Thiếu lao động đóng tàu thuyền

(Baonghean) - Đóng tàu thuyền là nghề khá nặng nhọc đòi hỏi tay nghề cao và tính kiên trì của người thợ, do vậy mặc dù công thợ đóng thuyền không thấp nhưng các xưởng đóng tàu vẫn khó thu hút lao động.

Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu ngày nay được phát triển từ HTX đóng tàu Hưng Châu giai đoạn (1959 - 1992). Để có những con tàu chắc chắn, bền vững, những người thợ lành nghề miệt mài sản xuất không kể ngày đêm.

Theo ông Nguyễn Bá Minh năm nay 60 tuổi - thợ giỏi của Công ty đóng tàu Hải Châu, ngoài năng khiếu làm nghề đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Một người thợ mới vào nghề cũng phải mất 2 năm đào tạo mới chắc tay nghề.

Hoàn thiện tàu công suất 800CV tại Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu
Hoàn thiện tàu công suất 800CV tại Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu.

Hiện nay, Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu mỗi năm đóng mới khoảng 30 tàu cá cho khách hàng các tỉnh từ Thái Bình, Nam Định đến Kiên Giang. Song điều trăn trở nhất của ông chủ công ty này là ngày càng thiếu thợ làm nghề, lớp trẻ bây giờ không mặn mà với nghề đóng tàu thuyền, mặc dù mức thu nhập từ nghề không phải thấp, đối với thợ có tay nghề lâu năm được hưởng mức 350.000 đồng/ngày, thợ mới vào nghề cũng trên 200.000 đồng/ngày.

Hàng năm đều có 50 - 60 lao động vào công ty học nghề nhưng sau một thời gian làm thấy công việc vất vả nặng nhọc nên nghỉ dần, mỗi năm công ty chỉ tuyển chọn được 2- 3 người có chí hướng gắn bó với nghề...

Cơ sở đóng tàu thuyền Hồ Văn Ngò ở xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu hiện có trên 30 lao động đóng tàu lành nghề với hàng chục năm kinh nghiệm, trong đó có một kỹ sư vỏ tàu, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu về đóng mới và sửa chữa tàu cá của ngư dân. Cơ sở đóng tàu của ông Ngò cũng là đơn vị kế thừa của HTX thủ công nghiệp Liên Minh xưa kia. HTX thủ công nghiệp Liên Minh ra đời năm 1966 làm nhiệm vụ đóng phà, đóng thuyền vận tải phục vụ nhân dân vận chuyển hàng hóa trong chiến tranh, và thuyền đánh cá ven bờ.

Đến năm 1988 theo chủ trương xóa bỏ cơ chế bao cấp của nhà nước, đi vào hạch toán kinh doanh, HTX giải tán. Nhận thấy đặc thù của quê biển không thể thiếu được nghề đóng tàu thuyền bởi bà con quê nhà bao đời nay dựa vào biển mà sinh tồn. Ông Ngò quyết tâm rủ một số anh em thành lập tổ hợp và mua lại cưa, máy móc, nhà xưởng tiếp tục nhận đóng tàu thuyền phục vụ nhu cầu đi biển của nhân dân trong xã và các xã lân cận.

1
Cơ sở đóng tàu của ông Ngò ngày càng phát triển, đóng nhiều tàu to phục vụ nhu cầu khai thác xa bờ của ngư dân, mỗi năm đóng mới trên dưới 10 tàu cá.

Ông Hồ Văn Ngò chia sẻ: "Hàng chục năm nay dù đối mặt với những thăng trầm của lịch sử có những lúc tưởng rằng bản thân mình không thể tiếp tục duy trì được nghề truyền thống của cha ông để lại. Song vượt lên tất cả tôi một lòng gây dựng nghề và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, có năm cao điểm trong xưởng luôn có hàng chục thợ đóng tàu nhưng hiện nay nguồn nhân lực làm nghề tại xưởng đã giảm 1/2.

Nguyên nhân do người lao động không muốn làm nghề nặng nhọc này bởi suốt ngày miệt mài trong môi trường bụi bặm và ồn ào. Lớp trai trẻ trong làng học hết cấp 3 không thi đỗ đại học thì cũng kiếm việc khác để làm hoặc theo nghề đánh cá ngoài biển khơi chứ rất hiếm người chịu khó theo nghề đóng tàu thuyền. Chính vì vậy mà lao động làm nghề này ngày càng khan hiếm..."

Anh Hồ Anh Dũng - người dân xã Quỳnh Nghĩa cho biết: "Lớp trẻ như chúng tôi bây giờ rất ngại làm nghề đóng tàu thuyền bởi công việc vất vả và gò bó, môi trường làm việc ồn ào, bụi gỗ. Hơn nữa không phải ai cũng có năng khiếu làm mộc tàu thuyền, ngoài ra còn đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại thì mới theo được nghề này..."

Với một tỉnh có chiều dài bờ biển 82 km, ngư dân Nghệ An có truyền thống khai thác biển lâu đời, từ xa xưa những chiếc tàu thuyền đánh cá đã trở thành phương tiện mưu sinh cho lớp lớp người dân miền biển quê nhà. Cho đến hôm nay, lĩnh vực khai thác và chế biến thủy hải sản vẫn là một thế mạnh kinh tế của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 60 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá, và gần 4.000 tàu cá đang hoạt động khai thác trên biển...

Chính vì vậy nghề đóng tàu thuyền luôn cần được duy trì, phát triển và cũng cần có cơ chế để thu hút lao động gắn bó với nghề.

                                                                              Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới