Kỹ thuật nuôi cá hồng trong ao đất

(Baonghean) - Nuôi cá trong nước lợ đang được nhiều người quân tâm. Cá hồng Mỹ là đối tượng nuôi nước lợ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhưng để nuôi đối tượng này đạt hiệu quả kinh tế cao thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong quá trình nuôi, như: điều kiện ao nuôi, môi trường sống, thời vụ thả, nguồn giống, quản lý và chăm sóc... Để giúp bà con hiểu rõ hơn và nuôi thành công hơn về đối tượng này, chúng tôi xin khuyến cáo một số lưu ý sau:

          Ao nuôi cá của hộ anh Nguyễn Văn Dương tại  Xã Nghi Hợp - Nghi lộc

* Chuẩn bị ao nuôi:

Nền đáy ao sạch tác động đến nơi phân bố khả năng bắt mồi của cá, đáy ao nhiều bùn thức ăn bị chìm ảnh hưởng chất lượng và sự ổn định của môi trường nước. Đối với ao mới: Sau khi xây dựng phải rửa chua 3 - 5 lần, rải vôi khắp đáy, phơi từ 10 - 20 ngày.

- Đối với ao cũ: Do sau mỗi lần nuôi, đáy ao tích tụ nhiều vật chất hữu cơ nên trước khi thả cá đợt nuôi tiếp theo cần phải xử lý đáy. Nên trồng rong biển luân phiên giữa các vụ nuôi cá.

- Cải tạo đáy ao bằng chế phẩm sinh học:

+ Dùng chế phẩm sinh học phân hủy nhanh các chất hữu cơ tồn đọng và các xác động vật chết ở đáy ao... hạn chế các vi sinh vật gây bệnh.

Diệt tạp và gây màu:

+ Nước lấy vào được lọc qua lưới mịn để ngăn sinh vật tạp vào ao.

+ Diệt tạp: Dùng Saponin 10-15 kg/1000m3 nước.

+ Gây màu: Bón phân hữu cơ: Phân chuồng 2 tấn/ha. Phân vô cơ: URê (46 -  0- 0) 25kg/ha

* Chọn và thả giống: Chọn cá khoẻ mạnh, không dị hình, dị tật,  không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn. Mật độ thả: 0,5- 1 con/m2. Cỡ cá giống đưa vào nuôi thương phẩm từ 100- 150g/con là phù hợp. Cá hương sau khi xuất bể nên ương trong các ao nhỏ cho đến khi đạt kích thước trên thì chuyển sang ao nuôi thương phẩm.

* Thức ăn: Là cá tạp còn tươi rửa sạch, băm nhỏ (vừa với kích cỡ miệng) rồi cho ăn trực tiếp. Ngày cho ăn 2- 3 lần vào sáng, trưa và chiều. Lượng thức ăn 10% trọng lượng thân trong 2 tháng đầu và giảm dần các tháng sau là 5% trọng lượng thân.

Ngoài ra để tăng sức đề kháng cần bổ sung thêm: Vitamin 1,5%, dầu mực 4%, khoáng 0.5%, đậu nành 3%.

* Quản lý: Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày từ đó điều chỉnh, tránh để dư thừa thức ăn làm hỏng chất lượng nước ao nuôi. Duy trì độ sâu của nước trong ao thường xuyên ở mức từ 1- 1.5m.  Luân chuyển nước trong ao hoặc quay vòng nước qua hệ thống ao trồng rong biển để tăng Oxy và giảm thiểu mức độ ô nhiễm.

- Thay nước mới theo định kỳ (1 tháng/lần), mỗi lần thay không quá 30%.

- Quan sát, đo các chỉ tiêu hóa lý theo định kỳ.

- Kiểm tra dịch bệnh và tình trạng sức khỏe của cá theo định kỳ.

- Bổ sung chế phẩm sinh học định kỳ sau những trận mưa kéo dài.

* Phòng bệnh: Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp:

+  Cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật.

+ Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tốc độ phát triển của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế thức ăn dư thừa gây ô nhiễm  môi trường nước, là điều kiện thuận lợi cho một số vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng gây bệnh cho cá.

+ Không cho ăn các loại thức ăn đã ươn thối, đã lên mốc.

+ Thường xuyên thay nước ao nuôi theo chế độ thuỷ triều, tạo môi trường trong sạch và tăng oxy hoà tan cho cá. Vào những tháng nhiệt độ giảm thấp thì lượng nước trong ao luôn giữ ở mức > 1,2m nước.

 + Bón vôi: Định kỳ 10 ngày và sau khi mưa bón 2kg vôi/100m2 ao để tăng pH và diệt khuẩn phòng bệnh cho cá.

* Thu hoạch:

Sau thời gian nuôi 10 - 12 tháng, cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu tỉa hoặc thu tổng thể tùy theo khả năng tiêu thụ và yêu cầu của người tiêu dùng.

Lệ Hằng (Trung tâm KN)

Tin mới