Hướng đi bền vững từ nghề nuôi ong

(Baonghean) - Xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) khá nổi tiếng bởi nghề nuôi ong lấy mật. Hiện toàn xã có hơn 70 hộ nuôi, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lít mật.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi có mặt tại nhà ông Vũ Văn Thán – một trong những “chủ ong” có tiếng của vùng đất Hưng Tân (Quỳnh Châu - Quỳnh lưu) là hàng chục thùng nuôi ong được đặt ngay ngắn trong vườn nhà. Năm 2014 vừa qua, gia đình ông đã bán ra thị trường gần 300 lít mật từ 40 đàn ong được nuôi.
Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, gia đình ông đã lấy được hơn 70 lít mật, bán với giá trung bình là 250 ngàn đồng/lít. Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi ong để đạt được hiệu quả cao, ông Thán nhiệt tình chia sẻ: “Nuôi ong không vất vả và vốn đầu tư cũng không nhiều, nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật và sự cẩn thận, chu đáo. Thường khi bán chuồng ong và tổ ong tôi phải đến tận nhà của người mua để hướng dẫn cách nuôi. Nếu nuôi ong theo lối “làm chơi” thì chẳng mấy chốc chúng kéo đàn bay đi hết chỉ còn trơ lại thùng không”. Qua nhiều năm đúc rút kinh nghiệm, số lượng đàn ong của gia đình ông không ngừng tăng lên với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Cùng với cây lúa, con ong đã giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, vươn lên thành hộ khá trong vùng.
Ông Vũ Văn Thán ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu)  lấy cầu mật từ thùng nuôi ong.
Ông Vũ Văn Thán ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) lấy cầu mật từ thùng nuôi ong.
Được biết, kể từ năm 2011, khi 40 hộ nuôi ong của Quỳnh Châu được đào tạo qua lớp tập huấn nuôi ong và cấp chứng chỉ thì phong trào nuôi ong ở đây đã phát triển mạnh. Trong lớp tập huấn đó mọi người vẫn thường nhắc đến ông Nguyễn Văn Hữu - người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề. Tìm về xóm Tuần An để gặp ông Hữu, ông vẫn đang miệt mài bên các thùng ong.
Ông chia sẻ: “Năm 1975 sau khi rời quân ngũ trở về quê, tôi tham gia vào nông trường Bãi Nghè, lúc đó Quỳnh Châu bạt ngàn rừng. Tôi cùng một số anh em nuôi hơn 20 tổ ong trong rừng để kiếm thêm thu nhập. Nhưng rồi nhận thấy nhu cầu mật ong ngày càng cao nên đã dần thuần hóa ong để đưa đàn về nuôi tại nhà. Kỹ thuật thuần hóa ong rừng đưa về nhà nuôi cũng không quá khó. Chỉ cần đợi đến mùa ong tách đàn vào tháng 2  đến tháng 3, mình đóng những chiếc thùng với chất gỗ lâu năm và ít mùi để vào những hốc cây, hốc đá kín gió, đàn ong sẽ tự tìm đến để sinh sống. Sau khi ong đã quen với tổ mới thì tiến hành di chuyển tổ ong về nhà vào ban đêm”. 
Ông Nguyễn Văn Hữu đang kiểm tra cầu mật của gia đình
Ông Nguyễn Văn Hữu đang kiểm tra cầu mật của gia đình
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi ong lâu năm, quá trình nuôi cần kiểm tra thường xuyên tình trạng sức khỏe của đàn để đảm bảo cho chúng phát triển và quyết định thời gian lấy mật phù hợp. Mật ong bán lúc nào cũng được giá bởi nhu cầu người mua rất lớn. Nuôi ong không cần nhiều vốn, chi phí để có thùng nuôi ong chỉ từ 400 - 500 ngàn đồng. Ban đầu có thể nuôi từ 2 đến 3 đàn, sau 1 năm, khi tích lũy được kinh nghiệm có thể nhân lên nhiều đàn. Hiện nay không riêng ở huyện Quỳnh Lưu mà nhiều người ở các vùng lân cận như Yên Thành, Nghĩa Đàn đang tích cực đầu tư nuôi ong và nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thanh Quỳnh
Kinh nghiệm chăm sóc đàn ong hiệu quả:
- Trong trường hợp nguồn thức ăn tại khu vực nuôi ong bị cạn kiệt, buộc chúng phải đi tìm vùng khác, cần bổ sung thêm thức ăn cho chúng bằng cách pha đường vào bát nước và đặt cạnh thùng trong vòng từ 2 đến 3 ngày thì thay bát khác. 
Còn nếu như lượng thức ăn dồi dào, đàn ong phát triển thì người nuôi cần tinh ý tách đàn, tránh trường hợp chúng chủ động san đàn bởi những con trưởng thành và khỏe mạnh sẽ bay đi hết chỉ còn lại những con non và yếu ở lại. Do đó, người nuôi ong cần phải tinh mắt để phát hiện ra những thay đổi trong đàn của chúng. 
- Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch do điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa rào khiến phấn hoa giảm, ong chúa sẽ ngừng đẻ nên đàn ong gần như ít tăng lên về số lượng. Vì vậy, cần rút bớt các cầu ong trong thùng để tránh các loại sâu ký sinh vào đó, bởi nếu có sâu dù chỉ một vài con thì ong cũng bỏ thùng đi nơi khác.

Tin mới