Gắn thủy lợi với chỉnh trang đô thị ở TP Vinh

(Baonghean) - Mặc dù giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm chưa tới 2% trong cơ cấu kinh tế, song trên diện tích đất nông nghiệp ít ỏi đó, người dân Thành phố Vinh vẫn cần cù canh tác, sản xuất, bảo vệ. Không những thế, hàng năm phong trào ra quân làm thủy lợi ở thành phố vẫn được tổ chức rất tốt, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân. 

Mỗi năm thành phố chọn một địa phương để phát động, năm thì Vinh Tân, năm lại Hưng Chính, năm nay là xã Hưng Đông… Các đợt phát động đều có sự tham gia của Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố, các phòng ban, đông đảo của các tầng lớp nhân dân thành phố, công ty hạ tầng đô thị,  nhất là các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… Kết quả thu được rất đáng kể. Ví như trong đợt phát động toàn dân ra quân làm thuỷ lợi năm 2011, toàn thành phố đã huy động được tới 9.000 người tham gia, đào  đắp, nạo vét kênh mương được hơn 83.000m3, thu gom rác thải được 244m3, kiên cố hóa được 12.000m kênh mương, thì năm 2013 toàn thành phố đã huy động được 44.565 người tham gia, đào đắp, nạo vét kênh mương được 44.966m3, thu gom xử lý rác thải 215m3, kiên cố hóa kênh mương hơn. Năm  2014, phong trào ra quân làm thủy lợi của thành phố đã  huy động được 23.110 người tham gia, khối lượng đất đào đắp nạo vét kênh mương: 19.870,4m3, phát quang, cắt cỏ, vớt rong bèo được 15.702m2, kiên cố hóa kênh mương: 4.127m… 
Nông dan Hưng Đông TP Vinh làm thủy lợi
Nông dan Hưng Đông TP Vinh làm thủy lợi. Ảnh: Phú Hương.
Cái hay của phong trào làm thủy lợi ở thành phố không chỉ huy động được quân số đông, làm việc như ngày hội lao động mà thành phố còn có kế hoạch bài bản, có khối lượng cụ thể, gắn việc ra quân làm thủy lợi với nạo vét kênh mương nội thành, thôn xóm, tổng dọn vệ sinh môi trường góp phần chỉnh trang đô thị. Ngoài việc đào đắp kênh thì nạo vét mương tiêu, vớt rác thải trong các khu dân cư, chống ngập úng cục bộ, các đầu mối thủy lợi lớn của thành phố được chú trọng. Từng phường, xã căn cứ vào tình hình cụ thể để huy động lao động công ích, nên công việc không thiếu và mọi người đều tham gia với nhiều cách khác nhau.
Nếu gia đình nào đó bận việc không  có người làm thì phải nộp tiền cho xóm để mua chè nước. Tuy nhiên vì một năm  có một  dịp nên hầu hết các gia đình đều cố gắng  tham gia. Thành phố cũng huy động được sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn như: Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị, Xí nghiệp Thủy lợi Vinh, Hội Nông dân, Hội Làm vườn, 25 HTX nông nghiệp, Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Vinh, Nhà In báo, Khách sạn Sài gòn - Kim Liên, Công ty than Nghệ Tĩnh, Công ty 471… Ở thành phố, thành phần lao động ra quân làm thủy lợi qua theo dõi lại chủ yếu là người lớn, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, công chức…, rất ít học sinh, không như một vài địa phương, khi phát động chủ yếu thấy học sinh lao động. 
4 năm qua (từ 2010 đến 2014), thành phố tiếp tục bị thu hồi hơn 400 ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp còn lại không nhiều. Song với sự quan tâm lãnh đạo từ Thành ủy, UBND thành phố, chính sách ưu đãi, kích cầu cho nông nghiệp trên địa bàn rất được quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện cho nông dân thành phố có thể làm giàu được trên diện tích đất sản xuất của mình. Những vùng  hoa cây cảnh (72 ha), diện tích rau màu chuyên canh (50 ha), lúa chất lượng cao (555 ha).. được giữ ổn định và phát triển. 
Bên cạnh đó, vẫn còn một số phường, xã tiếp thu và triển khai chỉ thị, kế hoạch của thành phố còn mang tính hình thức, thiếu sự chuẩn bị chu đáo từ khâu phân công cán bộ chỉ đạo,  đến kiểm tra, khảo sát thực địa xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. 
Tuy nhiên, những gì mà thành phố “thể hiện” trong phong trào ra quân làm thủy lợi những năm qua vẫn khá ấn tượng. Những ngày thành phố ra quân làm thủy lợi là những ngày hội vui, hiệu quả và ý nghĩa, cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa, gắn với phần việc hữu ích  đối với đời sống và sản xuất của người dân. 
Châu Lan

Tin mới