Việt Nam xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP

Trong đó gần 66% dòng thuế sẽ về 0% khi Hiệp định có hiệu lực, năm thứ 4 là 86,5%, và đạt 97,8% vào năm thứ 11.
Thông tin trên được Bộ Tài Chính đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề chiều ngày 9/11.
Cụ thể, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô vào năm thứ 13 (năm 2031) đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10.
Bên cạnh đó, theo cam kết, Việt Nam sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch rất hạn chế, ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16 (năm 2034).
  Ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10 (2028). Ảnh minh họa
Ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10 (2028). Ảnh minh họa.
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), có khả năng Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Như vậy đến năm 2028, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô.
Cũng theo ông Thăng, sở dĩ ô tô 3000cc lại có lộ trình giảm thuế sớm hơn vì hiện nay dòng xe này trong nước không sản xuất. Trong quá trình đàm phán, những mặt hàng nào được bảo hộ sẽ có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu hợp lý.
Mặc dù trong các hiệp định tự do hóa thương mại từ trước đến nay Việt Nam không cam kết về xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô cũ, không khuyến khích nhập khẩu ô tô cũ nhưng theo cam kết TPP bắt buộc phải có nên Việt Nam chỉ đưa ra một con số khiêm tốn để kiểm soát ô tô cũ nhập khẩu về Việt Nam. Theo ông Thăng, với số lượng ô tô cũ như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến thị trường ô tô trong nước.
Ngoài ô tô, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng sắt thép, xăng dầu vào năm thứ 11 (năm 2029).
Nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc, thiết bị của các nước sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ năm thứ 4 (năm 2022).
Dệt  may, giày dép, phân bón xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với mặt hàng rượu bia xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 3 đối với rượu sake, các mặt hàng còn lại xóa bỏ thuế vào năm thứ 11 (năm 2029), một số loại vào năm thứ 12 (năm 2030).
Đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản như thịt gà được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau vào năm thứ 11/12 (năm 2029- 2030); thịt lợn xóa bỏ năm thứ 10 (năm 2028) với thịt tươi và năm thứ 8 (2026) với thịt đông lạnh.
Gạo xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực; ngô xóa bỏ sau năm thứ 5 (năm 2023); sữa và các sản phẩm sữa xóa bỏ ngay khi có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 3 (năm 2021).
Các mặt hàng chế biến từ thịt, xóa bỏ năm thứ 8 đến năm thứ 11, chế biến thủy sản xóa bỏ vào năm thứ 5 (năm 2023). Thuốc lá điếu xóa bỏ bào năm thứ 16 (năm 2034)…
Đánh giá tác động của việc cắt giảm thuế nhập khẩu, đặc biệt là cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô đối với ngân sách, đại diện Bộ Tài Chính cho biết, việc thực hiện các Hiệp định tương đối đa chiều, có sự đan xen, dịch chuyển thị trường xuất nhập khẩu, có thể giảm thu ở thị trường này, tăng thu thị trường khác. Áp lực giảm thu có thể diễn ra từ năm 2018 do chúng ta bắt đầu thực hiệp định ASEAN và TPP.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có kiến nghị lên chính phủ điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt…để đảm bảo cơ cấu thu hợp lý, bền vững.
Tuy nhiên ông Thăng khẳng định, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô mới đây nhằm thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô chứ không phải để bù đắp cho phần thiếu hụt ngân sách khi thuế nhập khẩu giảm xuống.
Theo Info.net
TIN LIÊN QUAN

Tin mới