Ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Chế biến bột cá

(Baonghean) - Sau nhiều lần đề nghị chủ doanh nghiệp xử lý mùi hôi thối bốc ra từ Nhà máy Chế biến bột cá của Công ty CP TM&DV XNK Hải sản Thái Bình Dương bất thành, nhiều hộ dân xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) buộc phải phát đơn "kêu cứu” gửi chính quyền huyện cùng ngành chức năng cấp tỉnh. Qua kiến nghị của người dân, chúng tôi tìm về xóm nhỏ nằm bên bờ Mai Giang này và phát hiện thêm một số chuyện phải nói…

Nhà cách cơ sở chế biến bột cá vài trăm mét, nên ông Hoàng Văn Trù là một trong rất nhiều người dân sống ở xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) luôn phải chịu đựng mùi hôi thối bốc ra những khi nhà máy đốt lò. Ông Trù bức xúc bảo: "Ở xóm Quyết Tâm này, các anh có thể hỏi bất cứ người dân nào cũng đều nhận được câu trả lời không thể chịu được mùi hôi thối khi Nhà máy đốt lò để hấp khô cá như tôi thôi! Chúng tôi đã nhiều lần kéo xuống Nhà máy đề nghị chủ doanh nghiệp có giải pháp khắc phục nhưng họ không quan tâm". Ông Ngô Gia Hiển – một người dân khác tiếp lời: "Mùi hôi thối không chỉ bốc lên mỗi khi đốt lò, mà còn xuất hiện trên tuyến đường từ Quốc lộ 1A xuống Nhà máy do xe thùng chở nguyên liệu (chủ yếu cá) bị rò rỉ nước ngấm xuống đất. Ngoài ra mùi thối còn thoát ra từ cống thoát nước xuống vùng Lạch Thơi. Thời gian đầu, họ lấy cá của người dân địa phương để chế biến thì còn đỡ mùi, nhưng về sau, nguyên liệu lấy khắp từ các nơi như Cửa Lò, Diễn Châu và cả Thanh Hóa nữa. Cá mấy nơi đó về toàn nghe mùi ươn, hôi không chịu được".

Hệ thống thu gom xử lý chất thải của Nhà máy Chế biến bột cá, Công ty XNK Hải sản Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Công ty CP TM&DV XNK Hải sản Thái Bình Dương cho rằng, Nhà máy mới đi vào hoạt động, nguồn điện chưa ổn định nên nhiều khi đưa nguyên liệu về phải chờ 4 - 5 giờ đồng hồ để điện khỏe máy mới chạy được. Những lúc như thế không thể tránh hết mùi cá ươn. Cũng vì Nhà máy mới đi vào hoạt động (tháng 5/2012), người dân không quen với mùi lạ nên thỉnh thoảng kéo vào phá phách là không đúng. Trước khi đầu tư cơ sở chế biến bột cá này, ông Thái đã tham khảo nhiều nhà máy, sau đó chọn dây chuyền có quy trình khép kín, nghĩa là từ nguyên liệu cá tươi được đưa vào đập, sau đó sấy khô rồi qua công đoạn xử lý nóng để thoát hơi và thành bột. Về hệ thống xử lý nước thải, có 4 bể lắng lọc kín kiểu hầm khí biogas với thiết kế nước xả ra là 30m3/h.

Trực tiếp tìm hiểu dây chuyền sản xuất bột cá của Nhà máy này lại thấy nhiều khác biệt so với cách trình bày của ông Thái. Ngay hình ảnh đầu tiên tại điểm tập kết cá nguyên liệu trước khi lên băng chuyền là đám dòi bò lúc nhúc dưới sàn nhà, kèm theo đó là mùi hôi thối khó chịu của cá ươn. Chúng tôi quan sát, nhà máy không có kho lạnh để bảo quản nguyên liệu. Trong quá trình chế biến, cùng với chiết nước ra hệ thống xử lý nước thải thì mùi cá bốc hơi theo ống khói bốc trực tiếp lên trời, chứ không hề qua một khâu xử lý nào khác. Thế nên, việc người dân "tố" không chịu được mùi cá ươn lẫn mùi cá khô khi đốt lò là vấn đề cần sớm được doanh nghiệp này quan tâm xử lý.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, quá trình xây dựng và hoạt động của Nhà máy này còn cho thấy sự qua lại thường xuyên của không ít người nước ngoài (Trung Quốc). Tại thời điểm phóng viên có mặt trong khuôn viên Nhà máy, chúng tôi đếm được tất thảy 9 người (có nam, có nữ, thuộc hai độ tuổi là trung niên và thanh niên) nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này chỉ đưa ra được 7 tấm hộ chiếu. Giải thích vấn đề này, ông Thái cho biết: “Do doanh nghiệp mua dây chuyền từ Trung Quốc, nên phía họ cử 3 cán bộ kỹ thuật sang lắp ráp và hướng dẫn vận hành; ngoài ra còn có vợ, con họ (2 thanh niên theo học đại học ở Hà Nội) và một số bạn bè thỉnh thoảng đi qua về lại ghé vào chơi. Mỗi lần như thế chúng tôi đều báo với công an xã để xin cư trú”.

Theo lãnh đạo xã Quỳnh Lập, tuy đã giao Công an xã giám sát nhưng địa phương cũng không quản hết được, vì chủ yếu vẫn dựa vào ý thức tự giác khai báo của doanh nghiệp. Trong sổ sách giấy tờ trước giờ chỉ 4 - 5 người, nhưng nay thấy đến 9 người thì hơi bất ngờ!

Sự lui tới thường xuyên của không ít người Trung Quốc làm cho mối nghi ngờ người nước ngoài mượn danh người địa phương, đất địa phương để "đầu tư chui" trên đất Quỳnh Lập ngày càng có cơ sở , nhất là khi chúng tôi ngỏ ý xem sổ sách xuất nhập hàng hóa của Nhà máy thời gian gần đây, thì nhận được câu trả lời khá hồn nhiên của lãnh đạo nơi đây là: "Bọn em chỉ có 2 gia đình trợ giúp nhau nên từ trước tới giờ chưa làm việc này".

Chỉ mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng, nhưng Nhà máy sản xuất bột cá có công suất 30 tấn/ngày ở xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập đã bộc lộ không ít vấn đề cần kịp thời chấn chỉnh. Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - ông Lê Đức Cường cho biết, “Sau khi nhận được phản ánh của người dân cũng như sự thừa nhận của chính quyền xã, UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng chưa có báo cáo cụ thể. Về việc quản lý người nước ngoài, họ có thị thực nhập cảnh đương nhiên được phép qua lại, nhưng khi cư trú ở Nhà máy thì phải được theo dõi, giám sát thường xuyên. Huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra kỹ hơn việc này”.

Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở, nhưng ở mức độ nào? thiếu sót đến đâu? và đặc biệt là vấn đề quản lý người nước ngoài tại cơ sở chế biến bột cá ở Quỳnh Lập đang là những vấn đề bức xúc và nhạy cảm. Thiết nghĩ, đây không còn là vấn đề của riêng huyện Quỳnh Lưu nữa mà cần sự vào cuộc của ngành chức năng cấp tỉnh trước khi sự việc bị đẩy đi quá xa!

Xuân Hải - Công Sáng

Tin mới