Sẽ 'phạt nguội' những phương tiện vi phạm chở quá tải

(Baonghean) - Sau 2 năm thực hiện việc phối hợp kiểm soát, xử lý ô tô chở hàng quá tải, quá khổ giữa Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông ở Nghệ An theo Kế hoạch liên ngành 12593 (Bộ Công an và Bộ GTVT), tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn chỉ đạo kiểm soát tải trọng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.

Xác định nhiệm vụ thường xuyên 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động (KSTTX) trong quý IV/2016 trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cho lực lượng Thanh tra sở tiếp tục duy trì hoạt động Trạm KSTTX lưu động trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đảm bảo sự kết nối 24/24 giờ giữa trạm với Tổng Cục đường bộ Việt Nam. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm chở quá trọng tải quy định và bắt buộc hạ tải. 

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm soát trọng tải ô tô vận tải hàng hóa trên Quốc lộ 1A.
Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm soát trọng tải ô tô vận tải hàng hóa trên Quốc lộ 1A.

Ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết: “Lực lượng quán triệt đội ngũ công tác ở trạm cân duy trì nghiêm kế hoạch hoạt động. Tuy nhiên, khi không có Cảnh sát giao thông hỗ trợ, một số lái xe cố tình điều khiển phương tiện lách qua trạm cân, thậm chí bỏ chạy khi có yêu cầu. Để đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi không truy đuổi mà thông tin với lực lượng chức năng để có phương án xử lý. Theo yêu cầu của lãnh đạo sở, tùy tình hình thực tế, trạm cân lưu động sẽ được thiết lập trên hầu hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh để kiểm soát tải trọng, góp phần bảo vệ kết cấu giao thông và an toàn giao thông. Công việc sẽ có những khó khăn nhất định, song chúng tôi đã xác định rõ nhiệm vụ”.

Thống kê của Thanh tra giao thông Nghệ An, từ đầu năm đến nay, các đội nghiệp vụ và Trạm kiểm soát trọng tải xe ô tô lưu động đã lập biên bản 2.792 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền xử phạt nộp vào ngân sách gần 10 tỷ đồng. Trong đó, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt hơn 5,8 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông rút thì các trạm cân vẫn hoạt động dưới sự vận hành của Thanh tra giao thông với sự phối hợp của Cục Quản lý đường bộ. Trên thực tế, việc kiểm soát trọng tải xe là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông. Chính vì vậy, hoạt động của trạm cân lưu động là một trong nhiều giải pháp các lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Điển hình, bên cạnh cán bộ ở trạm cân, từ đầu năm đến nay, Sở GTVT còn thành lập 6 đoàn và 2 tổ công tác kiểm tra, xử lý phương tiện chở quá tải, quá khổ. Còn trong nhiệm vụ kiểm soát hàng ngày trên các tuyến, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng được trang bị các cân điện tử để xác định phương tiện chở quá tải để xử phạt theo quy định của pháp luật.

Qua trao đổi, Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An khẳng định: Sau khi lực lượng không tham gia nhiệm vụ tại trạm cân nữa, chúng tôi triển khai nghiêm công tác kiểm soát trọng tải ô tô trên các tuyến. Điều đó góp phần duy trì nghiêm trật tự được thiết lập trong những năm qua. Đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, lực lượng sẽ tăng cường kiểm soát, góp phần đảm bảo an toàn giao thông chung.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Bên cạnh tăng cường công tác kiểm soát, Sở GTVT tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, HTX hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các chủ mỏ khoáng sản, các đơn vị bốc xếp hàng hóa trên địa bàn tỉnh không chở hàng, xếp hàng lên phương tiện quá khổ, quá tải trọng cho phép. Đây được xem là một trong những giải pháp đôn đốc việc chấp hành pháp luật, hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng, khổ giới hạn cho phép theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT. Thống kê của Thanh tra Sở GTVT, qua 2 lần tổ chức (tháng 9 và 10) có 85/120 doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết thực hiện.

Qua số liệu trên cho thấy, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô chưa “sẵn sàng” với việc chấp hành chở đúng trọng tải. Đó là chưa kể hàng chục nghìn phương tiện ô tô tư nhân tham gia vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng như nhiều phương tiện khác lưu thông qua địa bàn Nghệ An vẫn cố tình chất hàng hóa quá khổ, quá tải. Chính vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra xử phạt vi phạm.

Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang kết nối số liệu với hệ thống cân lắp trên các tuyến đường, đặt tại các trạm thu phí BOT và đặt độc lập trên đường bộ để có thể “phạt nguội” những phương tiện vi phạm chở quá tải. Tổng cục cũng trình Bộ GTVT thông tư quy định sử dụng kết quả cân xe để phát hiện vi phạm, làm căn cứ xử phạt. Nếu được phê duyệt, dự kiến đầu năm 2017, thông tư này sẽ có hiệu lực, kết quả KSTTX tại các trạm cân tự động này sẽ được sử dụng để xử lý vi phạm. Theo quy hoạch sẽ có 50 trạm cân trên các tuyến đường, trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) sẽ có 28 trạm. Tất cả các xe qua các trạm cân lắp tại các trạm thu phí hoặc trạm cân độc lập đều được KSTTX, dữ liệu sẽ kết nối đường truyền và cung cấp trực tuyến cho các cơ quan chức năng để phục vụ việc xử phạt nếu vi phạm. 

Động thái nêu trên của ngành GTVT cho thấy quyết tâm trong việc kiểm soát trọng tải ô tô, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông nói chung. Cùng đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban an toàn giao thông quốc gia, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục vào cuộc nghiêm túc, xử lý nghiêm các trường hợp. 

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (có hiệu lực từ 1/8/2016), mức phạt cao nhất là đối với hành vi chở quá tải trên 150% theo giấy chứng nhận đăng kiểm, chủ xe (chủ phương tiện vi phạm) là cá nhân sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng; Chủ xe là tổ chức phạt 36-40 triệu đồng, lái xe bị phạt 8-12 triệu đồng.

Đối với hành vi chở quá tải cầu, đường, chủ xe là cá nhân bị phạt 28-32 triệu đồng, chủ xe là tổ chức bị phạt 56-64 triệu đồng, lái xe bị phạt 14-16 triệu đồng. 

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3-5 tháng; buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng quá khổ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm.

Nguyên Nguyên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới