Thận trọng khi mua giống quýt PQ1

(Baonghean) - Ngày 17/10/2013, Cục Trồng trọt đã có Quyết định 480/QĐ-TT-CCN công nhận chính thức giống quýt PQ1 cho sản xuất tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, giống quýt PQ1 đang bị xâm hại bản quyền, do thấy được lợi nhuận từ giống quýt này, nhiều người dân Thị xã Thái Hòa đã tự lai ghép và ồ ạt bán giống cây ra ngoài gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.
Giống quýt PQ1 được Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ thu thập và tuyển chọn từ những năm 1992 có nguồn gốc tại huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận theo Quyết định số 3326/QĐ-BBN-TT ngày 29/10/2007 và cho phép sản xuất thử tại vùng Bắc Trung bộ. Điểm sản xuất thử gồm Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, Công ty TNHH-MTV nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp), tại xã Đồng Phúc (huyện Hương Khê - Hà Tĩnh), phường An Đông (Thị xã Quảng Trị - tỉnh Quảng Trị). Bà Võ Thị Tuyết - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ cho biết: Ban đầu diện tích khảo nghiệm là 0,5 ha: tại vườn tập đoạn của Trung tâm là 0,3 ha, tại Thanh Nho –Thanh Chương 0,2 ha thời gian từ 1992 đến 2001. Sau đó tiếp tục quy trình nhân giống và quy trình thâm canh giống PQ1 với các loại cây gốc ghép như gốc Trắp ở Thái Bình, gốc bưởi chua, gốc cam đắng với diện tích 6 ha được triển khai tại 3 tỉnh, 4 điểm trong thời gian từ 2006 - 2012. Điểm sản xuất thử gồm: Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, Công ty TNHH-MTV nông nghiệp Xuân Thành, tại xã Đồng Phúc, phường An Đông. 
Giống quýt PQ1 cho hiệu quả cao ở Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp).
Giống quýt PQ1 cho hiệu quả cao ở Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp).
Quá trình nghiên cứu và chọn tạo trong thời gian qua cho thấy, giống quýt PQ1 rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ. Hiện nay giống quýt PQ1 được trồng với diện tích nhiều tại Công ty TNHH - MTV nông nghiệp Xuân Thành. Tổng diện tích đạt gần 100 ha, bình quân đạt năng suất 25 tấn/ha, có nhiều hộ thu nhập cao từ quýt PQ1, như: hộ Lê Viết Minh  trồng 2 ha quýt PQ1 năng suất 25 tấn/ha, bán với giá 20.000 đ/kg, tổng doanh thu 1 tỷ đồng; ông Tiếp Mỹ ở Đội 3, trồng 1 ha quýt đạt doanh thu trên 600 triệu đồng. 
Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều hộ dân vì lợi nhuận đã ghép “nhái” giống quýt PQ1 bán ra thị trường. Tại khối Thí Nghiệm, phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hòa có khá nhiều vườn ươm tự do của các hộ dân, 2 bên đường nhiều người dân mời chào mua cây giống. Trong vai một người mua cây giống, chúng tôi đã thâm nhập được vào vườn ươm của bà Trần Thị M. Khu vườn ươm này đủ các loại cây giống, từ bưởi, cam, quýt đến keo lai, lát, tràm… Khi tôi hỏi cần mua cây giống quýt PQ1, bà M nói: “Nếu anh mua với số lượng nhiều thì được “khuyến mãi” giá từ 30.000 đ/cây xuống còn 25.000 đ/cây. Hiện tại trong vườn của tôi đang còn khoảng trên 3000 cây giống”.
Tôi hỏi: Nghe nói giống quýt PQ1 ở Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ sản xuất tốt hơn, bà M giải thích: “Mua ở đây giá rẻ hơn mà chất lượng thì cũng như của Trung tâm vì công nghệ lai tạo cũng giống nhau cả”. Thời gian này chúng tôi thấy các cơ sở ươm bán cây giống ở Thị xã Thái Hòa, đặc biệt là quýt giống bán rất chạy, có khi “cháy” hàng do sang xuân tiết trời thuận lợi nên nhiều người mua trồng. Ông Lê Đình Nguyên - một người dân ở xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) đang mua giống quýt ở một cơ sở thuộc khối Thí Nghiệm, cho hay: “Tôi đang tính mua trồng thử khoảng trên 200 gốc quýt, nếu đạt hiệu quả thì tôi sẽ trồng 2 - 3 ha”. Khi tôi hỏi về nguồn gốc cây giống thì ông tỏ ra lúng túng: “Họ bán thì mình mua thôi chứ chất lượng cây giống làm sao mà biết được”. Qua tìm hiểu được biết, nhiều người mua giống quýt nhưng họ lầm tưởng các cơ sở này là nơi ươm chính thức của giống quýt PQ1, họ đâu biết đang mua giống quýt ở thị trường trôi nổi tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bà Võ Thị Tuyết - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ cho biết thêm: “Trung tâm chúng tôi hiện nay rất khó giữ được bản quyền tác giả vì hiện nay người dân khắp nơi ồ ạt chiết ghép tạo giống quýt bán tràn lan khắp thị trường. Lai tạo giống lúa thì người ta khó có thể làm theo chứ chiết ghép tạo giống quýt không khó lắm nên rất khó để ngăn chặn. Hiện tại mỗi năm trung tâm chỉ sản xuất 1,3 vạn cây, trong khi số lượng người dân sản xuất bán ra lại nhiều hơn”. Theo bà Tuyết thì do hiệu quả từ trồng quýt mang lại nên hiện nay nhiều người dân chạy đua trồng quýt dẫn đến hiện tượng khan giống quýt nên không ít vườn cây chạy theo lợi nhuận, lai ghép những loại cây kém chất lượng. Cụ thể là mắt ghép tuyển chọn không chuẩn, gốc ghép không phù hợp với cây quýt, như sử dụng gốc bưởi chua ghép cho quýt. Khi trồng sẽ ảnh hưởng như cây chậm phát triển, nếu có quả chất lượng không đảm bảo. Điều quan trọng nhất là để trồng 1 ha quýt người dân phải đầu tư từ 70 - 80 triệu đồng, thời gian từ 3 - 4 năm cho thu hoạch. Nếu nhiều địa phương quy hoạch trồng quýt đại trà, trồng chuyên canh hàng hóa mà mua phải giống không rõ nguồn gốc thì hậu quả khôn lường, phải phá cây để trồng lại, thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. 
 Vấn đề đặt ra hiện nay là Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các ngành liên quan cần phải có giải pháp để ngăn chặn tình trạng chiết ghép lai tạo kinh doanh trái phép giả giống quýt PQ1 làm thiệt hại đến quyền lợi 
Bài, ảnh: Vương Trần

Tin mới