Vốn FDI sụt giảm chỉ là tạm thời

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu sụt giảm vốn FDI do từ đầu năm đến nay chưa có các dự án lớn được cấp phép.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ đầu năm đến nay có sự sụt giảm khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây không phải điều đáng lo ngại. Các chuyên gia kinh tế và các nhà điều hành chính sách dự báo khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái do tác động của hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp ký, cùng các nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Vốn FDI đầu năm sụt giảm vì chưa có dự án lớn được cấp phép.
Vốn FDI đầu năm sụt giảm vì chưa có dự án lớn được cấp phép.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, cả nước có tới 23 tỉnh, thành phố không thu hút được đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn… Trong số 40 tỉnh, thành phố còn lại, có những địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với nguồn vốn “nhỏ giọt”, như Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Định, Tiền Giang, Sóc Trăng… chỉ thu hút được 1 dự án cấp mới; Thanh Hóa, An Giang chỉ có 2 dự án cấp mới với vốn đăng ký lần lượt là 30 triệu và 27,4 triệu đôla Mỹ…
Tình trạng này khiến kết quả chung về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam 5 tháng qua sụt giảm mạnh. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,290 tỷ USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm vào những tháng đầu năm không phải là chuyện lạ. Đầu năm ngoái, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng giảm mạnh, song cả năm 2014, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn vượt mục tiêu đề ra khi đạt tới hơn 20 tỷ USD. Do đó, ông Mại khẳng định, “dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm trong những tháng đầu năm không phải là điều đáng lo lắng. Năm ngoái, vốn FDI thực hiện khoảng 12,5 tỷ USD, năm nay chắc khoảng 14 tỷ USD. Như vậy cũng không phải con số nhỏ”.
Lý giải mức sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do từ đầu năm đến nay chưa có các dự án lớn được cấp phép. Cùng với đó, việc sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài còn do sự suy giảm dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, do kinh tế Nhật Bản từ giữa năm ngoái đến nay có nhiều khó khăn.
Song xu hướng này chỉ trong ngắn hạn, về dài hạn, khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản cho thấy, gần 70% doanh nghiệp nước này mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, trong một công bố mới đây, Intel cho biết sắp tới 80% bộ vi xử lý của hãng này trên toàn thế giới sẽ được sản xuất tại Việt Nam; còn theo thống kê của Samsung, 50% điện thoại di động của hãng này trên toàn thế giới đang được sản xuất tại Việt Nam... Những con số này cho thấy, Việt Nam đang được nhiều Tập đoàn hàng đầu thế giới lựa chọn là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Ha Chan Ho, Cố vấn cấp cao của Samsung Electronics Vietnam cho biết: “Chúng tôi chọn Việt Nam vì muốn có thể sử dụng được nguồn nhân công tay nghề cao ở đây; muốn cả 2 bên đều có lợi từ sự đầu tư này. Chúng tôi có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Những sản phẩm công nghệ cao là do công nhân, kỹ sư địa phương sản xuất và được xuất khẩu tới 52 quốc gia trên thế giới”.
Hiện, Việt Nam đang chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, nên nhiều rào cản chắc chắn sẽ được dỡ bỏ trong thời gian tới.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về đầu tư nước ngoài, Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 7 tới, khi hai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực và các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được thực hiện đồng bộ hơn thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
Ông Thắng cho biết thêm: Mới đây, có các đề xuất mới của các nhà đầu tư, như 5 dự án của nhà đầu tư Fomusa (Đài Loan) đề xuất với tỉnh Quảng Bình về chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, về khách sạn, sân golf; về chế biến quặng sắt và các sản phẩm đầu ra của tổ hợp thép Fomusa tại khu kinh tế Hà Tĩnh. Số vốn mà trưởng đại diện của Fomusa đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình lên tới vài tỷ USD. Cho nên, trong năm 2015, sẽ có diễn biến gần giống một số năm trước và sẽ có các dự án có quy mô lớn được cấp phép. Nó sẽ thay đổi diện mạo cũng như kết quả của FDI trong năm 2015.
Các chuyên gia dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, song để thu hút và phát huy hiệu quả của dòng vốn này, Chính phủ cần chú trọng đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Cùng với đó, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ giúp thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam./.
Theo vov.vn

Tin mới