Những mô hình kinh tế ở Cẩm Sơn

(Baonghean) - Ở xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, nhiều cán bộ, Đảng viên, thôn, xóm là những người đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Sự hăng say, cần cù và gương mẫu của họ đang trở thành động lực chính để người dân phát triển kinh tế.
Chúng tôi đến xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn trong cái rét đầu đông. Dọc đường vào xã, nhìn những bãi ngô xanh ngắt, những dàn bí, dàn bầu, những thửa ruộng trồng rau vụ đông khiến ai cũng cảm thấy mát mắt và cảm nhận về một vùng đất ấm no, trù phú. Được anh Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế dẫn qua những đồi chè đang vào mùa thu hoạch của bà con người Thái  ở bản Nhân Tài, chúng tôi được gặp anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Cẩm Lợi. Quần xắn ngang gối, anh Nam đi băng băng giữa hai luống đất trồng bầu đặc ruột và bí đao. Anh Nam năm nay 38 tuổi, vợ đau ốm liên miên, 2 con đang tuổi ăn học.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng anh vẫn hăng say làm công tác đoàn ở thôn xóm, rồi được người dân tin tưởng bầu làm cán bộ Hội Nông dân thôn Cẩm Lợi và được đứng vào hàng ngũ của Đảng cách đây hơn 1 năm. Khi xã có chủ trương chuyển đổi ruộng đất, anh Nam mạnh dạn xin đi học tập mô hình ở huyện Quỳnh Lưu và các xã lân cận. Với kiến thức tích lũy được, anh Nam mạnh dạn làm đơn xin ban cán sự thôn và xã Cẩm Sơn được thí điểm mô hình trồng bí đao trên đất hai lúa, trực tiếp nhận vùng đất vệ ở ven lèn đá mà lâu nay người dân trong thôn vẫn trồng ngô và trồng lúa nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Mô hình trồng bí đao năng suất cao của anh Nguyễn Văn Nam (trái).
Mô hình trồng bí đao năng suất cao của anh Nguyễn Văn Nam (trái).
Đầu năm 2013, anh Nam mượn người vào khai khẩn lại ruộng, đắp luống cao và gieo bí theo đúng quy trình của cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn. Đến nay, sau hơn 3 tháng, những dàn bí của anh đã cho lứa quả đầu tiên. Xe ô tô của thương lái vào tận ruộng, mua bí của anh với giá 7 ngàn đồng/kg. Mùa bí đầu tiên thu hoạch được hơn 7 triệu đồng, anh phấn khởi, tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi ruộng đất lâu nay vẫn trồng ngô, lúa để chuyển sang trồng bí. Vụ đông năm nay, anh Nam trồng 2 sào bí, đã cho thu hoạch 15 triệu đồng ở lứa thu hoạch thứ nhất. Theo cách nhẩm tính của anh, với giá bí thấp nhất khoảng 5 - 7 ngàn đồng/kg, 2 sào bí của anh cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Có những thời điểm giá bí cao đến 15 - 17 ngàn đồng/kg, giá trị của vườn bí còn cao gấp nhiều lần. Khi thấy anh Nam trồng bí mang lại hiệu quả cao, nhiều người dân ở thôn Cẩm Lợi đã tìm hiểu làm theo và đang thu được những kết quả khả quan. Vườn bí đỏ của bác Trần Hữu Tân cho thu nhập ổn định với giá 7 triệu đồng/tạ, ngoài ra hằng ngày gia đình bác Tân còn có thêm 60 - 100 ngàn đồng tiền bán ngọn bí, hoa bí,… Anh Nam cho biết, trong năm tới, hầu như cả xóm Cẩm Lợi sẽ chuyển đổi đất lúa, ngô, mía sang trồng các loại cây có hiệu quả cao như bí đao, bí đỏ, măng tây,…  
Chị Nguyễn Thị Thơ (thôn Hạ Du) chăm sóc bắp cải vụ xuân.
Chị Nguyễn Thị Thơ (thôn Hạ Du) chăm sóc bắp cải vụ xuân.
Ở cạnh thôn Cẩm Lợi, anh Lô Văn Thủy - Bí thư Chi bộ bản Nhân Tài cũng là người tiên phong trong việc xây dựng mô hình trồng chè trên đất đồi và trồng bí trên đất lúa. Thấy anh Thủy thành công với mô hình, bà con trong bản cũng mạnh dạn trồng chè cành, trồng bí. Hiện nay, Nhân Tài đang trở thành bản điển hình về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Ở xã Cẩm Sơn, nhiều người biết đến chị Cao Thị Mai - Bí thư Chi bộ thôn Hạ Du là một người năng động, chịu thương, chịu khó và luôn đi đầu trong việc tìm mô hình phát triển kinh tế để bà con trong thôn làm theo. Từng là cán bộ chuyên trách dân số kiêm cán bộ chi hội phụ nữ thôn, khi nhìn thấy đồng ruộng của thôn mình ngày càng kém hiệu quả so với các vùng khác có khí hậu và thổ nhưỡng giống nhau, chị Mai đã trăn trở tìm hướng đi. Cách đây hơn 3 năm, chị bàn với chồng nhận thầu vùng Thung Bừng, một vùng đất hoang sơ, một bên là lèn đá, một bên là ruộng sâu để trồng ngô và bí đao.
Toàn bộ vùng Thung Bừng và diện tích đất bãi được vợ chồng chị phân vùng, quy hoạch lại, chỉ trồng ngô và bí đao. Diện tích ngô được trồng ở đất bãi, chỉ phục vụ chăn nuôi lợn, toàn bộ 0,8 ha đất trong thung được chị dùng để trồng bí. Kết quả thu được ngoài sự mong đợi của chị và gia đình. Năm đầu tiên, chị Mai thu được 120 triệu đồng tiền bí, hơn 120 triệu đồng từ việc chăn nuôi lợn… Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình trồng bí kết hợp với ngô và chăn nuôi của chị Mai, hiện nay, trong thôn Hạ Du đã có 8 hộ làm theo như vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhường trồng bí, ngô và nuôi gà; Lê Văn Nhân, Cao Xuân Kiều, Nguyễn Sỹ Hào, Trần Văn Đông, Nguyễn Thị Thủy kết hợp trồng bí trên đất hai lúa với trồng ngô trên đất bãi và chăn nuôi lợn thịt…
Sau hơn nửa ngày đi thăm các cánh đồng ngô, rau màu, bí đao và chè hiệu quả cao ở xã Cẩm Sơn, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã cung cấp một danh sách dài những đảng viên trên địa bàn xã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế của xã. Anh Thắng tâm sự, đây là những đảng viên tiêu biểu trong các phong trào phát triển kinh tế ở xã Cẩm Sơn. Chính sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của họ mà bà con ở 11 thôn xóm trong xã có được những mô hình hiệu quả để học tập, tạo nên một không khí thi đua sản xuất sôi nổi. Đặc biệt, các mô hình điểm trong xã Cẩm Sơn không bị rập khuôn, máy móc bởi địa bàn xã rộng, vừa có địa hình đồng bãi vừa có vùng vệ và có cả vùng thung lũng dưới chân các lèn đá. “Ở 11 thôn trong xã Cẩm Sơn đều có các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Vui hơn là Cẩm Sơn không còn quá lo lắng đến chuyện mô hình kinh tế, cũng không quá lo lắng đến đầu ra bởi các thị trường hàng nông sản của xã không phụ thuộc vào các chợ đầu mối trong tỉnh mà đã được các thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh phía Bắc khác bao tiêu”, anh Thắng phấn khởi.
Chia tay xã Cẩm Sơn trong cơn mưa lất phất và cái rét đầu đông, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi lời tâm sự của chị Cao Thị Mai: “Vùng quê mình trù phú, người dân siêng năng cần cù. Nông dân chúng tôi luôn quan niệm rằng, học tập và làm theo gương Bác không phải dừng lại ở những khẩu hiệu, những lời nói khuôn sáo mà phải làm cho hiệu quả, phải vươn lên trên đồng đất của chính cha ông mình. Nếu đảng viên làm đúng, làm tốt và làm hiệu quả thì không có lí do gì mà bà con không làm theo”.
Nguyên Khoa

Tin mới