Chuyển đổi ruộng đất, mở hướng sản xuất mới

(Baonghean) - Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu)  là xã miền núi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn nhưng lại phân bố bậc thang và không đồng đều. Thực hiện Chỉ thị 08 CT/TU của Tỉnh ủy Nghệ An về vận động nhân dân chuyển đổi, tích tụ ruộng đất,  Quỳnh Thắng đã tích cực chuyển đổi ruộng đất thành công và phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Thôn 6 - Tiến Thành - Quỳnh Thắng có 93 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thôn gần 10ha, nhưng chủ yếu là đồng đất bậc thang và vùng đất ven đồi. Trước đây, khi chưa thực hiện chuyển đổi đất, mỗi hộ có khoảng 4 đến 6 mảnh ruộng manh mún, canh tác không hiệu quả. Chính vì vậy ngay khi có chủ trương của Đảng bộ xã về thực hiện chuyển đổi ruộng đất, 100 % hộ dân trong thôn đều đồng tình nhất trí. Đến nay, sau khi hoàn thành việc chuyển đổi, ruộng của mỗi hộ đã được quy về 1 hoặc 2 vùng. Những hộ muốn chuyên canh cây nguyên liệu và cây hoa màu thì được ưu tiên nhận đất thuộc vùng cao cưỡng, ven đồi. Chính vì vậy bà con đã tích cực thâm canh nên sản lượng lương thực và cây nguyên liệu như mía, dứa, sắn cũng đạt cao hơn những năm trước.

Ông Nguyễn Đức Thảo, thôn 6- Tiến Thành xã Quỳnh Thắng, cho hay: Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lần thứ hai,  bây giờ gia đình tôi chỉ còn 2 thửa đất .Sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều, việc chăm sóc cũng như tưới tiêu chủ động hơn, tiết kiệm được thời gian đi lại,  đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng cũng thuận tiện hơn.

Chuyển đổi ruộng đất tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp

ở Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu).

Xã miền núi Quỳnh Thắng có 24 xóm, bản với tổng diện tích đất nông nghiệp là 1.097ha, trong đó có khoảng 70% diện tích đồng ruộng bậc thang, rất khó khăn cho việc chuyển đổi. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện thành công Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động nhân dân tích tụ, chuyển đổi ruộng đất, Đảng ủy, chính quyền xã Quỳnh Thắng đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, tiến hành tổ chức họp dân, quán triệt các nội dung đến nhân dân. Sau khi được nhân dân đồng tình ủng hộ, ban chỉ đạo tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, đắp bờ mương và tổ chức cho các hộ dân bốc thăm ruộng một cách công khai, dân chủ.

Trước khi chuyển đổi đất lần hai, toàn xã Quỳnh Thắng có 6.887 thửa (thửa nhỏ nhất có diện tích 100 m2; thửa lớn nhất có diện tích 1.500m2). Đến nay, sau khi hoàn thành chuyển đổi đất lần hai, có 1.500 hộ tham gia chuyển đổi đất. Đồng ruộng được cải tạo, tích tụ lại còn 2.595 thửa. Trong đó diện tích thửa nhỏ nhất 250m2, còn thửa lớn nhất có diện tích 3.500m2. Trong đợt chuyển đổi này, toàn xã Quỳnh Thắng cũng đã tiến hành đào, đắp được 35km bờ vùng, bờ thửa và kênh mương nội đồng.

Sau chuyển đổi những hộ có ruộng đã chủ động được nguồn nước, tăng cường thâm canh cây lúa. Còn một số diện tích vùng cao cưỡng thì nhân dân đã linh hoạt chuyển đổi sang trồng cây hoa màu như bí đao, dưa chuột, dưa hấu, hay cây nguyên liệu như sắn, dứa, chè… Từ đó đã khắc phục được tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp như những năm trước đây, thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện.

 Đánh giá về những hiệu quả bước đầu sau chuyển đổi đất ở địa phương, Ông Bùi Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng, cho biết: “Thực hiện chuyển đổi đất, dồn điền đổi thửa là một chủ trương đúng đắn, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Thắng rất đồng tình ủng hộ. Trong thời gian qua việc chuyển đổi đất ở Quỳnh Thắng đã đạt được những kết quả khả quan. Hiệu quả trên một  đơn vị diện tích được tăng lên, từ đó tăng thu nhập cho bà con, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Quỳnh Thắng đã xây dựng được 1 cánh đồng màu rộng 60 ha chuyên canh trồng bí đao, một cánh đồng mẫu lớn rộng 100 ha chuyên canh cây nguyên liệu mía. Ngoài ra, toàn xã đã chuyển được 265 ha đất nông nghiệp về một mối, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên người dân đã tăng cường thâm canh 2 vụ lúa và 1 vụ đông trồng các loại cây như ngô, khoai, lạc..”

Tính đến thời điểm này,  Quỳnh Lưu đã có 6 xã hoàn thành chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, gồm Quỳnh Diễn, Ngọc Sơn, Tân Sơn, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch và Quỳnh Thắng. Hiệu quả sau chuyển đổi đất ở các địa phương đã xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng chuyên canh, tạo điều kiện giúp người nông dân đưa cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bài, ảnh: Như Thủy (Đài Quỳnh Lưu)

Tin mới