Lật tẩy thủ đoạn “làm giá” sữa ngoại

Các hãng sữa ngoại đang chi cho những khoản gì để từ khâu nhập khẩu đến tay người tiêu dùng, giá sữa đã tăng gấp 5-9 lần?

Mới đây, một thông tin được đưa ra khiến dư luận bàng hoàng: giá sữa bán lẻ trong nước hiện cao gấp 5 lần giá nhập khẩu. Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao sữa có thể tồn tại một mức giá bất hợp lý như vậy trong nhiều năm nay? Các cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm hay bất lực?

Giá bán lẻ cao gấp 5 lần giá nhập

Bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp với mức giá nhập khẩu từ 4-5 USD/hộp (khoảng 80.000 - 100.000 đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 400.000 - 900.000 đồng/hộp, gấp 5-9 lần giá nhập khẩu đã một lần nữa làm nóng dư luận về giá sữa.

Giá bán lẻ sữa đang cao gấp 5 lần giá nhập

Vậy là sau hàng loạt vấn đề khiến người dùng sữa bức xúc nhiều năm qua như giá sữa chỉ có tăng không giảm, mức tăng mỗi năm tới vài chục phần trăm; rồi 8 tháng của năm 2013, giá sữa tăng tới 5 lần; quảng cáo sữa sai sự thật; một số loại sữa bị nghi vấn thiếu những vi chất cần thiết (ví dụ như sữa nhập khẩu từ Nhật không ghi hàm lượng iod)…, đây lại như một "giọt nước làm tràn ly" dư luận.

Câu hỏi đặt ra là, các hãng sữa ngoại đang chi cho những khoản gì để từ khâu nhập khẩu đến tay người tiêu dùng, giá sữa đã tăng gấp 5-9 lần? Xin thưa: đó là chi phí quảng cáo, chi phí kinh doanh...

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ có thể dành khoản chi phí cho quảng cáo, tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Nhưng trên thực tế, không ít các hãng sữa ngoại đã chi cho quảng cáo gấp 4 lần mức cho phép. Vì sao các doanh nghiệp có thể lách hoặc bỏ qua quy định một cách dễ dàng như vậy? Đó là do những yếu kém và thiếu thống nhất trong khâu quản lý mặt hàng này của các cơ quan quản lý Nhà nước. Liệu có khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước để xác định những chi phí bất hợp lý trong các yếu tố cấu thành giá sữa hay không?

Theo chuyên gia thị trường giá cả, TS Ngô Trí Long, câu trả lời là không. "Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể phân tích được các yếu tố cấu thành giá sữa dựa vào thông tin của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hải quan và các nguồn khác. Bên cạnh đó có thể xác minh rõ chi phí quảng cáo chiếm bao nhiêu phần trăm yếu tố giá thành…" - TS Ngô Trí Long phân tích.

Phù phép biến sữa ra khỏi danh mục kiểm soát giá

Tới thời điểm này, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chưa có cuộc thanh tra về giá sữa do các sản phẩm này hiện không thuộc diện kiểm soát giá của Cục. Nguyên nhân bắt nguồn từ tên gọi. Trong khi Pháp lệnh Giá trước kia và Luật Giá hiện hành đều quy định “Sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi” nằm trong danh mục Nhà nước kiểm soát giá, thì đầu năm nay tất cả các loại sữa đều được đổi tên thành thức ăn công thức, thực phẩm dinh dưỡng bổ sung… và như vậy, nghiễm nhiên đều không nằm trong danh mục quản lý giá nữa. Giải thích lý do đổi tên sữa, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng: theo Quy chuẩn Việt Nam số 5-2:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột, sản phẩm sữa dạng bột (có tên gọi sữa bột) phải có hàm lượng 34% độ đạm trở lên. Những sản phẩm nào không đủ hàm lượng đạm sẽ phải đổi tên.

Thế nhưng, vì sao Quy chuẩn này được ban hành và có hiệu lực từ năm 2010 mà đến nay mới được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhắc tới? Vì sao tiến trình thay đổi tên gọi chỉ diễn ra trước khi Luật Giá có hiệu lực (từ 1/7/2013)? Sự thay đổi này gây khó khăn cho chính các cơ quan khác cùng tham gia quản lý thị trường sữa. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: "Nếu sắp xếp quy chuẩn về chất lượng và tên gọi thay đổi sẽ rất khó cho cơ quan quản lý giá thực hiện việc bình ổn giá đối với những sản phẩm trước đây là sữa và nay thành sản phẩm dinh dưỡng". Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho rằng: Chúng ta có thông tin từ hải quan, từ thương vụ. Quan trọng là làm rõ các yếu tố hình thành giá... Nếu cần thiết thì phải đưa các tên gọi thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vào Luật Giá để đảm bảo việc kê khai giá sữa.

Trách nhiệm của doanh nghiệp phân phối

Đáng chú ý là trong lúc giá nguyên liệu sữa thế giới giảm đến 10% do sự cố sữa Fonterra, lại không một hãng nào có động thái giảm giá sữa hay ít ra là công bố công khai nguồn nhập khẩu, ngoại trừ hai hãng sữa bột nội là Vinamilk và Nutifood. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, trong câu chuyện này có một phần trách nhiệm của chính các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực phân phối, khi họ chưa tham gia công tác nhập khẩu và phân phối sữa bột, một mặt hàng thiết yếu đối với nhiều đối tượng khách hàng.

Ông Vũ Vinh Phú đề xuất: “Theo tôi, muốn quản lý giá sữa, chúng ta phải có một lượng sữa lớn để lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, trong đó phải có sự tham gia của các tổng công ty thương mại để đóng vai trò đầu mối dẫn dắt thị trường. Cần thay đổi cách thức triển khai chương trình bình ổn giá bằng cách tập trung vào một mặt hàng chủ lực, không dàn trải. Nếu bây giờ tập trung toàn bộ kinh phí bình ổn giá vào mặt hàng sữa sẽ đem lại hiệu quả rất cao”.

Điều dư luận đang trông đợi lúc này là sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Kinh nghiệm từ Trung Quốc, Italy và một số quốc gia khác cho thấy, khi có các cơ quan quản lý thanh tra giá sữa và xử phạt những doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý, giá sữa trên thị trường lập tức giảm. Thậm chí ở một số nước như Sri Lanka, Chính phủ còn khuyến khích người dân tẩy chay sản phẩm của Công ty Fonterra khi doanh nghiệp này có sữa nhiễm khuẩn. Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Cục đang làm việc với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế để kiến nghị đưa các mặt hàng như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng vào danh mục hàng bình ổn giá. Động thái này dù rất chậm, vẫn còn hơn không./.

Theo vov.vn - L.T

Tin mới