cho DN, nhất là đối với các DN tham gia xuất khẩu. 

Tin mới