Thiếu nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề

(Baonghean) - Đến một số làng nghề hoặc khu vực du lịch trong tỉnh, thấy người dân bày bán sản phẩm địa phương rất ngon, rất bắt mắt như mắm tôm, cá thu nướng, cá bò khô…. Nhưng tuyệt nhiên không có nhãn mác, bao bì. Điều đó vừa  gây thiệt thòi cho người bán vừa không đảm bảo về xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy sản phẩm nào có đăng kỹ nhãn hiệu và làm tốt khâu quảng bá sẽ hấp dẫn người tiêu dùng hơn.

Ở Nghệ An, nhiều sản phẩm đã được doanh nghiệp, làng nghề đăng ký nhãn hiệu độc quyền, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý… như sản phẩm: nước mắm Quỳnh Dị, nước mắm Vạn Phần, ngói Cừa (Tân Kỳ)...

Nhiều người biết đến nước mắm Quỳnh Dị với đặc trưng là chất lượng thơm ngon, độ đạm cao. Với hàng trăm hộ sản xuất, tập trung tại 2 làng nghề Phú Lợi 1 và Phú Lợi 2, nhưng từ khi chưa được đăng ký nhãn hiệu độc quyền thì nước mắm Quỳnh Dị bị bó hẹp thị trường, chủ yếu được phân phát nhỏ lẻ tại các huyện miền núi, những đại lý ven đường mà chưa chen chân vào được các kênh tiêu thụ hiện đại như ở các siêu thị, nhà hàng. Từ năm 2011, với việc được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu nước mắm Quỳnh Dị thì mọi chuyện đã khác. Sản phẩm được  quảng bá rộng rãi và khách hàng biết đến thương hiệu nước mắm Quỳnh Dị càng nhiều hơn nên sức tiêu thụ ngày càng lớn.
Năm 2012, làng nghề  tiêu thụ được  1,85 triệu lít thì đến năm 2013, sản lượng tiêu thụ tăng lên tiêu thụ sẽ đạt khoảng 1,4 triệu lít. Sức tiêu thụ lớn kéo theo thu nhập của các hộ sản xuất ngày càng cao. Ông Nguyễn Đức Xân, Hội trưởng Hội Làng nghề cho biết: Từ khi đăng ký nhãn hiệu độc quyền thì không có hộ nào vi phạm về vấn đề nhãn hiệu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của làng nghề. Người dân hết sức phấn khởi và có động lực để ngày càng phát huy và bảo tồn thương hiệu nước mắm Quỳnh Dị.
Dán nhãn mác tương Nam Đàn tại làng nghề tương truyền thống Thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa
Dán nhãn tương Nam Đàn tại làng nghề tương Thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa
Nhận thức được giá trị của việc đăng ký nhãn hiệu, UBND huyện Nam Đàn đang triển khai dự án nhằm đăng ký bảo hộ cho sản phẩm tương Nam Đàn. Tương Nam Đàn là một sản phẩm nổi tiếng được sản xuất truyền thống chỉ có ở làng nghề tương tại Thị trấn Nam Đàn. Chất lượng tương được sản xuất tại đây có bí quyết riêng tạo nên độ thơm ngon mà không nơi nào có được, vì vậy đã được người tiêu dùng ưa thích. Tuy nhiên, do chưa đăng ký nhãn hiệu độc quyền nên sản phẩm tương Nam Đàn đang bị làm giả, làm nhái ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của những hộ làm ăn chân chính.
Cuối năm 2013, huyện Nam Đàn đã phối hợp với Sở KH&CN thực hiện dự án nhằm xây dựng  thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho tương Nam Đàn. “Tất cả các hộ sản xuất trong làng nghề đang rất mong muốn đăng ký được nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm tương Nam Đàn. Bởi chỉ có như vậy, tình trạng đánh đồng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ mới hạn chế và đảm bảo thương hiệu, tạo niềm tin, động lực cho người dân sản xuất”, ông Đường cho biết.
Năm 2012, tương Nam Đàn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sản phẩm tương Nam Đàn được rất nhiều người dân tin dùng song vẫn chủ yếu tiêu thụ qua các kênh “quen biết” mà vẫn chưa có một đơn vị nào nào đứng ra làm kênh phân phối chính cho sản phẩm.  Ông Phạm Hải Đường, Trưởng làng nghề tương Nam Đàn cho biết: Hiện nay, HTX Sa Nam có 23 hộ sản xuất, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 250 ngàn lít nhưng khâu tiêu thụ vẫn đang còn mạnh ai nấy lo mà chưa có sự liên kết ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm không phải xuất xứ từ làng nghề nhưng vẫn được bày bán ngang nhiên, chất lượng không đảm bảo nên đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và sức tiêu thụ của sản phẩm. Do làng nghề chưa đăng ký nhãn hiệu độc quyền tương Nam Đàn nên cơ quan chức năng không thể xử lý được. 
Hiệu quả việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đã được chứng minh trong thực tiễn nhưng hiện nay vẫn đang còn rất ít sản phẩm được đăng ký. Từ năm 1995 đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh có khoảng 371 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu nhưng số lượng các sản phẩm của làng nghề, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Các làng nghề hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu cho mình bởi rất nhiều lý do nhưng chủ yếu vẫn là thiếu hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu làng nghề, và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng nhãn mác cho sản phẩm.
Do sản phẩm làm ra chủ yếu bán trên thị trường trôi nổi hoặc xuất khẩu qua khâu trung gian nên không ít sản phẩm làng nghề xứ Nghệ khi ra thị trường phải mang một thương hiệu khác. Lúc này giá trị sản phẩm đã cao hơn gấp khoảng 3 - 4 lần so với giá ban đầu. Tuy nhiên, người tiêu dùng không hề biết đó là những sản phẩm được làm từ các làng nghề Nghệ An. Đây là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề, dẫn đến chưa tạo dựng được thương hiệu làng nghề, các làng nghề khác chủ yếu rơi vào tình trạng xuất thô, mất hết thương hiệu.
Để tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, thời gian tới, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề nâng cao nhận thức về những giá trị kinh tế, lợi ích thương mại của việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Từ năm 2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá ở Nghệ  An.
Theo đó, sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng cho việc đăng ký nhãn hiệu/kiểu dáng trong nước và 10 triệu đồng ở nước ngoài. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các làng nghề phải tự thân vận động như đa dạng mẫu mã, đào tạo thợ giỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ xây dựng thương hiệu. Đây là những yếu tố giúp sản phẩm làng nghề khẳng định được chất lượng sản phẩm, tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng.
Phạm Bằng

Tin mới