Làm giàu từ cây nhân trần dược liệu

(Baonghean) - Giữa vùng đất khô cằn ở xã miền núi Tiến Thành - huyện Yên Thành, có một loại cây trồng chống chọi được với điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt. Đó là cây nhân trần. Nhưng ít ai ngờ rằng, hoa của loài cây thảo dược này đã góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Là xã miền núi xa trung tâm, sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Do vậy, trước đây đời sống của bà con vô cùng khó khăn, mỗi năm chỉ thâm canh một vụ lúa chiêm xuân, những vụ sản xuất khác được, thua nhờ trời, vì vậy diện tích đất canh tác trong sản xuất hè thu thường khó khăn do thiếu nguồn nước. Một số lao động chính ở địa phương đã phải ly hương làm thuê kiếm sống. Thế nhưng, mấy năm lại nay, chính quyền địa phương và bà con nông dân nơi đây đã có nhiều trăn trở, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Đặc biệt, trong vụ sản xuất hè thu, đồng ruộng nơi đây đã khoác lên mình một màu xanh mới. Vào dịp Rằm tháng Bảy, từ vườn nhà ra vườn đồng đều bạt ngàn màu tím của hoa nhân trần nở rộ. Sau Rằm khoảng 15 ngày, là thời điểm nông dân thu hoạch đại trà, cả làng nhộn nhịp thu hái, mùi thơm của loài hoa này đã làm vơi đi nỗi vất vả nhọc nhằn của bà con. Bà Chu Thị Hường - xóm Yên Viên phấn khởi: "Nhà chỉ có 2 lao động chính nhưng năm nào cũng làm 5 sào cây nhân trần, năng suất bình quân đạt 2 tạ/sào, cho thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/sào.

Theo các y thư cổ và nghiên cứu y học hiện đại: Hoa nhân trần dùng nấu nước để uống có tác dụng làm tăng bài tiết, bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt và tăng sức đề kháng cho cơ thể con người.

Ban đầu, loại cây thuốc nam này chỉ mọc ở các triền đồi, một số hộ dân thường hay lượm hái  đem bán cho các nhà thuốc đông y để kiếm thêm thu nhập. Nhận thấy cây nhân trần có giá trị kinh tế, lại rất dễ tiêu thụ, từ đó nhiều người đã lấy hạt về gieo trồng trong vườn nhà, rồi đưa ra vườn đồng, hàng vụ, thu hoạch đến đâu đều được tư thương thu mua ngay tại nhà. Tuy là cây dễ trồng, mức đầu tư ít, thời gian sinh trưởng chỉ trong vòng 3 tháng, nhưng khó khăn nhất là khâu tạo giống, để tìm ra bí quyết gieo ươm cho hạt giống nảy mầm và phát triển, là cả quá trình lao động sáng tạo của bà con nông dân.

Ông Bùi Trọng Phi - xóm Cửa Thờ xã Tiến Thành cho biết: Sau mỗi vụ thu hoạch, hạt được tách ra và được phơi khô cất kỹ. Hàng năm, đến khoảng trung tuần tháng 4 âm lịch mới đem ra gieo, nhưng điều quan trọng nhất là phải tìm mọi biện pháp để ngăn ngừa các loài Kiến đất ăn hạt giống. Khi hạt đã nẩy mầm và cây non phát triển khoảng 5 - 7cm, mới làm nền đất tơi xốp rồi lấy nước vào chân ruộng cho đủ độ ẩm, sau đó mới cấy cây non. Mức đầu tư cho mỗi sào chỉ cần một ít phân chuồng hoai mục và 5 kg phân bón tổng hợp NPK.  

Bà Chu Thị Hường - xóm Yên Viên xã Tiến Thành (Yên Thành) 

thu hoạch cây nhân trần.

Mặc dù đầu vụ hè thu năm nay, trong điều kiện thời tiết hạn nặng, gần 1/2 diện tích ở Tiến Thành thiếu nguồn nước để gieo cấy lúa, một số diện tích phải chuyển đổi sang trồng cây màu, trong đó có 30 ha trên vùng đất cao cưỡng được thâm canh bằng cây nhân trần dược liệu hàng hoá. Bằng kinh nghiệm đúc kết từ nhiều năm, xã đã tập trung chỉ đạo và vận động bà con  ở 9 xóm đưa cây nhân trần vào thâm canh đại trà trên những chân ruộng khô hạn, hộ trồng ít cũng có từ 1 đến 2 sào, hộ có nhân lực thì đầu tư thâm canh 5 đến 6 sào. Xóm có nhiều diện tích thâm canh là Yên Viên, Cửa Thờ, Nhân Tiến, xóm 6A; 6B, trong đó hộ ông Hà Danh Trí - xóm Cửa Thờ, đã đầu tư mở rộng diện tích lên tới 1 ha. 

Ông Tăng Ngọc Quý - Bí thư Chi bộ xóm Yên Viên cho biết: Xóm có 150 hộ dân, nhưng vụ hè thu này có tới 2/3 hộ trồng cây nhân trần, sau khi thu hoạch cũng được 2 tạ phơi khô. Với giá bán hiện tại từ 25 – 30 ngàn đồng/kg, thì mỗi sào cũng cho thu nhập xấp xỉ 6 triệu đồng, nếu để đến thời điểm cuối năm thì giá còn cao hơn. Trong xóm có gia đình ông Trần Đình Kế đứng ra làm cơ sở thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Riêng 3 tháng đầu năm nay, đã bao tiêu được hơn 10 tấn nhân trần khô, với giá từ 50 - 70 ngàn đồng/kg.

Nhờ thu nhập từ cây nhân trần, hàng trăm hộ dân ở đây đã vươn lên thoát nghèo, giải quyết được việc làm cho lao động dư thừa. Hầu hết các gia đình đã có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học, cơ sở hạ tầng nông thôn được bà con đóng góp xây dựng ngày càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Hữu Đại - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Tuy là xã vùng cao luôn khó khăn về nguồn nước sản xuất, đặc biệt là vụ hè thu, nhưng nhờ biết chọn đưa những giống cây phù hợp vào thâm canh, nhất là cây nhân trần, nên những vùng đất khô hạn không còn bị bỏ hoang như trước. Dự kiến, sắp tới xã sẽ quy hoạch vùng sản xuất tập trung và tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con.   

Với nhu cầu cuộc sống của xã hội ngày càng cao, thì cây nhân trần ở xã Tiến Thành đang là người bạn đồng hành với bà con nông dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đó chính là thành quả khẳng định sự nỗ lực phấn đấu vươn lên và sáng tạo trong lao động sản xuất của nông dân ở vùng quê nghèo khó, làm cho đất cằn ngày càng nở hoa.

Thái Dương (Đài Yên Thành)

Tin mới