Tài hoa thợ mộc Thanh Yên

(Baonghean) - Làng mộc Thanh Yên (Thanh Chương) nức tiếng xa gần với những người thợ khéo tay, chuyên làm các đồ mỹ nghệ tinh xảo. Xác định đây là thế mạnh của địa phương, nhiều gia đình đã liên kết thành các nhóm, tổ thợ nhận các công trình làm nhà gỗ, nhà thờ họ, từ đường, đình chùa...  mở ra hướng đi mới cho nghề mộc truyền thống.

Trong nắng xế của buổi chiều muộn, chúng tôi tìm về làng mộc Thanh Yên, xã Thanh Yên. Đến đầu ngõ nhà ông Bùi Vạn Nươm (xóm Yên Long) đã nghe thấy tiếng đục đẽo, ông Nươm tay dùi tay đục tạo tạc trên mặt gỗ, vừa làm việc vừa hướng dẫn, chỉ bảo những người thợ trẻ tuổi. Bên bát chè xanh, ông Nươm kể: "Tôi năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn ham tay đục dù con cái khuyên đã đến lúc phải nghỉ dưỡng tuổi già. Tính đến tôi thì gia đình cũng có tới 4 đời nối nghiệp. Ngày xưa, từ thời các cụ thường vác cưa xẻ, dùi đục đi "kiếm cơm" thiên hạ, nhưng đến đời bố tôi ông chỉ ở làng sống bằng nghề mộc dân dụng. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, nền kinh tế phát triển, nhu cầu làm nhà gỗ nhiều nên người dân Thanh Yên đã sống lại nghề tổ. Để hoàn thành một ngôi nhà gỗ mất khá nhiều công, trước hết cần chọn những cây gỗ thẳng, cân xứng để dựng cột. Đến việc chạm trổ, ngoài yếu tố tinh xảo cũng cần có những hiểu biết nhất định về quy luật của những hình điêu khắc. Ví như đối với cửa gỗ kiểu bức bàn, nếu chạm cây thông thường đi với con hạc, cây mai có con sáo, cây cúc có con bướm... ".
Cách nhà ông Nươm không xa là xưởng của anh Bùi Chí Hiếu (xóm Yên Sơn) rộn rã tiếng lách cách đục đẽo của các tay thợ. Xưởng của anh Hiếu được xem là cơ sở sản xuất có tay nghề cao nhất xã, những sản phẩm khó, đòi hỏi độ tinh xảo như bát biểu, nhang án thờ, cuốn thư, hoành phi, câu đối, cửa võng... đều về đây đặt hàng. Anh Hiếu cho hay: "Người ta thường đặt cả nếp nhà thờ từ 2 đến 3 gian bằng các lại  gỗ xoan, mít và lim. Đặc trưng của nhà gỗ là rất ít dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Chính vì vậy, người thợ phải nắm chắc kỹ thuật đục đẽo để các mộng khít với nhau. Khó nhất trong các công đoạn là lấy mực thước, người thợ trước khi làm đã phải tự "vẽ" trong đầu mình mảnh đất ấy, yêu cầu ấy thì phải dựng công trình với tỷ lệ như thế nào cho thật hài hòa, đẹp mắt. Nghề này nếu đơn thuần chỉ cần cù, kiên nhẫn thôi chưa đủ, mà cần có óc sáng tạo để phác hoạ được những nét uyển chuyển trên từng thớ gỗ. Một thợ siêng năng cần ít nhất 5 năm mới thành thạo nghề".
Cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của anh Bùi Chí Hiếu ở xóm Yên Sơn,  xã Thanh Yên (Thanh Chương).
Cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của anh Bùi Chí Hiếu ở xóm Yên Sơn, xã Thanh Yên (Thanh Chương).
Ở xã Thanh Yên, nói đến những tay thợ giỏi phải nhắc đến anh em nhà ông Đinh Bạt Cát và ông Đinh Bạt Bình ở xóm Yên Mỹ. Từ nhiều năm nay, 2 anh em ông phục dựng không ít nhà thờ họ ở khắp nơi... Xưởng mộc của ông Đinh Bạt Cát khá rộng. Bước vào xưởng mộc là ngổn ngang những thân gỗ to bằng một người ôm đã được bật mực, chuẩn bị xẻ làm nhà... Với kinh nghiệm "nằm lòng" từ thời tóc còn để chỏm, ông Cát luôn mơ ước được tự tay mình làm những ngôi nhà gỗ mang phong cách cổ để lưu giữ nét tài hoa tinh tế trong bài trí, cũng như cách dụng mộc của người xưa. Do đó, ngay khi nhận thấy nhà gỗ có thị trường, ông đã tập trung vốn, tuyển thợ làm nhà. Hơn 30 năm gắn bó với nghề mộc, ông đã thiết kế và làm, phục dựng hàng chục ngôi nhà thờ ở TP. Vinh, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… và các tỉnh lân cận. Theo ông Cát thì ngoài tay nghề cứng, người thợ còn phải có con mắt tinh tường trong việc chọn gỗ, nhìn vân thớ đoán vòng đời, năm tuổi của cây. Vật liệu được chọn thường là gỗ mít, bởi chúng có màu vân đẹp, bền, không mối mọt. Việc lựa chọn nguyên liệu cũng là cả một công đoạn cầu kỳ, cây mít phải được trồng trên vùng đất màu mỡ, tận mạn Phủ Quỳ hoặc tại các vùng đất "lành". Hoàn thiện một ngôi nhà thờ với kiểu kiến trúc cổ tốn khoảng 10m3 gỗ trở lên, tùy theo quy mô thiết kế; từ yêu cầu của khách hàng, từ kiểu dáng chính điện, hậu cung… cho đến  6 mái, 8 mái người thợ làng Thanh Yên đều đảm đương được. 
Để kéo dài tuổi thọ cho ngôi nhà, người làm nghề phải ứng dụng kỹ thuật hiện đại, xử lý khâu chống mối mọt ngay khi chuẩn bị dựng cột và dưới nền nhà trước khi đặt gạch làm móng, lát nền. Bên cạnh đó, các phiên bản nhà, phối cảnh không gian kiến trúc đều được người thợ lưu trữ dữ liệu bằng phần mềm riêng để tiện cho việc giới thiệu, tính toán tỷ lệ, giá thành với khách hàng… Với cách làm này, thời gian hoàn thành một ngôi nhà đã được rút ngắn phân nửa so với trước. 
Theo thống kê, xã Thanh Yên có hơn 20 xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng như giường, tủ, sập, bàn ghế…, có hơn 10 hộ thành lập các tốp thợ (mỗi cánh thợ khoảng 8 - 15 người) chuyên nhận làm công trình nhà gỗ trong và ngoài tỉnh. Giá thành sản xuất mỗi ngôi nhà gỗ thấp nhất cũng 600 - 700 triệu đồng, có khi lên tới hàng tỷ đồng, tùy vào diện tích và chất liệu gỗ; giá công cho đội thợ trung bình từ 200 ngàn đồng - 250 ngàn đồng/ngày, riêng cánh thợ cả tay nghề cao, thu nhập khoảng 350 ngàn đồng/ngày. 
Ông Nguyễn Cảnh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: "Hiện nghề mộc đang giải quyết cho trên 500 lao động, trung bình hàng năm doanh thu đem lại cho người dân khoảng 100 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã đạt hơn 18 tỷ đồng. Việc phát triển nghề mộc truyền thống đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân; tỷ lệ hộ khá, giàu hiện nay chiếm 65%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2014. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng đề án quy hoạch làng nghề mộc truyền thống. 
Rời làng mộc Thanh Yên, những chàng trai lưng trần vẫn miệt mài đục đẽo với niềm tin và khát vọng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần "ghi danh" thương hiệu qua các công trình kiến trúc phong cách cổ được nhiều khách hàng đón nhận.
Ngọc Anh

Tin mới