7 sai lầm có thể khiến tiền gửi trong ngân hàng 'bốc hơi'

(Baonghean.vn) - Gửi tiết kiệm là hình thức an toàn được nhiều người tin tưởng lựa chọn, nhưng không phải là kênh an toàn tuyệt đối. Qua một số vụ khách hàng đã mất tiền, nên tránh những sai lầm có thể khiến sổ tiết kiệm "bốc hơi".

1. Không gửi tiền trực tiếp tại quầy

Theo quy chế về tiền gửi, các ngân hàng đều quy định rất rõ là khách hàng phải gửi tiền trực tiếp tại ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt với khách hàng VIP, họ thường nhờ các nhân viên quan hệ khách hàng hay nhân viên quen biết để hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không phải đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định.

Hoặc khi khách hàng VIP không cần phải mở tài khoản và nộp tiền tại quầy giao dịch mà được vào phòng phòng giám đốc để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi, cũng như ký các giấy tờ có liên quan. Việc này là vô cùng nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký hoặc sau khi ký xong giấy tờ giao dịch, nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ giả.

Hơn nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

8 cách để tiền gửi trong ngân hàng không 'bốc hơi'

2. Ký sẵn chứng từ

Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng, vì tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi, rút hay chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.

Hơn nữa, với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau và thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.

3. Không kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi 

Khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi, hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm; hoặc là sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.

Khi nhận sổ tiết kiệm, bạn cần kiểm tra các thông tin về: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền);…

7 sai lầm có thể khiến tiền gửi trong ngân hàng 'bốc hơi'

4. Cho nợ sổ hoặc nhờ giữ giúp sổ tiết kiệm

Vì bạn đã giao dịch lâu năm với nhân viên ngân hàng nên thân thiết và chủ quan cho "nợ sổ", hoặc nhờ nhân viên ngân hàng giữ sổ giúp. Bạn lưu ý không làm như vậy, vì trước khi vi phạm lời hứa ai cũng là những người giữ chữ tín.

Thực tế nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng bị đuổi hoặc bỏ trốn và chiếm đoạt toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng thân quen.

5. Thay đổi chữ chữ ký liên tục

Dù không đến nỗi bị vô hiệu hóa sổ tiết kiệm, nhưng việc thay đổi chữ ký liên tục lại là sai lầm rất phổ biến, gây phiền toái nhiều nhất cho không ít khách hàng. Hãy nhớ khi giao dịch với ngân hàng, từng nét chữ, bút tích bạn để lại đều có giá trị. Do đó, bạn không nên thấy quá phiền lòng khi bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại chữ ký nhiều lần để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.

Do vậy, việc duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng là điều cần thiết nhằm giúp khách hàng thuận tiện và nhanh chóng khi gửi hay rút, chuyển tiền từ tài khoản của mình.

7 sai lầm có thể khiến tiền gửi trong ngân hàng 'bốc hơi'

6. Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ

Cách đây không lâu cũng xảy ra tranh cãi, kiện tụng giữa một khách gửi 70.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng) và một ngân hàng ở TP. HCM. Phía khách hàng khẳng định có 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 70.000 USD, ngân hàng lại cho rằng khách chỉ có một sổ. Qua vụ việc, do sai sót, giao dịch viên đã không làm thủ tục tất toán đầy đủ (có chữ ký của khách hàng) trước khi chuyển khoản số tiền từ sổ cũ sang sổ mới để hưởng chương trình khuyến mại.

Mặc dù ở vụ việc này, tòa án đã xử phía khách hàng thắng kiện nhưng bạn vẫn đừng quên theo dõi sát sao quy trình mở sổ, tất toán sổ của nhân viên ngân hàng để tránh rủi ro cho mình.

7. Giao dịch trực tuyến

Khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến.

Ngọc Anh

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới