Ngược Lường thăm làng Vĩnh Đức

(Baonghean) - Khác với những làng nghề khác thường mang vẻ chân chất mộc mạc thôn quê, Làng nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, thuộc khối 10, Thị trấn Đô Lương mang vẻ sầm uất, nhộn nhịp của phố phường. Về Vĩnh Đức, bên những ngôi nhà cao tầng dễ thấy những khoảnh đất trống, thoáng mát, được bà con tận dụng phơi bánh đa thơm mùi gạo mới, nồng hương vị của gừng, hạt tiêu và tỏi...
TIN LIÊN QUAN
Đến với làng nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt là tràn ngập bánh đa được phơi dưới ánh nắng vàng nhạt. Tiếng máy xay bột gạo chạy suốt ngày. Húy danh ông tổ nghề nuôi sống và làm nên sự trù phú của làng, chẳng ai dám chắc có từ thời nào, chỉ theo lời truyền ngôn xa lắc xa lơ, không ai rành rẽ, đất thưa người ít, dọc theo miền sông Lam màu mỡ, cây cối tốt tươi, một nhóm người miền Bắc ở lại sinh sống thành một chòm. Do vậy, trong làng nghề hiện nay, người họ Vũ, họ Phạm, họ Nguyễn có nguồn gốc từ Nam Định, Thái Bình, có số người làm nghề nhiều nhất. Theo dòng chảy vô hồi của dòng sông Lam, từ chòm rồi phát triển đông đúc thành xóm, nên làng, khối phố. Cái sự sinh sôi ấy có được là nhờ nghề bánh đa, kẹo lạc. Trước đây, làm bánh đa để thay đổi khẩu vị để ăn cho được nhiều, hoặc dự trữ khi lũ lụt mất mùa… Cứ thế nghề càng thêm hưng vượng. 
Người dân làng Vĩnh Đức phơi bánh đa.
Người dân làng Vĩnh Đức phơi bánh đa.
Theo người dân kể lại, làng nghề Vĩnh Đức trước đây thuộc xã Liên Sơn, nằm cạnh Quốc lộ 7, áp sau lưng là con sông Lam chảy qua. Năm 1989, xã Liên Sơn sáp nhập Thị trấn Đô Lương, từ đó đến nay, người dân quen gọi là làng Vĩnh Đức, thực chất nó là khối 10 - Thị trấn Đô Lương, còn làng nghề chỉ có 68 hộ làm nghề, trên tổng số 268 hộ của cả khối. Qua bao thế hệ, người dân làng Vĩnh Đức không những giữ được nghề mà còn phát triển ngày càng mạnh hơn. Năm 2005, UBND tỉnh công nhận là Làng nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức.
Lang thang trên khu đất rộng, đang dở dang những công trình xây dựng, đó chính là khu vực làm nghề tập trung của làng, rộng tới gần 3,5 nghìn m2, vừa được Nhà nước đầu tư kinh phí. Đã 9 giờ sáng, ánh nắng vàng nhạt vừa xua tan lớp sương mù, người làng nghề bắt đầu chuyển từng xe kéo tay chất đầy phên bánh ra phơi phóng. Hít căng lồng ngực, mùi thơm quyến rũ của bánh đa bột gạo, trộn lẫn vào đó là vị cay nhẹ của gừng, tỏi. Ông Võ Quang Minh là an ninh, khối phó - khối 10, đi cùng, khoe: Bánh đa ở đây tròn đều, dày vừa phải, khi nướng lên, bánh đa Vĩnh Đức thơm đáo để. Mùi thơm của gạo trộn lẫn với vừng đen ngầy ngậy. Rồi ông cho tôi biết các bước làm nên chiếc bánh đa đặc trưng này. Trước đây ông cha tráng bằng bột gạo nước, trộn với vừng đen. Nhưng do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng “khó tính”, người dân Vĩnh Đức sau này gia vị thêm gừng, hạt tiêu, tỏi giã thật nhỏ, trộn tỷ lệ vừa phải vào bột gạo để tráng. Đó là “bí quyết” làm nghề của làng để sản phẩm đứng vững trên thị trường từ Căm pu chia, Lào, Singapore và các thành phố lớn trong nước.
Gạo ngâm nước, vừng đen đãi sạch, tỏi và gừng giã ra, trộn lẫn với bột gạo. Tráng được chiếc nào đặt lên phên chiếc đó. Khi nắng lên, cứ thế mang ra phơi. Trời nắng như hôm nay, chỉ cần phơi 4 tiếng đồng hồ là xếp được. Cứ 20 - 30 chiếc bánh buộc lại thành một cột, dùng đá hoặc khúc gỗ dằn lại cho phẳng cái bánh. Mục đích, làm cho chiếc bánh đẹp và dễ vận chuyển với số lượng nhiều. Nói thì dễ vậy, chứ không phải cứ có gạo là làm được bánh ưng ý. Người làng Vĩnh Đức thường sử dụng gạo Khang Dân để tráng bánh, vì bột gạo này không bị dính khuôn, chứ dùng các loại gạo khác, độ dẻo cao, rất khó làm, vì bánh bị rách khi tráng và trong quá trình phơi nắng. Bánh đa Vĩnh Đức bán sống như vậy, người tiêu dùng mua về có thể quạt than, rán dầu, hoặc nướng ép. Sau khi nướng xong, dùng tay bẻ nghe côm cốp, ăn vào giòn tan, nghe sướng tai. Nghề làm bánh đa không mùa vụ nào cả, mà người dân làm quanh năm suốt tháng. Nhưng sướng nhất vẫn là về mùa hè nắng nhiều. Nếu gặp trời mưa nhiều ngày liền, người dân vẫn làm, nhưng vất vả, vì phải xông bánh bằng than, năng suất thấp, chất lượng bánh không ngon bằng phơi nắng. 
Dẫn chúng tôi qua những dãy nhà cao tầng mọc san sát nội thị trấn, ông Minh đưa chúng tôi vào gia đình ông Phạm Công Thìn. Ông Thìn năm nay đã sang tuổi 75, vẫn khỏe mạnh, da đỏ hồng hào. Nói về nghề bánh đa của làng, ông Thìn vui vẻ tiếp chuyện: “Vợ chồng tôi già rồi mà vẫn làm bánh đa đấy. Tính theo thời gian, tôi là đời thứ 4 trong nhà làm nghề bánh đa, do vậy người làng gọi là nghề gia truyền. Hồi lên 10 tuổi, ông Thìn đã biết phụ việc cho cha mẹ phần việc xay bột gạo. Lớn lên, ông đi bộ đội, đến năm 1984 nghỉ hưu, về nhà tiếp tục cùng với vợ con làm nghề cho đến bây giờ...”. Ông Thìn nhớ lại, ngày trước, khi chưa có điện lưới và nước sinh hoạt còn khó khăn, hàng ngày người dân Vĩnh Đức mang xoong nồi ra bến sông Lam chùi rửa, rồi gánh nước về sinh hoạt. Tối đến, nhà nào cũng hì hục ngâm gạo, chuẩn bị xoong nồi, lò, củi, sáng mai dậy từ 3 giờ sáng, người xay gạo, kẻ tráng bánh, cho kịp phơi nắng buổi sáng. Khi đó, bột gạo nước chủ yếu xay bằng sức nghiền của hai thớt cối đá, người làm nghề ngồi quay từng vòng, nếu cối đại, sử dụng giằng xay như cối xay lúa, đôi khi cả hai vợ chồng cùng xay, hoặc anh em cùng xay. Người làng Vĩnh Đức trước đây có những người nên vợ nên chồng cũng nhờ cối xay bột này. 
Ông Nguyễn Công Thìn dù tuổi cao vẫn tham gia sản xuất bánh đa.
Ông Nguyễn Công Thìn dù tuổi cao vẫn tham gia sản xuất bánh đa.
Chẳng hiểu vì sự đòi hỏi của nghề hay không mà tạo nên sự gắn bó phối hợp nhịp nhàng, sự đoàn kết tương thân tương ái vốn có của làng nghề. Cái nghề như cơ duyên của đất trời, chẳng ai bảo ai, họ cứ tự nhìn nhau mà nên, họ cùng nhau tìm gạo, chọn gạo, cùng nhau làm phên phơi bánh. Việc tráng bánh và phơi bánh cũng vậy, vợ tráng bánh, chồng và con lo chạy củi và phơi bánh. Bà Nguyễn Thị Vân, vợ ông Thìn, cho biết, bà là người Tràng Sơn, không biết tráng bánh, nhưng sau khi lấy chồng về đây được thời gian ngắn là thạo nghề. Tráng bánh tuy không vất vả, nhưng đòi hỏi phải nhanh tay, nhanh mắt, cả thân người phải làm việc. Để có năng suất, một lúc tráng 2 - 3 nồi, chỉ xoay xung quanh một diện tích nhỏ, cột sống xem như cái trụ, xoay bên này bên nọ, múc rồi tráng, tráng rồi múc, hai tay hoạt động liên tục nhịp nhàng bên lò bếp hầm hập nóng. 
Trò chuyện với những người đang mải mê phơi bánh, được biết, việc phơi bánh cũng khá vất vả, phải chọn khu vực có ánh nắng để đặt phên, nhưng phải tránh được bụi bặm, phải trở bánh thật đều, không để sót phên nào. Khi bánh đủ nắng, phải ép bánh từng chồng thật phẳng. Vì thế, người Vĩnh Đức quý những bữa trời trong, nắng to, thuận cho việc phơi bánh. Ở làng nghề này, mọi không gian đều dành cho phơi bánh. Ngày trước, hầu hết là nhà cấp 4, mái ngói, người ta đặt phên trên cả mái nhà, bánh phơi trước giàn sân đầu ngõ, chỗ nào có thể phơi được là người ta gác vài cái que và đặt phên lên.
Khó để thống kê mỗi ngày làng nghề Vĩnh Đức sản xuất được bao nhiêu chiếc bánh đa, theo ông Minh, bình quân mỗi gia đình làm nghề, một ngày xay 10 kg gạo. 1 kg gạo tráng được trên dưới 30 chiếc bánh, mỗi chiếc bánh bán sỉ 2.000 đồng, thu về được 60.000 đồng. Trừ mọi chi phí, gạo, củi, gia vị, công lênh… mỗi kg gạo người làm nghề còn lãi ròng 10.000 đồng. Có những gia đình mỗi ngày làm trên 1 tạ gạo, thuê một lúc gần 10 người làm. Như gia đình ông Nguyễn Văn Công mỗi ngày xay 1,5 tạ gạo, thuê 6 - 10 người cùng làm, mỗi ngày thu lãi tiền triệu.
Nghề làm bánh đa là vậy, sản phẩm kẹo lạc của làng nghề Vĩnh Đức cũng không ngừng phát triển. Để sản phẩm kẹo lạc đảm bảo chất lượng, người làm nghề trước hết phải chọn lạc nhân đều hạt, không bị mốc, lạc có thể rang, hoặc để sống. Có thể sử dụng đường phên, đường kính, hoặc mật mía. Đường cho vào nước lã cô lên, khi nào nước dính thành giọt vào đầu đũa là đổ lạc vào, vừa đun nhỏ lửa, quấy khi nào đều là đổ ra khuôn, hoặc đổ lên từng chiếc bánh đa, dàn đều, sau đó dùng chày lăn đều, nén chặt. Khi kẹo đã nguội, dùng mũi dao sắc bén rạch ra từng miếng, đóng gói, đưa đi tiêu thụ. Những sản phẩm của làng nghề, hàng ngày khách hàng khắp nơi gọi điện thoại đặt hàng, người làng không cần mất công vận chuyển, mà gửi xe khách đường dài. Bởi làng nghề có Quốc lộ 7 chạy qua, ngày nào cũng có xe khách vào Nam ra Bắc, rất tiện lợi để gửi hàng đi khắp nơi tiêu thụ. 
Ở Vĩnh Đức, nhờ cái nghề bánh đa, kẹo lạc mà nuôi được con em học hành đỗ đạt. Nhiều gia đình, có thời điểm cả nhà 5 - 6 người là vợ chồng, con cái cùng làm nghề, bây giờ chỉ còn vợ chồng ở nhà bám nghề, con cái học hành xa. Vợ chồng ông Minh, có 5 người con, mỗi đứa học một ngành, đều thoát ly hết, nay vợ chồng ông mỗi ngày tráng 5 kg gạo, đủ tiền trang trải cuộc sống. Hay chị Hồ Thị Minh, chồng mất sớm, một mình chị nuôi 2 đứa con ăn học. Khi cả 2 đứa học đại học ở Nha Trang, chị Minh mang theo nghề vào trong đó thuê ky ốt tráng bánh cuốn, phục vụ bữa ăn hàng ngày cho khách hàng. Chỉ có cái nghề mộc mạc vậy thôi, chị đã tích góp nuôi được 2 đứa ăn học đại học trong suốt nhiều năm liền.
Ở vùng thị trấn, người dân Vĩnh Đức ngoài làm bánh đa, kẹo lạc, còn có thêm nghề kinh doanh dịch vụ khác, song sản xuất bánh đa, kẹo lạc vẫn chiếm ngôi chủ. Bánh đa, kẹo lạc ở đây đã theo con em trong làng, theo khách thập phương, theo thương lái đi xa, vì thế mà hương vị của bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức ngày càng bay xa...
Xuân Hoàng

Tin mới