Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ xuân để chống hạn

(Baonghean) - Theo dự báo, tình hình hạn hán có thể xảy ra sớm và trên diện rộng ngay từ vụ xuân năm 2016. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn, các địa phương cần nghiên cứu kỹ để chuyển đổi sang những loại cây trồng phù hợp, vừa chống được hạn, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế.

“Vụ xuân năm nay chúng tôi phải chuyển 200 ha lúa sang các loại cây trồng màu khác chịu hạn hơn do hạn hán, tập trung ở các xã vùng Bích Hào và một số vùng cao cưỡng khác”- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông Lê Đình Thanh cho biết. Sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi thấp này phụ thuộc vào 2 nguồn nước chính, trong đó khoảng một nửa diện tích gồm các xã Thanh Tường, Thanh Văn, Thanh Hưng, Thanh Đồng, Thanh Dương “ăn” nước từ sông Lam và các phụ lưu như sông Giăng, sông Rào Gang và nguồn nước từ các sông suối khác; nửa diện tích còn lại dùng nước từ các hồ đập, chủ yếu ở các xã vùng Hoa Quân, Bích Hào, Thanh An, Thanh Chi, Thanh Khê, Thanh Thịnh… 
nông dân xã Diễn Kỷ, Diễn Châu xuống đồng sản xuất vụ xuân
nông dân xã Diễn Kỷ, Diễn Châu xuống đồng sản xuất vụ xuân
Trên địa bàn huyện, ngoài 8 hồ đập lớn do xí nghiệp quản lý, còn có hơn 200 hồ đập nhỏ.  Năm nay, do lượng mưa thiếu hụt so với mọi năm, nên lượng nước trong các hồ chứa đến thời điểm này cơ bản không đạt dung tích thiết kế, nhất là hệ thống hồ chứa nhỏ do các HTX quản lý, thậm chí trong đó có cả những hồ đập lớn như đập Vạt Chạc, Triều Dương (Thanh Lâm), Trảng Không (Thanh Xuân)...  Một số xã thuộc vùng Bích Hào như Thanh Lâm, Thanh Mai, Thanh Xuân… đã 2 năm nay chưa có một trận mưa nào lớn.
Do vậy, những năm trước, Thanh Chương thường đưa vào kế hoạch gieo cấy 8.200 ha trong vụ xuân nhưng thực tế, thường vượt lên 8.300 - 8.500 ha ở những diện tích hóc, chọ, người dân tận dụng nước đầm lầy để cấy. Năm nay, trước dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, hiện tượng Elnino kéo dài đến tận tháng 4/2016 có thể gây hạn hán, ngay từ khi ban hành kế hoạch sản xuất vụ xuân, Thanh Chương đã tiến hành kiểm tra, nắm tình hình tích nước của các hồ đập để đưa ra những phương án tối ưu nhất cho sản xuất vụ xuân, chỉ cơ cấu 8.000 ha lúa vụ xuân. Ở hơn 200 ha phải chuyển không trồng lúa do hạn, tuỳ vào đầu vụ có thể vẫn đáp ứng tốt nguồn nước nhưng giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông rất dễ thiếu nước nếu thời gian tới không mưa.
Vì thế huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động để bà con thống nhất, đồng loạt chuyển, trong đó ưu tiên nhất là ngô, vì dù hạn nhưng trên đất vẫn có độ ẩm để ngô phát triển, trong khi hiệu quả kinh tế tương đương lúa và nhu cầu sản phẩm ngô hiện rất lớn. Cùng với chuyển đổi, huyện cũng tập trung chỉ đạo, vận động bà con sử dụng tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ sản xuất, tiến hành nạo vét kênh mương, đắp bờ giữ nước. Đối với diện tích nuôi cá vụ 3, không tháo cạn nước hoặc sử dụng bơm chuyền để tiết kiệm nước tối đa khi thu hoạch cá. 
Thường hạn hán chỉ xảy ra gay gắt trên địa bàn huyện Tân Kỳ ở vụ hè thu, nhưng vào vụ xuân, một số diện tích lúa ở các xã Tân Hợp, Giai Xuân… vẫn hay bị hạn thời kỳ cuối vụ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, đáng lo ngại nhất vẫn là hạn trên cây màu. Vụ xuân năm nay, Tân Kỳ kế hoạch trồng 7.200 ha mía, gần 2.000 ha ngô và trên 1.000 ha lạc, chủ yếu ở các xã vùng bãi như Nghĩa Dũng, Kỳ Tân, Tân Long, Nghĩa Bình… Ở những diện tích này, chủ yếu vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc vào “nước trời” chứ chưa có hệ thống tưới tiêu như lúa. Trong khi đó, những năm gần đây tình hình hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt, gây nhiều thiệt hại cho diện tích cây màu của huyện.
Đặc biệt năm nay, với dự báo về một vụ sản xuất ấm và khô hạn, diện tích cây màu vùng bãi của Tân Kỳ càng chịu áp lực rất lớn.
“Trước tình hình đó, xác định nếu có cố duy trì sản xuất cây màu thì sẽ rất bấp bênh, hiệu quả kém. Nên ngoài việc đẩy mạnh phối hợp với Nhà máy đường Sông Con xây dựng các mô hình tưới cho hơn 20 ha mía ở Nghĩa Dũng, Tân An, qua các kênh hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi cũng vận động bà con xây dựng mô hình tưới cho cam, đến nay đã có 3 ha cam được tưới ở Nghĩa Phúc. Đặc biệt, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng bãi để vừa chống hạn, vừa có thể cho hiệu quả kinh tế cao. Vụ xuân năm nay, Tân Kỳ chỉ đạo chuyển đổi khoảng 500 ha ngô, lạc vùng bãi sang trồng mía. Mía chịu hạn tốt hơn, trong khi ngô thường đạt năng suất 6 - 7 tấn/ha, lạc 1,8 - 2 tấn/ha thì mía vùng bãi dù hạn vẫn có thể cho năng suất 80 - 100 tấn/ha, hiệu quả kinh tế không thua thậm chí cao hơn”- ông Nguyễn Bá Thức cho biết. 
“Các địa phương và đơn vị tiếp tục rà soát phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016, trên cơ sở nguồn nước hiện có để bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, những vùng không chủ động nước trong suốt vụ không nên cố cấy lúa mà chuyển sang những loại cây trồng chịu hạn tốt hơn. Trong chuyển đổi, cần nghiên cứu, căn cứ trên đặc điểm tự nhiên của từng vùng để có phương án phù hợp. Xác định rõ vùng nào trồng cây gì để vừa có thể tăng khả năng chống chịu với hạn hán, vừa cho hiệu quả kinh tế khá”- Phó giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Lập khẳng định. Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ nguồn nước, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tình hình hạn hán, nguy cơ thiếu nước, từ đó nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, sử dụng lãng phí nguồn nước. Đặc biệt phải lập phương án chống hạn cụ thể, khả thi cho từng vùng, từng công trình để sẵn sàng ứng phó khi hạn hán xảy ra. 
Đến ngày 8/1/2016, trên địa bàn tỉnh, tại nhiều công trình thủy lợi đầu mối, mực nước đã thấp thua so với mực thiết kế. Tại thượng lưu cống Nam Đàn, mực nước chỉ đạt 0,9m/thiết kế 1,15m, tại cống Diễn Thành đạt 0,72m/TK 0,92m… và trong thời gian tới, nếu không có mưa ở thượng nguồn thì mực nước trên các sông suối sẽ giảm nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hoa - Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho hay: Kế hoạch tưới suốt năm 2016 chỉ đạt 256.830 ha, giảm so với năm 2015, ngoài nguyên nhân do một số diện tích chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng, còn do nguồn nước thiếu hụt ở một số hồ chứa. Hiện tại, các địa phương và đơn vị đang triển khai tu sửa công trình, máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng thủy lợi và cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân. Với thực tế nguồn nước đầu vụ trên địa bàn khó khăn, nhất là lượng nước hồ Thủy điện Bản Vẽ đến nay bị thiếu hụt gần 100 triệu m3 nước so với cùng kỳ nên hạn hán có thể xảy ra sớm và trên diện rộng.
“Vào thời kỳ dùng nước cao điểm phục vụ lúa vụ xuân trổ, đề nghị ưu tiên xả nước của Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố để các trạm bơm lấy nước trên sông Lam của các huyện Anh Sơn và Thanh Chương vận hành được, đồng thời cung cấp nguồn nước cho 2 hệ thống có diện tích lớn là hệ thống thủy lợi Bắc và Nam”- ông Nguyễn Văn Hoa chia sẻ.
Phú Hương
TIN LIÊN QUAN

Tin mới