Anh Sơn: Phát triển chăn nuôi hàng hóa

(Baonghean) Trong  những năm qua, chăn nuôi đang dần trở thành ngành chính đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân huyện miền núi Anh Sơn; đồng thời giúp địa phương phát huy được tiềm năng phát triển chăn nuôi.

Được Ngân hàng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho vay vốn 200 triệu đồng, gia đình anh Nguyễn Tuấn Dũng, thôn 1-5 xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) đã đầu tư vào trang trại chăn nuôi lợn. Với quy mô 30 con lợn nái, 150 – 200 con lợn thịt, năm 2012, tổng sản lượng xuất chuồng dự kiến đạt 25 – 30 tấn lợn hơi, đem lại tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng. Anh Dũng chia sẻ: “ Năm đang học lớp 12, tôi phải nghỉ học để làm kinh tế vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Một mình tôi quần quật san núi, trồng lúa, sắn, chè, đào ao thả cá, song thu nhập chẳng bao nhiêu. Từ khi được Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho vay vốn làm ăn, tôi đầu tư làm trang trại tổng hợp, nay mỗi năm gia đình có thu nhập 150 – 200 triệu đồng”.

          Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Tuấn Dũng - xã Cẩm Sơn.

Cũng vay Ngân hàng Nông nghiệp huyện 200 triệu đồng, ông Đặng Trọng Dương, thôn Kẻ May, xã Cẩm Sơn lại chọn hướng chăn nuôi trâu bò hàng hoá. Gia đình ông thường xuyên nuôi 20 – 40 con trâu, bò bằng cách đi mua trâu, bò gầy về chăm sóc, vỗ béo, sau 2-3 tháng xuất bán tại chợ Đại Sơn, Nam Đàn, Vinh, Diễn Châu… Từ chăn nuôi trâu bò hàng hoá, gia đình ông Dương có mức lãi 200 triệu đồng/năm.

Cùng với sự năng động của bà con nông dân trong phát triển chăn nuôi tại địa phương, huyện Anh Sơn tích cực triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND. Theo đó, đối với chăn nuôi trâu, bò hàng hoá được hỗ trợ lãi suất tối đa 12 tháng thông qua Ngân hàng Nông nghiệp cho số tiền vay bình quân 4 triệu đồng/con để mua 1 con trâu, bò; Ngân sách trả lãi suất tiền vay qua Ngân hàng Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Mỹ, Trưởng ban Nông nghiệp xã Vĩnh Sơn cho biết: “Năm 2012, xã Vĩnh Sơn được phân bổ chỉ tiêu 400 triệu đồng để mua 100 con bò thịt, được tỉnh hỗ trợ lãi suất tiền vay trong 12 tháng. Trên cơ sở khảo sát năng lực của từng hộ chăn nuôi trong xã, chúng tôi đầu tư vốn cho 28 hộ, trong đó hộ nhiều nhất là 9 con bò, hộ ít nhất 3 con. Từ việc chọn đúng đối tượng hộ có điều kiện về chuồng trại, kiến thức chăn nuôi và cả biết buôn bán bò đã cho hiệu quả tương đối cao. Mua bò gầy về vỗ béo, mua bê nhỡ về nuôi lớn. Cứ như vậy, trong thời gian 1 năm, người chăn nuôi quay vòng được 2 – 3 lần nuôi. Bình quân 1 con bò sau 2 – 3 tháng chăm sóc vỗ béo, người chăn nuôi thu lãi khoảng 2 triệu đồng. Chính sách của tỉnh đã thực sự tạo điều kiện cho người nông dân linh hoạt trong sử dụng vốn để tái sản xuất có lãi, nâng cao đời sống”.

Tại xã Phúc Sơn cũng tiến hành bình xét kỹ hộ nuôi. Năm 2012, xã đã triển khai vốn vay 972 triệu đồng, đầu tư cho 92 hộ mua 243 con trâu, bò hàng hoá (mức hỗ trợ đầu tư vốn vay 4 triệu đồng/con). Phúc Sơn là xã có nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc, với diện tích trồng mía 36 ha có nguồn lá cung cấp thức ăn rất hiệu quả cho trâu, bò vào mùa rét. Bên cạnh đó còn có nguồn thức ăn từ  các loại cây trồng khác như ngô, lạc… Chính vì vậy, nhu cầu chăn nuôi trong dân còn rất lớn. “Chương trình này phù hợp với điều kiện trên địa bàn xã nên được nhân dân hào hứng đón nhận. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi gia súc tại địa phương. Bình quân 1 con trâu, bò nuôi 3 – 4 tháng có mức lãi khoảng 2 triệu đồng. Nhân dân mong muốn tỉnh tiếp tục có nhiều cơ chế hỗ trợ đến với người dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn  Nguyễn Văn Tráng nói.

Chăn nuôi ở Anh Sơn đã là ngành sản xuất hàng hoá đem lại thu nhập khá cho người dân. Trang trại chăn nuôi tập trung ngày càng xuất hiện nhiều ở các xã. Với nguồn thức ăn dồi dào, đồng cỏ thuận lợi, ngô, màu vụ đông nhiều, người dân biết tận dụng tối đa nguồn lương thực từ sản phẩm trồng trọt để phục vụ phát triển chăn nuôi. 21/21 xã, thị trấn đều phát triển chăn nuôi với quy mô rộng lớn. Hiện, toàn huyện Anh Sơn có tổng đàn trâu, bò 32.720 con, đàn lợn 50.753 con, và đàn gia cầm 759.354 con. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện Anh Sơn ước đạt 1.376 tỷ đồng, chiếm 51,3% tổng giá trị sản xuất của toàn huyện. Trong đó, riêng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt hơn 500 tỷ đồng, chiếm trên 40% trong tổng giá trị của ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Năm 2013, huyện Anh Sơn dự kiến nâng tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng từ 12 – 15%; từng bước đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp.

Quỳnh Lan

Tin mới