Rau sạch ở đâu?

(Baonghean) - Rau an toàn (RAT) hay còn gọi là rau sạch, là sản phẩm rau tươi (bao gồm loại rau ăn, lá, thân, củ, quả) có hàm lượng các chất nguy hại hóa học, sinh học vật lý ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.
Nhu cầu về các loại rau xanh để ăn trong các bữa ăn hàng ngày của người dân rất lớn. Đặc biệt là dân thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… do không có đất tự trồng lấy rau để ăn nên họ rất phân vân và lo lắng, liệu trong mớ rau mua ở chợ về ăn có phun thuốc trừ sâu nhiều không ? Có bón nhiều phân đạm và phân chuồng tươi không ? Nước tưới cho rau có sạch không?… Người mua rau về ăn phân vân, lo lắng, còn người bán rau thì liên tục quảng cáo "Rau sạch đây, mua đi, mua đi". Mua ngoài chợ, bán ngoài chợ, hậu quả người ăn chịu, còn ở nông thôn thì phần lớn họ có đất vườn nhà rộng, gia đình nào cũng tự trồng lấy rau để ăn nên họ không lo lắng như người dân thành thị.
Rau an toàn, rau sạch và rau không an toàn, không sạch trên thị trường của chúng ta hiện nay chỉ có người trồng may chăng biết được!.
Hãy đi mà xem các vùng trồng RAT từ Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) lên Thị xã Thái Hòa về Thành phố Vinh có những 4 cơ sở gọi là trồng RAT hay rau sạch mà xem có an toàn không, có sạch không? Nhưng chắc chắn là an toàn cho người trồng. Một thực tế tại vùng chuyên canh rau, rau tiêu dùng hàng ngày của gia đình được trồng riêng, rau sản xuất để bán trồng riêng. Chỉ cần một thông tin như vậy cũng đủ để hiểu rau bán trên thị trường có an toàn hay là không! Chừng nào sản xuất RAT mà chưa có một tổ chức sản xuất được chuyên môn hóa, được đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt về sản xuất RAT, rau sạch, chừng đó người dân còn phải dùng rau… bẩn. Về phía nhà nước phải có một cơ chế chính sách khuyến khích người trồng RAT bằng các hình thức như: Trợ giá giống rau, hỗ trợ xây dựng cơ bản vùng sản xuất RAT (mương máng, nhà lưới, hệ thống máy phun tưới hoặc giếng nước khoan…).
Giao nhiệm vụ cho một số cơ quan chuyên môn như khuyến nông, bảo vệ thực vật, đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất RAT, rau sạch đúng quy trình. UBND các huyện, thành, thị cần dành riêng một diện tích nhất định xây dựng cửa hàng quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm cạnh tranh. Sản phẩm RAT, rau sạch phải được các cơ quan chuyên môn như Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Đo lường chất lượng, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ đạo, theo dõi, kiểm nghiệm chất lượng và cấp giấy chứng nhận là rau sạch mới được phép lưu thông tại các cửa hàng quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm rau sạch. Các loại RAT, rau sạch khi đã có giấy chứng nhận phải được đóng gói hoặc cho vào các túi nhỏ có ghi rõ nhãn mác ở ngoài bao bì, loại rau, địa chỉ nơi sản xuất, chất lượng đảm bảo để người tiêu dùng an tâm. Về phía người tiêu dùng cũng phải thông minh lựa chọn rau có địa chỉ uy tín, có nhãn mác để tẩy chay rau trôi nổi, ủng hộ rau sạch…
Thực tế, rau sạch cũng không hơn gì rau không an toàn, rau không sạch và hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu. Bất cập này đã đến lúc báo động khẩn. Đề nghị lãnh đạo tỉnh và các cơ quan thực hiện tốt như một số tỉnh, thành trong cả nước đang làm hiện nay về chương trình sản xuất RAT, rau sạch. Sản xuất RAT, rau sạch không thể tồn tại nếu không được tổ chức sản xuất, tiêu thụ đồng bộ.
Doãn Trí Tuệ

Tin mới