Phòng bệnh đốm trắng cho tôm nuôi

(Baonghean) - Tính đến ngày 10/5/2014, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn tỉnh là 32/900 ha tổng diện tích thả nuôi. Đặc biệt năm nay tác nhân gây bệnh do vi rút đốm trắng xuất hiện sớm và nhiều hơn so với mọi năm, chiếm 15 ha. Bệnh đốm trắng xuất hiện chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Phường Mai Hùng, Quỳnh Dị - Thị xã Hoàng Mai, xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh - huyện Quỳnh Lưu, xã Nghi Thái - huyện Nghi Lộc, Hưng Hòa - TP. Vinh. 
 
Để quản lý tốt các ao nuôi tôm, khống chế bệnh dịch và hạn chế lây lan trên diện rộng, bà con cần thực hiện một số biện pháp như sau:
1. Đối với diện tích chưa thả tôm giống:
- Cải tạo ao, đầm đúng quy trình kỹ thuật, phải có ao chứa lắng, xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm bằng clorine nồng độ 30 ppm (tức 30 gam/m3 nước).
- Không sử dụng các chất diệt tạp, hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường ao nuôi.
- Dùng lưới thiết lập hàng rào xung quanh bờ ao nhằm ngăn cản sự xâm nhập của các ký chủ trung gian (cua, cáy, còng…) mang virus đốm trắng vào trong hệ thống ao nuôi.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh tôm, diễn biến thời tiết và thông báo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Nuôi trồng thủy sản để có kế hoạch lấy nước, xử lý và thả nuôi phù hợp. 
- Sử dụng con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải được kiểm tra các chỉ tiêu virus đốm trắng, taura, vi khuẩn phát sáng... đạt yêu cầu mới được thả nuôi.
2. Đối với diện tích đã thả tôm giống:
- Theo dõi chặt chẽ và quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi như nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, H2S, NH3…. rải vôi ở xung quanh bờ ao trước và sau khi mưa để làm giảm độ đục, ổn định pH của ao nuôi. Duy trì độ kiềm từ 120mg/l trở lên bằng cách đánh CaCO3 hoặc Dolomite vào ban đêm từ 3 - 5 ngày/lần. Sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học (nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam) trong quá trình nuôi để làm giảm khí độc giúp tăng cường chất lượng nước trong ao nuôi.
- Ngoài chế độ cho ăn hợp lý và đảm bảo chất lượng cần thường xuyên bổ sung các loại Vitamin, khoáng,… nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.
- Tăng thời gian quạt nước và lắp thêm hệ thống sục khí đáy ao nuôi để tăng lượng oxy hòa tan trong ao nuôi.
- Định kỳ 7 – 10 ngày người nuôi nên dùng các thuốc diệt khuẩn có chứa hoạt chất của iIod với liều dùng từ 1 - 2 ppm tạt đều xuống ao nhằm ngăn chặn và làm mất khả năng cảm nhiễm của các vi thể virus tự do trong nước, đặc biệt khi các ao khác trong vùng nuôi xảy ra bệnh đốm trắng.
- Bổ sung, tu sửa lưới chắn xung quanh bờ ao nhằm ngăn cản sự xâm nhập của các ký chủ trung gian (cua, cáy, còng…) mang virus đốm trắng vào ao nuôi.
- Xua đuổi các loài chim ăn động vật thủy sản xuất hiện ở khu vực nuôi, vì chúng có thể mang mầm bệnh từ các ổ dịch xâm nhập vào vùng nuôi.
- Nhằm tránh lây lan mầm bệnh giữa các ao, tốt nhất dụng cụ sản xuất (lưới, vợt, thuyền…) cho các ao nuôi phải sử dụng riêng biệt. 
- Trong thời gian bệnh đang diễn biến phức tạp, hạn chế không lấy nước trực tiếp ở ngoài môi trường vào ao nuôi. Trong trường hợp phải lấy nước, yêu cầu lấy nước vào ao lắng và xử lý bằng Chlorine 30ppm (30g/m3), chạy quạt nước liên tục đến khi kiểm tra hết Chlorine mới bơm vào ao nuôi.
- Thường xuyên theo dõi tình hình bệnh trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa bệnh tốt nhất. 
3. Đối với các ao nuôi tôm bị bệnh:
- Khi tôm nuôi trong ao có biểu hiện bất bình thường, hoặc nghi tôm bị bệnh đốm trắng phải báo ngay với cán bộ thú y xã, UBND xã, HTX, tổ cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đốm trắng, phương án xử lý theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y.
- Tuyệt đối không xả nước trong ao nuôi bị bệnh mà chưa qua xử lý mầm bệnh ra ngoài môi trường.
- Không mang ra khỏi vùng có bệnh các loại thức ăn, dụng cụ, chất thải động vật thủy sản nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. 
- Để tiếp tục tái sản xuất ngoài việc cải tạo ao đầm tốt cần đảm bảo thời gian xử lý để tiêu diệt mầm bệnh tồn dư trong ao nuôi (tối thiểu 30 ngày).
Dũng Mạnh

Tin mới