Làng nồi Trù Sơn

(Baonghean) - Chẳng ai trong xã còn nhớ nghề làm nồi đất ở đây có tự bao giờ. Họ chỉ nghe các cụ cao niên truyền lại, cách đây hàng trăm năm, người dân đã làm nồi đất đem đi khắp trong Nam, ngoài Bắc để bán, kiếm kế sinh nhai. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề lúc thịnh lúc suy, xã hội ngày càng phát triển, hàng nồi đất vẫn được tư thương đến tận nhà đặt mua nhưng số hộ làm nghề ngày một hiếm... 

Sản phẩm của làng nồi Trù Sơn (huyện Đô Lương) có đủ nồi, niêu, xoong, chảo, hông xôi, hông nấu rượu... Người ta bảo, nấu bằng nồi đất thì món ăn ngon, hương vị đậm đà, để được lâu hơn. Kho cá, kho thịt bằng nồi đất thì ngon phải biết! Nhưng nồi đất dễ vỡ... Nhắc đến không khí làm nồi đất của xã ngày trước, ông Nguyễn Hữu Tạo, Bí thư Chi bộ xóm 12 cho biết: “Lọt lòng mẹ, ông thấy trong làng nhà nào cũng làm nồi đất bán, trong khoảnh sân nhà ai cũng có lò đốt nồi. Chợ quê bày la liệt nồi đất, tư thương và người dân từ nơi khác nườm nượp về mua. Là nghề vất vả nhưng thợ nặn nồi đất chủ yếu là phụ nữ. Lên 9, 10 tuổi, con gái xã này đã biết nhào đất, nặn nồi; lấy chồng về xã khác mới chịu bỏ nghề. Phụ nữ xã khác, làng khác về đây làm dâu cũng phải học cách nặn nồi đất”.
Không còn nhiều gia đình ở Trù Sơn mặn mà với nghề nặn nồi đất.
Không còn nhiều gia đình ở Trù Sơn mặn mà với nghề nặn nồi đất.
Là xã nổi tiếng với nghề làm nồi đất nhưng nguồn đất dùng nặn nồi lại không có sẵn ở Trù Sơn. Đất làm nồi phải là đất sét, dẻo, không lẫn sạn, đá, thường phải đào sâu 2-3m so với mặt đất mới có. Ngày trước, cứ hễ trời nắng ráo là 3-4 giờ sáng, đàn ông trong xã đã nối đuôi nhau gồng gánh đi hàng chục km ra tận các huyện Yên Thành, Nghi Lộc lấy đất làm nồi. Rời nhà từ lúc tang tảng sáng nhưng đến 5-6 giờ chiều, cánh đàn ông mới đưa được đất về làng. Sau này, phương tiện đi lại thuận tiện hơn, người dân Trù Sơn “đi đất” bằng xe đạp, xe máy, rồi dùng cả bò lốp để chở đất. Giờ đàn ông trong xã cũng ngại đi xa lấy đất mà giao luôn việc “đi đất” cho một vài hộ chuyên làm dịch vụ. Chất đốt dùng đốt nồi đất phải là thứ vật liệu dễ cháy, tạo ra nhiệt độ nhẹ, tỏa đều, thường là rơm rạ, sau này được thay bằng lá thông. Mỗi năm, các hộ làm nồi đất thường phải đi rừng đến 5-6 chuyến mới đủ chất đốt phục vụ nhu cầu.
Làm được cái nồi đất phải qua rất nhiều công đoạn. Người làm nồi phải cắt xắn, đâm rồi nhào trộn đất thật nhuyễn, nhặt bỏ tạp chất. Công việc này thường được cánh đàn ông đảm nhận nhưng các công đoạn tiếp theo như vê đất, nặn nồi, gọt, làm đẹp, phơi nắng, đem vào lò đốt không thể thiếu bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Người thợ phải tỉ mẩn, cẩn thận, kiên trì, chịu khó. Tuy nhiên, công đoạn đốt nồi được xem là khó nhất bởi nếu nhiệt độ quá cao thì nồi sẽ nứt hết, tất cả coi như công cốc. Lò đốt nồi là lò trần, không lợp mái, gặp phải trời mưa, lò đang cháy dở thì chỉ có “trời cứu”. Thường thì sau khoảng 10 ngày, mỗi gia đình sẽ cho ra lò một mẻ nồi. Việc đem nồi đất đi bán được giao cho các đấng mày râu thực hiện. Họ gồng gánh hoặc thồ xe ra tận miền Bắc, vào tận miền Nam để bán. Có những chuyến đi dăm ba ngày nhưng cũng có những chuyến đi mất vài tuần mang theo niềm hi vọng, mong ngóng của vợ con, gia đình ở chốn quê nghèo. Nhiều chuyến hàng không bán được, phải gánh về trong nỗi cơ cực. 
Chẳng ai phong nghệ nhân cho các cô, các chị, các bà, các mẹ làm nồi đất Trù Sơn nhưng trải qua hàng trăm năm, bàn tay họ đã cho ra đời không biết bao nhiêu sản phẩm phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Bàn tay ấy biến những thỏi đất vô tri vô giác thành những sản phẩm hữu ích, được cánh đàn ông đem đi khắp nơi để thu về từng đồng tiền nhỏ, tích cóp nuôi sống gia đình.
Cả xã hiện chỉ có 3 xóm duy trì nghề làm nồi đất. Xóm 12 có 102 hộ, 410 nhân khẩu nhưng nay chỉ còn 5 hộ với trên dưới 10 lao động tham gia làm nghề. Nhiều nhất là xóm 13 với 9 hộ, gần 20 lao động tham gia làm nghề. Tính ra, cả xã chỉ còn không đầy 20 hộ làm nghề nồi đất. Ông Nguyễn Hữu Tạo rầu rĩ: “Sợ rồi nghề nồi đất sẽ thất truyền mất thôi. Đây không chỉ là nghề kiếm kế mưu sinh mà còn là nét đẹp của vùng quê nghèo này, nó gắn liền với đời người như da như thịt, nay rứt ra cũng đau lắm...”. Rồi như phân trần về nguy cơ thất truyền ấy, ông Tạo tiếp lời: “Nghề này vất vả, thu nhập “hẻo” lắm. Làm cật lực mỗi ngày cũng chỉ thu về khoảng 50 nghìn đồng/lao động thôi. Lớp trẻ bây giờ đổ đi làm công nhân, xuất khẩu lao động, ở nhà còn ông bà già, trẻ con, không đủ sức theo nghề...”.
Trước đây, các gia đình chủ yếu nặn nồi đất thì nay lại chủ yếu nặn niêu sắc thuốc, các loại nồi nhỏ nhưng kỹ thuật khó, hình thức bắt mắt hơn để phục vụ việc nấu các món ăn tại các nhà hàng, khách sạn. Gần đây, các hộ làm nghề tại Trù Sơn lại nặn một dụng cụ gọi là ngoao đãi vàng (?). Chẳng biết có phải là họ dùng để đãi vàng hay không nhưng tư thương đến tận nhà đặt tiền cọc, làm được bao nhiêu cũng hết, số tiền thu được nhiều hơn. Tuy vậy, những người còn theo nghề ở xã này cũng không muốn “gieo” nỗi vất vả lên con cái nữa. Làng nghề đang dần bị mai một. Nhiều người nghĩ đến việc phục dựng làng có nghề rồi “kiếm” cái danh hiệu làng nghề cho Trù Sơn nhưng xem ra rất khó khăn. “Lâu nay, chúng tôi rất muốn thành lập một HTX làng nghề, chuyên lo việc cung ứng nguyên vật liệu, kiểm tra mẫu mã, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm nhưng quả thật vô cùng khó khăn. Giờ ít ai còn quan tâm đến nghề này nữa rồi!” – ông Bí thư Chi bộ xóm 12 cho biết…
Bài, ảnh: Võ Dũng

Tin mới