Nhà máy xanh 300 triệu USD ở miền Tây xứ Nghệ

(Baonghean) - Sau hơn 3 năm khẩn trương đầu tư xây dựng, Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An chính thức đi vào hoạt động. Việc vận hành một nhà máy chế biến gỗ hiện đại, tầm cỡ khu vực như thế đã chính thức mở ra cơ hội lớn cho nghề trồng rừng, đồng thời góp phần tích cực biến tiềm năng, thế mạnh đất rừng miền Tây thành lợi thế phát triển của tỉnh Nghệ An.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An. 	Ảnh: Cảnh Nam
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An. Ảnh: Cảnh Nam

Quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại

Dự án Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF thuộc Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm được khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 2013 trên diện tích 40 ha tại Khu công nghiệp Nghĩa Đàn. Phải khẳng định rằng, đây là Dự án chế biến gỗ ván sợi lớn nhất Việt Nam sử dụng công nghệ chế biến hiện đại nhất cho đến thời điểm này.

Với sự tư vấn, đầu tư của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Nhà máy chế biến gỗ và phát triển rừng bền vững tại Nghệ An” với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD (chưa bao gồm vốn đầu tư cho vùng phát triển nguyên liệu bền vững) được chia làm 2 giai đoạn.

Ông Christoph Ludaescher - Giám đốc Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An:

 

Nhà máy chúng tôi là nhà máy hiện đại, công nghệ Châu Âu và được nhập khẩu từ các đơn vị thiết bị nổi tiếng từ Đức, Thụy Điển như Valmet, Dieffenbacher, Anthon, Intec. Quy trình khép kín, tự động hóa gồm các công đoạn bóc tách vỏ, băm dăm, nghiền sợi, trộn keo, định hình, ép ván và cắt định cỡ ghép nối đồng bộ... So với các nhà máy MDF hiện có tại Việt Nam,  tôi cho rằng chúng tôi có nhiều ưu thế về công nghệ và thiết bị. Về vấn đề môi trường, đây là nhà máy thân thiện với môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn môi trường của châu Âu. Nhà máy có hệ thống hút bụi và lọc khí thải hiện đại theo đó bụi được hút về trạm năng lượng đốt để lấy nhiệt phục vụ quy trình sản xuất. Do vậy, có thể khẳng định rằng, nhà máy chúng tôi là nhà máy xanh và thân thiện với môi trường.

Giai đoạn I với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD gồm 2 dây chuyền, dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất: 130.000 m3/năm. Giai đoạn 2 sẽ nâng tổng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000 m3/năm và nhà máy gỗ MDF: 400.000 m3/năm với tổng mức đầu tư 200 triệu USD.

Nhờ chủ đầu tư lựa chọn được các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị tốt nhất trên thế giới, nên sản phẩm của nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU. Đồng thời, ưu thế sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu châu Âu, nên các công đoạn chế biến gỗ hoàn toàn được tự động hóa từ khâu đầu vào nguyên liệu đến khâu hoàn thiện sản phẩm, hơn thế nữa bằng việc áp dụng công nghệ cao nên có thể tận dụng toàn bộ các phần thân, cành và rễ để chế biến gỗ, với các phần thừa như mùn cưa sẽ được tận dụng làm chất đốt để tạo năng lượng, sẽ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp và không gây ô nhiễm môi trường. 

Tầm nhìn chiến lược

Quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đã khẳng định ưu thế vượt trội của Nhà máy chế biễn gỗ Nghệ An. Tuy nhiên, điều mà chủ đầu tư đặc biệt quan tâm đó là phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững trước mắt đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy giai đoạn 1 và chuẩn bị giải pháp nguồn nguyên liệu cho đầu tư dự án giai đoạn 2. Về phía Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cũng đã hoàn tất làm việc với các địa phương, các đối tác vùng nguyên liệu quy hoạch để thực hiện công tác kết nối lên kế hoạch trồng rừng, ký hợp đồng thu mua nguyên liệu.

Toàn cảnh Nhà máy gỗ Nghệ An nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Anh
Toàn cảnh Nhà máy gỗ Nghệ An nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Anh

Ngoài 2 công ty trực thuộc chuyên nghiệp chăm lo phát triển vùng nguyên liệu là: Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) tổ chức trồng, thu mua nguyên liệu trên địa bàn 4 huyện, thị xã: Hoàng Mai, Yên Thành, Tân Kỳ và Đô Lương; Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ (Công ty Phủ Quỳ) thì Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cũng đã thực hiện phối hợp với các Ban quản lý RPH, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông (Tương Dương)... làm đầu mối thu mua nguyên liệu. 

Hiện tại, trên diện tích vùng nguyên liệu của công ty đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo Quyết định số 4212/QĐ- UBND ngày 20/9/2013 dự kiến diện tích nhà máy sẽ thuê là 11.589 ha và diện tích đất liên doanh - liên kết là: 33.422 ha. Đối với diện tích thuê hơn 10.000 ha thuộc phạm vi 2 đơn vị công ty đã thực hiện trồng mới từ năm 2015 trên diện tích thu hồi của Tổng đội TNXP 6- XDKT, đồng thời áp dụng cơ chế cho vay vốn đầu tư ban đầu, triển khai trồng mới đồng loạt trên diện tích đã được quy hoạch. 

Ngoài diện tích đã được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đang tiếp tục làm việc với các huyện ngoài vùng quy hoạch như Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong... để khảo sát thực tế diện tích đất rừng hiện có, đề xuất trình UBND tỉnh mở rộng vùng quy hoạch, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho người dân trồng rừng.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Lãnh đạo huyện Tương Dương đã có 3 phiên làm việc với Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm và đã cử 2 đoàn công tác thăm quan nhà máy và chúng tôi nhận thấy, đây là dự án chế biến gỗ quy mô đầu tư rất lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nên Tương Dương rất tin tưởng đối với nhà máy. Hiện tại, chúng tôi đang trình UBND tỉnh thu hồi 13.838 ha đã quy hoạch cho Nhà máy giấy Tân Hồng và rà soát lại quy hoạch, diện tích để tăng mức tối đa diện tích có thể trồng rừng nguyên liệu tập trung để bổ sung quy hoạch cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An".

Ông Nguyễn Công Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm khẳng định: "Mục tiêu chúng tôi không những tạo được nguồn nguyên liệu đủ cho công suất chế biến của nhà máy mà đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng nguyên liệu gỗ trồng miền Tây Nghệ An. Giải pháp đảm bảo về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đúng quy trình mà chúng tôi áp dụng không những chuẩn hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, mà nâng cao hiệu quả nghề rừng, giúp bà con vùng nguyên liệu làm giàu hơn từ nghề trồng rừng".

Xây dựng niềm tin và đồng hành cùng bà con vùng nguyên liệu

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho nhà máy khi đi vào hoạt động chính thức 2 dây chuyền cũng như quá trình nâng công suất giai đoạn 2, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã ban hành "Chính sách trong thu mua nguyên liệu gỗ và tổ chức trồng rừng trên vùng đất được quy hoạch nhằm phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An" (số 90/CV/2016/MF JSC ngày 1/4/2016).

Chuyên gia nước ngoài và các kỹ sư trong nước đang vận hành dây chuyền MDF  tại phòng điều khiển trung tâm. Ảnh: Hữu Nghĩa
Chuyên gia nước ngoài và các kỹ sư trong nước đang vận hành dây chuyền MDF tại phòng điều khiển trung tâm. Ảnh: Hữu Nghĩa

Theo đó, chính sách trồng rừng nguyên liệu trong vùng quy hoạch, công ty thực hiện cho các hộ ứng trước không tính lãi suất ngân hàng các khoản: tiền cây giống, phân bón, thuốc diệt mối, hỗ trợ đầu tư thiết kế kỹ thuật, khuyến nông cho người trồng rừng và các hộ cam kết bán 100% sản phẩm cho nhà máy sau khi thu hoạch theo cơ chế thị trường tại thời điểm bán. Đồng thời, hỗ trợ bù giá thu mua nguyên liệu từ 80 km trở lên 3% và 120 km trở lên 5% giá thu mua tại cổng nhà máy.

Khoản hỗ trợ này bên B (bên thu mua) phải trả cho người trồng rừng bán gỗ đứng cho bên B với mục đích nâng cao thu nhập cho người trồng rừng ở vùng sâu, vùng xa. Cơ chế thanh toán theo thông báo cũng linh hoạt, bởi nhà máy cam kết sẽ thanh toán qua tài khoản cho khách hàng không quá 10 giờ đồng hồ kể từ thời điểm nhập gỗ nếu khách hàng có tài khoản, và sẽ thanh toán bằng tiền mặt không qua 1 ngày kể từ thời điểm nhập gỗ. 

Ông Nguyễn Công Vĩnh -

Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm khẳng định: 

 

"Cùng với việc chuẩn bị đưa dây chuyền chế biến gỗ MDF giai đoạn 1 vào hoạt động thì công ty đang lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2 đối với MDF từ 130.000 m3/năm lên 400.000 m3/năm, do vậy, vấn đề nguyên liệu đặt ra đối với nhà máy là nhu cầu rất lớn, rất cấp bách. Do vậy, chúng tôi luôn đồng hành, chia sẻ với bà con vùng nguyên liệu, mong muốn các địa phương, các đơn vị lâm nghiệp và bà con trở thành đối tác chiến lược, cùng mục tiêu khai thác tài nguyên đất rừng miền Tây và thực sự làm giàu từ nghề trồng rừng".

Những cơ chế chính sách của nhà máy đã tạo niềm vui, sự hồ hởi của bà con vùng nguyên liệu xã Thanh Hà khi bà con vùng trọng điểm nguyên liệu gỗ Thanh Chương chuẩn bị trồng rừng vụ Thu. Dẫn chúng tôi lên thăm mô hình 7 ha trồng keo hạt đúng quy trình kỹ thuật mới hơn 1 năm mà đã vượt quá đầu người, ông Nguyễn Văn Lý, xóm 8B cho biết: "Tôi rất mừng khi biết cơ chế chính sách hỗ trợ trồng, chính sách thu mua nguyên liệu của Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An. Tới đây, với cơ chế của nhà máy, tôi sẽ áp dụng trồng mới gần 20 ha còn lại để tạo ra nguồn nguyên liệu lớn và giá trị thu nhập cao hơn nữa trên diện tích rừng này".    

Rừng nguyên liệu của nhà máy đang chuẩn bị khai thác.  	Ảnh: Hữu nghĩa
Rừng nguyên liệu của nhà máy đang chuẩn bị khai thác. Ảnh: Hữu nghĩa

Như vậy, có thể nói, với những giải pháp đồng bộ từ đầu tư trồng rừng đến cam kết bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm đã cho thấy sự chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin và đồng hành cùng bà con trồng rừng miền Tây của Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An. 

Hữu Nghĩa

Tin mới