Xung quanh việc thi công hầm tuynen Sông Sào: Cần có sự chia sẻ

(Baonghean) - Thông tin liên quan đến việc thi công Dự án hồ chứa nước Sông Sào đến với Báo Nghệ An qua buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội ở xã Đông Hiếu ngày 29/9/2014. Tại đây, một số cử tri xóm Đông Xuân, xã Đông Hiếu phản ánh với các Đại biểu Quốc hội về việc nổ mìn thi công đường hầm tuynen làm rạn nứt nhà cửa, ảnh hưởng cuộc sống của 60 hộ dân... Để làm rõ vấn đề các cử tri phản ánh, Báo Nghệ An đã về địa phương tìm hiểu thực tế…

Tìm hiểu được biết, Dự án thủy lợi hồ chứa nước Sông Sào (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhằm thực hiện 25 km kênh mương dẫn nước tưới tiêu cho 1.054 ha đất canh tác và phục vụ nước dân sinh cho 5 xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Đông Hiếu (TX. Thái Hòa), Nghĩa Long, Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn). Trong đó, tại gói thầu số 10, xây dựng đường hầm tuynen dài 1,315 km đi qua khu vực xóm Thịnh Mỹ (Nghĩa Mỹ), xóm Đông Xuân, Đông Mỹ (Đông Hiếu) do liên doanh nhà thầu Công ty CP Lũng Lô và Công ty CP Đầu tư & Thương mại Sông Đà thực hiện. Phần cửa hầm tuynen qua xóm Đông Xuân được khởi công tháng 7/2013.

Đường hầm tuynen kênh Sông Sào.
Đường hầm tuynen kênh Sông Sào.

Tuy nhiên, thi công được 1 tháng thì phải dừng vì người dân nơi đây cho rằng, nhà thầu nổ mìn khi chưa có giấy phép, không có thông báo giờ nổ mìn, gây tiếng động, tạo dư chấn ở khu vực này. Sau nhiều lần họp đối thoại, kiểm tra tính pháp lý của nhà thầu, 3 tháng sau, cơ quan có thẩm quyền khẳng định nhà thầu có đủ điều kiện pháp lý về việc thi công nổ mìn, nên được phép tiếp tục thi công. Nhưng một số hộ dân xóm Đông Xuân không đồng tình, đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu bồi thường nhà cửa bị rạn nứt do việc nổ mìn. Sự việc chỉ lắng xuống vào thời điểm tháng 1/2014, khi UBND Thị xã Thái Hòa giao chính quyền xã Đông Hiếu, Ban Quản lý dự án, nhà thầu kết hợp với các hộ dân kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng để làm căn cứ hỗ trợ từ nguồn kinh phí phúc lợi của nhà thầu. Đã có 29 hộ dân được nhà thầu hỗ trợ từ 3 - 8 triệu đồng. Vì đường hầm có độ sâu từ 17 - 30m nên khi thi công, nguồn nước giếng sinh hoạt của nhân dân bị cạn kiệt. Ban quản lý dự án và nhà thầu đã khắc phục bằng cách khoan 9 giếng khoan (xóm Đông Xuân 4 giếng, xóm Đông Mỹ 5 giếng), lắp đặt máy bơm, đường ống để đưa nước đến từng hộ dân. Đồng thời, xã Đông Hiếu đã cử Ban Giám sát cộng đồng (trong đó có thành viên của xóm do người dân đề cử) giám sát việc nhà thầu nổ mìn. 

Bể nước đưa từ giếng khoan của hộ bà Đặng Thị Nhâm do nhà thầu hỗ trợ. Ảnh: N.L - Đức Anh
Bể nước đưa từ giếng khoan của hộ bà Đặng Thị Nhâm do nhà thầu hỗ trợ. Ảnh: N.L - Đức Anh
Theo các ông Hồ Công Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu, Phạm Văn Thanh - Trưởng Công an xã, mọi việc sau đó đã trở lại bình thường cho đến ngày 28/8. Hôm đó, một số hộ dân xóm Đông Xuân và Đông Mỹ đã kéo xuống cửa hầm ngăn cản không cho nhà thầu thi công. Chiều 29/9, xã chủ trì tổ chức cuộc đối thoại giữa Ban quản lý dự án, nhà thầu và người dân 2 xóm. Tại cuộc họp, Ban Quản lý dự án, nhà thầu đã thống nhất khoan bổ sung giếng, cử công nhân vận hành nước đến từng nhà cho các hộ để người dân không mất thời gian bơm nước; cam kết bằng văn bản với từng gia đình, nếu như công trình thi công hoàn thành, nguồn nước giếng của dân không phục hồi sẽ khoan cho mỗi gia đình một giếng khoan.
Đối với việc ảnh hưởng công trình kiến trúc ở xóm Đông Mỹ, nhà thầu đã cùng xã, người dân thực hiện kiểm định từng gia đình, để sau khi hoàn thành, sẽ kiểm định lại nếu có ảnh hưởng thì sẽ hỗ trợ thỏa đáng. Tuy nhiên, một số hộ không đồng tình, yêu cầu hỗ trợ đợt 2 cho xóm Đông Xuân; hỗ trợ trước cho xóm Đông Mỹ; trả lại nguồn giếng nước hoặc khoan cho mỗi gia đình một giếng khoan... Các ông Hồ Công Sâm, Phạm Văn Thanh cho biết: "Ngày các Đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, một số người dân bị kích động đã đưa cờ, băng rôn đến hội trường làm xã phải rất vất vả để thu giữ. Chúng tôi xác định, đằng sau việc này có sự xúi giục của phần tử không tốt, nhằm mục đích vụ lợi cá nhân".
Thực tế, việc thi công đường hầm tuynen đã làm nguồn nước giếng của người dân xóm Đông Xuân cạn kiệt. Tuy nhiên, bù vào đó là nhà thầu đã khoan giếng, lắp đặt máy bơm, đường ống dẫn đến từng hộ, nên nước sinh hoạt không thiếu. Về việc phản ánh nổ mìn ảnh hưởng đến kiến trúc, các vệt nứt ở nhà dân là có, nhưng không lớn. Tại nhà anh Phạm Hồng Dung, hộ sát kề miệng hầm (theo nguyên lý thì sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất) nhưng mức độ ảnh hưởng cũng không nghiêm trọng. Bản thân anh Dung cũng xác nhận: "Những vết nứt đã có từ trước. Khi nhà thầu thi công, nổ mìn thì có dư chấn tác động làm vết nứt lớn hơn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cũng bình thường...". Trái với thái độ của anh Phạm Hồng Dung, khi nghe tin có báo chí về, vài ba người dân đã kéo đến "tố khổ". Họ gay gắt cho rằng, việc thi công đường hầm là "thảm họa"; tác động của nổ mìn là rất lớn, gây xáo trộn cuộc sống, phá hỏng nhà cửa... nên hỗ trợ với mức dăm triệu đồng là không thỏa đáng... Chúng tôi đã ở lại xã Đông Hiếu để chứng thực tác động của việc nổ mìn (13h30 ngày 4/10). Thực tế, tiếng động và dư chấn hầu như không thấy!.
Tìm hiểu về phía nhà thầu, Chỉ huy trưởng công trình đường hầm tuynen, ông Phan Huy Tuân khẳng định, Công ty CP Lũng Lô là đơn vị thi công đường hầm có kinh nghiệm; việc thiết kế thi công được thực hiện đầy đủ; nhà thầu cũng đã được Sở Công Thương cấp phép nổ mìn với lượng thuốc nổ 12 kg/một lần nổ. Tuy nhiên, do tính chất gần khu dân cư, để giảm tối đa tiếng động và dư chấn, Ban Quản lý dự án chỉ đạo mỗi lần nổ mìn chỉ sử dụng 0,6 kg thuốc nổ. "Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh với sự giám sát của Ban giám sát cộng đồng. Thực tế, ở độ sâu hiện tại khoảng 20 - 25m dưới lòng núi, lượng thuốc nổ chỉ là 0,6 kg không hề có tác động gì..." - ông Tuân nói.
Theo ông Hoàng Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ (đơn vị quản lý dự án), 5 xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, Nghĩa Long, Nghĩa Lộc là khu vực thường xuyên bị khô hạn. Vì vậy, dự án hồ chứa nước Sông Sào giai đoạn 2 đưa nước về phục vụ tưới tiêu sẽ có tác động tích cực để phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội cho những khu vực này. "Để thực hiện dự án, Bộ NN & PTNT đã giao Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ làm Ban Quản lý dự án. Theo tiến độ đề ra, cuối năm 2014 dự án sẽ kết thúc. Hiện nay, chỉ còn khoảng 300m là thông hầm. Đây là một dự án quốc gia, đem lại lợi ích cho nhân dân. Chúng tôi đã làm những gì cần làm. Rất mong các cấp, ngành vào cuộc vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ, để công trình sớm được vận hành phục vụ sản xuất, dân sinh..." - ông Hoàn Văn Sơn đề nghị.
Thực tế cho thấy, việc thi công đường hầm tuynen kênh Sông Sào tác động đến cuộc sống của người dân hai xóm Đông Xuân, Đông Mỹ, ảnh hưởng đến vật kiến trúc, nguồn nước là có. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án, nhà thầu đã thực hiện hỗ trợ, lắp đặt giếng khoan và có những cam kết kèm theo. Dù có ít nhiều những xáo trộn trong cuộc sống, tuy nhiên, người dân cần hướng đến mục tiêu quan trọng của dự án. Lợi ích từ Dự án thủy lợi hồ chứa nước Sông Sào là rất rõ, đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển KT-XH của TX. Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn trong những năm qua. Việc dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2, trong thời điểm hiện nay, đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đối với người dân Nghệ An. Vì vậy, cần có sự chia sẻ để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ. Về phía chính quyền xã Đông Hiếu, cần xử lý nghiêm phần tử xúi dục, kích động nếu có như phản ánh của quần chúng.
Nhật Lân

Tin mới