Để sản xuất ngô đông an toàn, hiệu quả

(Baonghean) - Sản xuất ngô nói riêng và cây trồng khác nói chung trong vụ đông ở Nghệ An hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để sản xuất an toàn, hiệu quả, đồng thời đáp ứng mục tiêu trên 1 triệu tấn lương thực/năm, nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội, thì sản xuất ngô đông là cần thiết. Tuy nhiên, để sản xuất an toàn, có hiệu quả kinh tế chúng ta cần có cách nhìn thực tế hơn trong điều kiện hiện tại.

Ngay sau một thời gian ngắn phát triển cây trồng vụ đông, đặc biệt là mở rộng diện tích ngô. Trong đó có có ngô trên đất 2 lúa, năm 2006 chúng ta mở rộng diện tích ngô đông đã đạt tới 39.420 ha, vụ đông năm 2007 còn 30.876 ha,... và giảm dần cho đến vụ đông 2012 còn 25.457 ha. Nguyên nhân, ai trong chúng ta đều rõ, sản xuất ngô đông luôn gặp rủi ro do mưa bão, lũ lụt.

Tìm hiểu thực tế diễn biến thời tiết, đặc biệt là lượng mưa, cường độ mưa liên tục trong nhiều năm (từ 1998 đến nay) cho thấy: Mưa bão xẩy ra chủ yếu tập trung vào các tháng 8, 9,10 và lượng mưa cả năm cũng tập trung vào thời điểm này. Trong đó: Lượng mưa chủ yếu tập trung vào các tháng 8, 9, cá biệt một số năm lượng mưa lớn xẩy ra trong đầu tháng 10.

Thực tế chỉ ra rằng, nếu lượng mưa tập trung vào tháng 8, thì các tháng 9, 10 của năm đó mưa sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến diện tích, năng suất ngô (tùy thuộc vào tổng lượng mưa của tháng). Ngược lại, nếu lượng mưa trong tháng 8 ít, thì tất yếu mưa lớn tập trung sẽ diễn ra trong tháng 9, 10 và diễn biến tất yếu nếu tháng 8, 9 chưa xẩy ra mưa lớn thì mưa lớn sẽ diễn ra trong tháng 10. Đây là quy luật phổ biến của thực tiễn ở Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ nói chung. Hiện nay, cơ cấu thời vụ ngô đông vẫn phổ biến từ 20/8 – 10/9. Trong điều kiện thời tiết vụ đông như trên, rủi ro trong sản xuất ngô đông là điều không thể tránh khỏi.

Chăm sóc ngô vụ đông ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa.

Trong thực tế sản xuất ngô đông chủ yếu trên các chân đất cát ven biển, sau thu hoạch vừng và một số cây trồng hè thu khác, trên đất 2 lúa sau thu hoạch lúa hè thu, trên đất bãi ven sông và một số trên đất đồi vệ.  Trở lại với vụ đông 2012 mới đây, kết quả cho thấy trên nhiều vùng đất bãi ven sông diện tích ngô đông xuân (gieo sau khi kết thúc mùa mưa bão thường vào nửa sau trung tuần tháng 10 hằng năm) cho năng suất cao, ổn định.

Hơn nữa, do mùa mưa năm 2012 đến sớm, kết thúc trước 10/9 nên nhiều diện tích ngô gieo trồng sau thời điểm này trên đất 2 lúa (Diễn Châu), trên đất cát ven biển (Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu) cho năng suất cao và cao hơn vụ đông 2011 rất nhiều. Như vậy, thời vụ ngô cần căn cứ vào thực tế diễn biến của thời tiết để bố trí gieo trồng phù hợp.

Tuy nhiên, không thể gieo trồng muộn quá, tránh hiện tượng ngô trổ gặp nhiệt độ thấp xẩy ra thụ tinh, thụ phấn kém, kết hạt kém làm giảm năng suất hạt. Đặc biệt, nhiều diện tích nếu bố trí thời vụ muộn ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu cây trồng trong vụ đông xuân (lúa, lạc). Hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã có 2 nhà máy sữa với quy mô nuôi bò sữa rất lớn và nhu cầu thức ăn thô xanh cũng như sản phẩm ủ chua chế biến từ thức ăn thô xanh là rất lớn (thậm chí Công ty sữa TH còn phải nhập cả nguyên liệu cỏ cho bò sữa) sẽ mở ra hướng mới trong sản xuất ngô thu non để phục vụ chế biến cho chăn nuôi bò sữa.

Mô hình trồng, bán ngô non cho Công ty sữa TH đã được một số xã ở Diễn Châu thực hiện trong năm 2011 và có hiệu quả kinh tế. Từ thực tế trên, các địa phương cần phối hợp liên kết ký hợp đồng với Công ty sữa Vinamilk, sữa TH để quy hoạch thêm vùng sản xuất ngô cho bò sữa hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người sản xuất lẫn nhà máy.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vụ đông hiện nay nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững tất yếu phải có nghiên cứu cụ thể thực hiện chuyển dịch thời vụ mới có thể đạt kết quả tốt trong điều kiện hiện nay. Đã đến lúc không thể cứng nhắc trong một khung thời vụ để việc hô hào chuyển đổi cây trồng suông...

ThS Phan Duy Hải

Tin mới