Kỳ Sơn: Tìm được đầu ra cho gừng

(Baonghean) - Huyện Kỳ Sơn có thế mạnh để phát triển diện tích cây gừng. Lâu nay, đồng bào dân tộc Mông ở các xã: Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn… trồng khá nhiều gừng hàng hóa. Nhưng giá cả phập phù, không có nơi tiêu thụ ổn định, nhiều nơi bà con không mặn mà với cây gừng nữa... Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn) đã liên kết với một số đối tác để xuất khẩu gừng ra nước ngoài, đồng thời đầu tư mua sắm máy sấy để xử lý nông sản...
Một ngày trung tuần tháng 10, chúng tôi đến HTX Dịch vụ nông nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, trên địa bàn Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Mặc dù trời đang mưa nhiều ngày liền, HTX vẫn hoạt động sôi nổi. Tại HTX, một số thanh niên bốc vác từng bao tải gừng từ xe vào kho, phía trong, hàng chục phụ nữ miệt mài lựa chọn sản phẩm gừng để đóng bao. Bên trong nữa là khu vực đặt máy sấy nông sản, vừa được đầu tư lắp ráp xong...
Lựa chọn gừng đóng bao xuất khẩu tại HTX dịch vụ Nông nghiệp - TTCN Hương Sơn.
Lựa chọn gừng đóng bao xuất khẩu tại HTX dịch vụ Nông nghiệp - TTCN Hương Sơn.
Ông Nguyễn Văn Luân – Chủ nhiệm HTX cho biết: Theo hợp đồng với đối tác, sáng ngày mai phải có 20 tấn hàng, nên dù thời tiết mưa như thế này vẫn bố trí lao động làm việc cho kịp số lượng hàng cho khách. Với hàng xuất khẩu, khi đã ký hợp đồng hàng hóa là phải kịp thời và đủ hàng, nếu không sẽ mất uy tín. Mặt hàng gừng xuất khẩu có 2 dạng: tươi và khô, nhưng phổ biến nhất là hàng tươi, xuất khẩu sang các nước: Băng La Đét, Ấn Độ… Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua được gần 2 nghìn tấn gừng tươi, trong đó khoảng 80% là xuất khẩu.
Hàng xuất khẩu yêu cầu phải đẹp, không quá già, nguyên củ, không bị dập, do vậy, phải sử dụng lao động nữ ngồi lựa chọn kỹ, sau đó cho vào bao tải, buộc chặt. Những lúc cao điểm, HTX sử dụng 60 lao động để thu mua gừng từ các địa phương, bốc vác lên, xuống xe và lựa gừng, đóng bao. Toàn bộ lao động đều sử dụng người dân trong vùng. Tiền công tùy theo công việc, thấp nhất 100 nghìn đồng/người/ngày. Năm ngoái, HTX chỉ thu mua được 500 tấn gừng tươi. Nguyên nhân do giá gừng quá rẻ, người dân không thu hoạch gừng, hơn nữa thị trường trong và ngoài nước chưa biết nhiều về gừng Kỳ Sơn nên khó tiêu thụ. Số gừng quá già, xấu được lựa lại, HTX  dùng để làm giống cho bà con trồng.
Máy sấy đảo chiều nhiệt của HTX dịch vụ Nông nghiệp - TTCN Hương Sơn
Máy sấy đảo chiều nhiệt của HTX dịch vụ Nông nghiệp - TTCN Hương Sơn
Dẫn chúng tôi vào khu vực máy sấy, ông Luân hồ hởi: Đây là máy sấy đảo chiều nhiệt (bán tự động), HTX vừa mua từ Công ty cơ khí Cường Thịnh (Hà Nội) với giá 150 triệu đồng. Khi máy sấy hoạt động, toàn bộ nhiệt được điều chỉnh theo ý của mình, nên trong quá trình sấy không cần phải mất công sức đảo đi đảo lại. Sản phẩm máy này không chỉ sấy gừng mà tất cả các loại nông sản như ngô, sắn, khoai… đều sấy được, do vậy, vào mùa thu hoạch nông sản, dù trời mưa, HTX vẫn thu mua cho bà con, sau đó xử lý qua máy sấy, không bị hư hỏng. Công suất của máy sấy đạt 10 tấn/mẻ, thời gian sấy trong vòng 3 giờ. Trước đây HTX đã đầu tư mua máy sấy, nhưng do loại máy lạc hậu, nên tiêu tốn nhiên liệu, vất vả, mà hiệu quả thấp.
Thời điểm tháng 10 là cuối vụ cũ, đầu vụ mới nên gừng đang được giá. Hiện tại, HTX dịch vụ Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn thu mua gừng với giá 7.000 đồng/kg, so với thời điểm này năm trước là cao gần gấp đôi. Tuy nhiên, theo dự đoán của Chủ nhiệm HTX, sắp tới gừng sẽ hạ giá, vì các nước cũng đang mùa thu hoạch gừng, giá xuất khẩu gừng sẽ không ổn định. Do vậy, người dân cũng như đơn vị thu mua cũng phải chấp nhận. Từ trước đến nay, rất ít sản phẩm nông nghiệp  ổn định giá cả thị trường bền vững. Những năm qua, thị trường gừng có lúc giá xuống quá thấp, bà con một số địa phương bỏ bê cây gừng. Ví như xã Huồi Tụ, cách đây 2 năm, diện tích gừng có khoảng 4 - 5 ha, nay chỉ còn không đầy 1 ha.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Những năm gần đây, huyện Kỳ Sơn luôn duy trì từ 370 - 375 ha gừng, tập trung nhiều nhất ở các xã có đồng bào người Mông sinh sống (Na Ngoi, Tây Sơn, Đoọc Mạy, Nậm Càn…). Năng suất gừng hàng năm đạt bình quân 15 tấn/ha. Như vậy, mỗi năm Kỳ Sơn sản xuất được khoảng 5.600 tấn gừng. Từ những năm trước, gừng Kỳ Sơn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, có những thời điểm mặc dù giá thấp vẫn không bán được, buộc người dân phải để đến năm sau mới thu hoạch. Từ năm ngoái đến nay, gừng Kỳ Sơn mới có sản phẩm xuất khẩu, thông qua HTX Dịch vụ nông nghiệp - TTCN Hương Sơn, nhưng số lượng chưa tương xứng với sản phẩm làm ra. Hy vọng những năm tới đây, HTX là nơi tiêu thụ gừng ổn định cho bà con. Cùng với khoai sọ, bí xanh, gừng là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao Kỳ Sơn, địa phương cần phối hợp tích cực với HTX để ổn định tiêu thụ sản phẩm gừng cho bà con. Có thể nói, những năm qua, cây gừng đã khẳng định trên đất Kỳ Sơn, nên hàng năm huyện tổ chức thực hiện mô hình trồng gừng trên đất dốc tại các xã trọng điểm như Na Ngoi, Tây Sơn...
Xuân Hoàng

Tin mới