Hoạt động khuyến công – Đòn bẩy giúp CN-TTCN và làng nghề phát triển

(Baonghean) - Ngày 1/4/2002, UBND tỉnh có Quyết định số 36/2002/QĐ-UB ban hành Quy chế quản lý và sử dụng quỹ Khuyến công tỉnh Nghệ An, hình thành hoạt động khuyến công. Nhân tổng kết 10 năm thực hiện - PV Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Thanh Tịnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương xung quanh vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí, đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được của Quỹ Khuyến công sau hơn 10 năm thực hiện?

Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Sau khi ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến công tỉnh Nghệ An, hình thành hoạt động khuyến công và năm 2004 UBND tỉnh thành lập Trung tâm Khuyến công tỉnh trực thuộc sở Công nghiệp (cũ), hoạt động khuyến công đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, nên mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm kinh phí khuyến công đều được bố trí ổn định và tăng đều (cụ thể như giai đoạn 2002-2005: mỗi năm 2 tỷ đồng; năm 2006 nâng lên 3 tỷ đồng; giai đoạn 2007 – 2012: mỗi năm 4 tỷ đồng); biên chế và cơ sở vật chất được bổ sung, đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Khuyến công đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết. Nghệ An cũng đã tham gia tích cực chương trình khuyến công quốc gia theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (Nghị định 134) và Quyết định 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012 (Quyết định 136). Một số địa phương, ngành, tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia và tổ chức được nhiều hoạt động khuyến công có hiệu quả. Hoạt động khuyến công đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thực hiện thắng lợi hầu hết các mục tiêu Nghị quyết đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng bình quân hàng năm 22,1%; năm 2010 đạt 8.542 tỷ đồng, tăng 6,2 lần so với năm 2000. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng từ 18,9% năm 2000 lên 33,4% năm 2010. Giá trị sản xuất TTCN tăng bình quân hàng năm 18,32%. Một số sản phẩm làng nghề có thương hiệu và tốc độ tăng trưởng khá. Số lượng làng nghề và làng có nghề tăng nhanh, năm 2012 đã có 111 làng nghề và hàng trăm làng có nghề. Từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, Nghệ An đã có sự chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ và đã tạo ra được những nhân tố mang tính động lực thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển. Điều này khẳng định hoạt động khuyến công là một chủ trương, một hướng đi phù hợp để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề.

Sản xuất thủ công mỹ nghệ ở KCN Đông Vĩnh.

P.V: Theo đồng chí, đâu là những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công?

Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Hơn 10 năm qua, hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công còn có một số hạn chế, như: Việc triển khai xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm còn chậm; Nội dung hoạt động khuyến công tuy đa dạng, phong phú nhưng còn thiếu một số nội dung sát nhu cầu của các cơ sở sản xuất, của các địa phương. Kinh phí hỗ trợ còn dàn trải, chưa tập trung vào thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp, TTCN và làng nghề. Chưa xây dựng được các dự án khuyến công có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò làm hạt nhân thúc đẩy. Có một số đề án được hỗ trợ triển khai thực hiện chậm hoặc không thực hiện được. Chưa động viên, huy động được nhiều nguồn lực tham gia hoạt động khuyến công. Trong khi đó, hệ thống cán bộ theo dõi hoạt động khuyến công ở cấp huyện thiếu ổn định, hồ sơ thủ tục khuyến công ngày càng được cải tiến nhiều nhưng vẫn còn phức tạp. Cũng chính vì thế, tuy phát triển nhanh hơn giai đoạn trước nhưng nhìn chung tốc độ phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề Nghệ An chưa cao, thiếu bền vững. Tiểu thủ công nghiệp phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm đầu ra, quy mô làng nghề chưa có sức cạnh tranh…

P.V: Thưa đồng chí, trong thời gian tới, hoạt động khuyến công cần tiếp tục đổi mới như thế nào để phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua?

Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Trước mắt, cần khẩn trương ban hành quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến công tỉnh, thay thế Quyết định số 27/2010/QĐ.UBND ngày 2/4/2010 của UBND tỉnh Nghệ An. Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn, phổ biến kịp thời cho các địa phương, đơn vị nhằm nhanh chóng đưa chủ trương đi vào cuộc sống. Để công tác khuyến công phát huy hiệu quả, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, giảm bớt thủ tục, tạo sự thông thoáng cho quá trình xây dựng hồ sơ, thanh quyết toán; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành đẩy mạnh hoạt động khuyến công, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công. Từng bước xã hội hóa hoạt động khuyến công nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề...

Năm 2012 là năm có nhiều sự kiện trong hoạt động khuyến công. Đối với Nghệ An, là năm tổng kết 10 năm hoạt động khuyến công trên địa bàn và năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 04/11/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 – 2020. Đối với khuyến công quốc gia, là năm tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 136 và là năm kết thúc Nghị định 134, chuẩn bị thực hiện hoạt động khuyến công theo Nghị định 45 với nhiều nội dung đổi mới, khắc phục những tồn tại của Nghị định 134. Đây là những sự kiện quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, góp phần tích cực đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Huyền (Thực hiện)

Tin mới