Nông dân TP Vinh trở lại sản xuất trên đất “dự án treo”

(Baonghean.vn) - Nhiều dự án khu đô thị “treo” lâu nay tại các cánh đồng ở Hưng Hòa, Vinh Tân, Nghi Phú… thành phố Vinh bây giờ đã được nông dân quay trở lại sản xuất.

Vinh Tân là phường phía Nam TP Vinh, 5 năm qua đã có nhiều nhà đầu tư vào đền bù đất nông nghiệp làm khu đô thị. Ở đây hiện có 7-8 khu đô thị đã và đang hoàn thành như Khu đô thị mới của Công ty Tecco, Khu đô thị ven hồ của Tổng công ty ĐT và PT nhà Hà Nội,  … Đất đai đã có thời sôi động, đất nông nghiệp được các nhà đầu tư săn đón, lập dự án đền bù. Tuy nhiên, cũng có vài dự án “chậm chân”, vào sau không gặp thời hoặc không có năng lực tài chính, đã tiến hành lập dự án, thỏa thuận đền bù rồi… mất hút.
 
Ông Nguyễn Văn Nhạc - Chủ tịch Hội nông dân xã Vinh Tân, cho biết: Vinh Tân hiện còn  150 ha đất lúa, ở 2 HTX là HTX nông nghiệp Vinh Tân và HTX nông nghiệp Vĩnh Mỹ,  năng suất lúa 5 - 6 tấn/ ha. Một năm người dân đang gắng làm 2 vụ. Ở 2 HTX trên, còn trên 300 xã viên đang sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ở Vinh Tân hiện nay không nhiều, do bà con sống chủ yếu là thương mại, dịch vụ, đa ngành đa nghề. Ở cánh đồng trũng này, vài năm trước, Công ty Dầu khí Nghệ An đã vào làm thủ tục kê khai đền bù một sào đưa ra giá đền bù cho dân một sào 150 triệu đồng, dự án lấy 40 ha, nhưng bây giờ đã bỏ. Chính vì vậy, với những thách thức từ việc làm, thu nhập, các HTX đã vận động bà con trở lại sản xuất.”

Nông dân Vinh Tân làm thủy lợi chuẩn bị sản xuất lúa đông xuân

“Thành phố và các chủ đầu tư khi không triển khai dự án thì phải thông báo sớm để nông dân yên tâm sản xuất, chứ đừng bỏ lửng lơ như vậy.” - Ông Nhạc nói thêm. Hai năm nay  bà con cố gắng sản xuất vụ đông xuân, công việc thủy lợi cũng gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới của thành phố”.
 
Còn ở Nghi Phú: không ít dự án “vào” rồi lại “ra”, khiến nông dân vừa trở thành “con nợ” do ngỡ được tiền đền bù nên vội vay mượn làm nhà cửa, vừa như ngồi trên đống lửa do sáng mở mắt ra đã thấy đất đai trên đồng cỏ mọc dày, trong khi gạo trong nhà lại hết.
 
Một số nhà đầu tư trước đây lập dự án xong, thỏa thuận với dân mức tiền đền bù xong, dân ký vào rồi, sau đó “lặn” không sủi tăm, như dự án khu chung cư, biệt thự và nhà thu nhập thấp của công ty Sông Hồng 18 về lấy đất lạc của xóm. Một vụ, hai vụ trôi qua, đến nay thì người dân xóm 11 Nghi Phú không còn chờ đợi dự án nữa. Họ đã cầm cày, cầm cuốc ra đồng, lại xới lên mùi đất quen thuộc, đồng cao trồng lạc, trồng vừng, đồng trũng cấy lúa. Gia đình anh Nguyễn Văn Quyết xóm 11 giờ không chỉ làm ruộng của gia đình, mà còn làm thêm ruộng của những người khác để có thêm tiền trả nợ. Gia đình chị Tuyết cũng ra làm đồng trở lại. Bà con xóm 11, 21, 22 nhiều nhà ngỡ đã không còn làm ruộng giờ lại í ới ra đồng. Lúa, lạc, rau màu đã xanh trở lại khắp những cánh đồng.

Có cơ chế hỗ trợ của thành phố, nông dân Nghi Kim đẩy mạnh sản xuất rau màu vụ đông.

Ông Hoàng Văn Thanh - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vinh, cho biết: Trước thực trạng các nhà đầu tư vào lập dự án rồi bỏ bê, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của nông dân thành phố, thành phố đã có văn bản gửi các phường, xã tiếp tục chỉ đạo sản xuất trở lại như bình thường, không bỏ đất hoang. Thành phố có cơ chế mới hỗ trợ sản xuất nông, ngư nghiệp trên địa bàn (Quyết định số 05/ 2012). Đối với những dự án lấy đất nuôi trồng thủy sản ở Hưng Hòa, khuyến khích bà con cải tạo lại ao đầm, không nuôi tôm thì chuyển sang nuôi cá đặc sản như cá bống bớp, cá lăng chấm, cá vược. Thành phố sẽ hỗ trợ cho các hộ ở đây đầu tư qui mô tối thiểu 500m2/ ao/ hộ, 30% kinh phí mua cá giống (không quá 10 triệu đồng/ ao/ hộ). Đối với sản xuất lạc (vụ Đông, vụ Xuân): hỗ trợ 35% kinh phí đối với nilon phủ luống. Đối với cây mạ vụ Xuân, hỗ trợ 50% kinh phí đối với nilon phủ luống. Khuyến khích sản xuất lúa chất lượng cao, hỗ trợ 50% kinh phí mua giống và 100% kinh phí thuốc bảo vệ thực vật sinh học (không quá 2 triệu đồng/ ha).

Châu Lan

Tin mới