Anh Sơn: Vị ngọt từ ớt cay

(Baonghean) - Nhiều năm về trước, trên cánh đồng trồng hoa màu của bà con xóm 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn) chỉ trồng các loại cây chủ yếu như ngô, lạc, sắn... thì nay nhiều diện tích đất canh tác được chuyển đổi sang trồng cây ớt cay.
Thời điểm này, các hộ dân ở đây đang thu hoạch lứa ớt cay chín sớm của gia đình mình. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Quế vui vẻ cho biết: Đây là lứa ớt cay thứ 5 gia đình thu hoạch kể từ khi đưa vào trồng. Trước đây, trên diện tích 2 sào đất màu này trồng ngô, do hiệu quả thấp nên đã chuyển sang trồng cây ớt cay chỉ địa theo chủ trương của xã. Ban đầu, gia đình chị được Công ty cổ phẩn thực phẩm Nghệ An cho tạm ứng cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ phù hợp với chất đất, điều kiện khí hậu địa phương nên giống cây ớt cay này phát triển tốt, với 2 sào đất cho thu hoạch trên 2 tạ quả/lứa. Công ty đã về tận xóm để thu mua sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg… 
Chị Nguyễn Thị Quế thu hoạch ớt cay.
Chị Nguyễn Thị Quế thu hoạch ớt cay.
Không riêng gì chị Quế, nhiều hộ trồng ớt cay ở đây cũng không giấu nổi niềm vui khi nói về giá trị cây trồng mới mang lại. Gia đình chị Bùi Thị Minh cũng có 2 sào đất màu chuyển đổi từ trồng ngô, sắn trước đây qua trồng ớt cay. Mặc dù đây là vụ đầu tiên trồng, còn thiếu về kinh nghiệm cũng như kỹ thuật, nhưng riêng lứa đầu tiên cho thu hoạch đạt trên 4 tạ quả. Còn các lứa sau năng suất đều đạt trên 2 tạ. Đặc biệt, công ty nhận thu mua sản phẩm tại chân ruộng nên những hộ trồng ớt như gia đình chị cảm thấy rất yên tâm. 
Hiện xã Tường Sơn có 57 hộ dân ở xóm 4, tham gia mô hình trồng giống ớt cay chỉ địa với tổng diện tích là 3,7 ha. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã cho biết thêm, trước đây trên diện tích đất màu này người dân chủ yếu trồng lúa, ngô, khoai, sắn... nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Từ thực tế đó, nhằm mục đích tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cho bà con, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng giống ớt cay chỉ địa, triển khai thực hiện từ tháng 10/2014. Lúc đầu triển khai người dân cũng chưa thực sự tin tưởng và hưởng ứng. Nhưng sau vài lứa thu hoạch thì nay loại cây này đã khẳng định được giá trị kinh tế hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Ngoài ra, xã cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây ớt với kinh phí lên tới 58 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, địa phương đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt vào vụ trồng sau. 
Xã Hoa Sơn cũng là địa phương thí điểm trồng giống ớt cay chỉ địa với 36 hộ dân tham gia, tổng diện tích gần 4 ha. Hộ trồng ít cũng từ 2 - 3 sào, còn hộ trồng nhiều lên tới 5 sào như gia đình bà Nguyễn Thị Nam, ông Nùng Văn Đức... Kết quả cho thấy, cây ớt cho giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn so với các loại cây trồng khác trên cùng loại đất. Theo tính toán của người dân, trồng 1 vụ ớt cho thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/1 sào/1 vụ, trong khi 2 vụ ngô thu nhập chỉ đạt 3,5 triệu đồng. Dự kiến sắp tới, xã sẽ có định hướng nhân rộng mô hình ở các thôn lân cận. 
Ông Nguyễn Hồng Phi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, nhận thấy địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển trồng cây ớt, huyện đã tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại vùng trồng ớt Thanh Hóa, sau đó, triển khai mô hình trồng ớt cay xuất khẩu chỉ địa tại 2 xã Hoa Sơn và Tường Sơn, tổng diện tích trên 8 ha từ tháng 10/2014. Ban đầu, các hộ dân sẽ được Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An tập huấn kỹ thuật, cho ứng ứng giống, vật tư phân bón và nhận bao tiêu sản phẩm. Qua thời gian, nhận thấy giống ớt chỉ địa phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Từ hiệu quả đó, vụ tiếp theo huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con mở rộng diện tích trồng ớt ra nhiều vùng khác trên địa bàn huyện…
Văn Đăng

Tin mới