Trồng rau an toàn cho thu nhập cao ở Nghi Liên

(Baonghean) - Khi mới thành lập, mô hình sản xuất rau an toàn của Chi hội Phụ nữ xóm 2, xã Nghi Liên (TP. Vinh) chỉ có 17 hộ tham gia với diện tích gần 0,6 ha; đến nay, đã thu hút 39 hộ tham gia với tổng diện tích trên 3 ha. Mô hình trồng rau an toàn đã giúp nhiều hộ phụ nữ nghèo, gia đình chính sách có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu.
Mô hình rau an toàn của chị Nguyễn Thị Thanh Đồng ở xóm 2, xã Nghi Liên.
Mô hình rau an toàn của chị Nguyễn Thị Thanh Đồng ở xóm 2, xã Nghi Liên.
Về xóm 2 xã Nghi Liên,  thật mát mắt trước những luống rau xanh ngút ngát tăm tắp trong dãy nhà lưới. Đang thu hoạch những luống cải ngọt xanh mơn mởn, chị Nguyễn Thị Thanh Đồng cho biết: Đây là mô hình trồng rau sạch và an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau an toàn phải tuân thủ nhiều quy định, nhưng lại giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy hiệu quả kinh tế cao hơn, trung bình 1 sào trồng rau thu được vài chục triệu đồng một năm, lại đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.
Gia đình chị Đồng vốn thuộc diện hộ nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Năm 2012, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Nghi Liên kết hợp Chi Cục Quản lý nông - lâm thủy sản tỉnh triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị cùng với chị em trong xóm được tham gia lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm trồng rau an toàn và hiệu quả. Từ đó, chị quyết định chuyển 6 sào đất của gia đình từ trồng lúa sang chuyên canh trồng rau. Nhờ tuân thủ các quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư chăm sóc nên vườn rau của gia đình chị luôn xanh tốt, mang lại  thu nhập cao. 
Mô hình sản xuất rau an toàn ở xóm 2, xã Nghi Liên không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, điều quan trọng hơn là góp phần nâng cao nhận thức cho chị em trong nuôi trồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, mô hình rau sạch đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên, thời vụ cho chị em địa phương. Chị Phạm Thị Thảo, hội viên tiêu biểu của hội phụ nữ xóm 2 vượt khó vươn lên làm giàu từ mô hình trồng rau an toàn, cho biết: Trước đây, trồng rau theo truyền thống, thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết nên có lúc “trúng mùa”, có lúc lại “trắng tay”. Có những lúc sâu bệnh phá hại rau màu, mất mùa, nhìn rau quả quắt queo, thật xót xa. Bức bách, chị mua một số loại thuốc diệt côn trùng, kích thích rau, củ quả tăng trưởng không rõ nguồn gốc về phun tưới. Từ khi tham gia lớp học về mô hình trồng rau an toàn, chị hiểu ra những loại thuốc đó có hại cho sức khỏe, nghiêm trọng hơn, tồn dư của thuốc có thể để lại di chứng đối với thế hệ con cháu sau này. Từ đó, chị đã chuyển đổi sang mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, diện tích rau của chị cho năng suất cao và an toàn. Với thu nhập 10 triệu đồng/tháng, chị có điều kiện nuôi con, mua máy xay xát, sắm tiện nghi trong gia đình. Năm 2014, chị Thảo vinh dự được chọn là gương mặt của xóm 2 đi báo cáo điển hình Hội nông dân trồng mô hình rau an toàn. 
Hiện nay, Chi hội Phụ nữ xóm 2 đã thành lập câu lạc bộ “Giúp nhau phát triển kinh tế”, góp vốn xoay vòng, hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển những mô hình kinh tế thiết thực, hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Chị Nguyễn Thị Huệ, hội viên được vay vốn cho biết: Cách đây vài năm, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Có đất sản xuất, nhưng không có vốn và chưa am hiểu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên sản xuất thất bại. Hội phụ nữ xóm 2 đã tạo điều kiện cho vợ chồng chị vay vốn, đầu tư mô hình trồng rau an toàn hiệu quả. Đến nay, chị Huệ được biết đến là tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi.
Mô hình trồng rau sạch an toàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế xóm 2 Nghi Liên phát triển bền vững. Khi mới thành lập, mô hình này chỉ có 17 hộ tham gia với diện tích gần 0,6 ha. Nhưng đến nay, mô hình sản xuất rau an toàn của xóm đã thu hút được 39 hộ tham gia với tổng diện tích trên 3 ha. Một số hộ đã trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi và thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chi hội Phụ nữ xóm thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt câu lạc bộ theo chuyên đề, giúp chị em nắm bắt thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình, chi tiêu hợp lý, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Từ đó đến nay, xóm 2 luôn là đơn vị dẫn đầu xã về hoạt động phong trào văn hóa, thể thao, khuyến học. 
Chị Trương Thị Liên, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xóm 2 phấn khởi cho biết: "Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, mới đầu các hội viên chưa quen nên khi triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau vài vụ, thấy lợi ích việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ đã tự nguyện đăng ký tham gia. So với cây lúa, mô hình trồng rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, một số hộ đã năng động xây dựng “thương hiệu” riêng của mình. Đó là trồng thêm nhiều loại cây mới, quan tâm các hệ thống chiếu sáng, quan tâm việc tưới tiêu để có thể trồng các loại cây cho thu hoạch quanh năm, nhất là các loại rau trái vụ. Trong tiêu thụ, các hộ dân tự tìm đến khách hàng riêng và đảm bảo cho khách hàng về chất lượng cũng như độ tin cậy về sản phẩm. Nhờ đó, hiện có khoảng 10 hộ đã xây dựng thương hiệu, mỗi tháng cho thu nhập 4 triệu đồng/sào.
Chị Nguyễn Thị Bằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Nghi Liên, cho biết: Với sự nỗ lực không ngừng, Chi hội Phụ nữ xóm 2  trong nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu xã trong các phong trào hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Năm 2014, Chi hội Phụ nữ xóm 2 vinh dự được Hội LHPN TP. Vinh khen thưởng về thành tích trong hoạt động các phong trào phụ nữ và công tác vệ sinh môi trường nông thôn mới. 
Phạm Ngân

Tin mới