Ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam

Theo bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới 2013 vừa được tạp chí Forbes công bố, doanh nhân Phạm Nhật Vượng, ông chủ của tập đoàn Vingroup đã trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong danh sách này.

Theo bảng xếp hạng này, ông Phạm Nhật Vượng xếp ở vị trí 974 trong tổng số 1.426 tỷ phú thế giới. Tổng tài sản của ông được Forbes ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương gần 31.500 tỷ đồng.


Đây là năm thứ 27, tạp chí danh tiếng của Mỹ công bố bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới. Đối tượng được Forbes xếp hạng chỉ là các cá nhân và không bao gồm những gia đình gồm nhiều thế hệ cùng có chung một khối tài sản.

 

Các loại tài sản được xếp hạng bao gồm cổ phần của mỗi tỷ phú tại các công ty đại chúng hoặc tư nhân, bất động sản, du thuyền, các tác phẩm nghệ thuật, tiền mặt và nợ. Các số liệu được Forbes thu thập từ chính những người được xếp hạng hoặc từ những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan trong trường hợp cá nhân đó từ chối tiết lộ.

 

Theo tạp chí này, phần lớn trong số tài sản 1,5 tỷ USD của ông Vượng đến từ số cổ phần ông nắm giữ tại tập đoàn Vingroup với tỷ lệ 53% (cả trực tiếp và gián tiếp).

 

Vị doanh nhân này sinh năm Mậu Thân (1968). Sau khi chiến tranh kết thúc, cả gia đình ông Vượng từng có thời điểm chỉ trông cậy vào hàng nước của mẹ ông. “Mơ ước của tôi vào thời điểm đó không có gì lớn lao. Tôi chỉ muốn phụ giúp gia đình”, tạp chí Forbes dẫn lời vị chủ tịch HĐQT của Vingroup.

 

Là người giỏi toán và giành được học bổng đi du học tại Nga, năm 1993, khi ông tốt nghiệp đại học cũng là lúc Liên Xô sụp đổ. Ông Vượng sau khi quyết định kết hôn với cô bạn cùng học đã ở lại nước ngòai để tìm kiếm cơ hội thời hậu Xô Viết tại Ukraine.

 

Từ số vốn tương đương 10.000 USD huy động từ gia đình, bạn bè, ông Vượng mở nhà hàng Việt Nam tại đây trước khi mở một nhà máy sản xuất mỳ ăn liền. Vào thời đó người Ukraine rất nghèo và món mỳ ăn liền với họ là rất mới mẻ.

 

Do đó ông Vượng đã đánh bạo vay lãi với lãi suất 8%/tháng để mở nhà máy sản xuất lớn thay vì chỉ kinh doanh một cửa hàng nhỏ. Để hút khách, ông sản xuất và tặng rất nhiều gói mỳ miễn phí cho người địa phương kèm theo những cuốn lịch Việt Nam. Và kể từ đó ông nhanh chóng thu hút được khách hàng. Đến năm 2010, ông đã quyết định bán lại nhà máy cho Nestle với trị giá khoảng 150 triệu USD.

 

Với lợi nhuận kiếm được từ kinh doanh tại Ukraine, khoảng năm 2000 ông về nước đầu tư xây dựng khu resort Vinpearl tại Nha Trang và sau đó là trung tâm thương mại Vincom tại Hà Nội.  

(Theo Dân trí) - MĐ

Tin mới