Làng thêu ren nơi 'cổng trời' tất bật với đơn hàng cuối năm

(Baonghean.vn) - Cữ này, khi hoa mận trên núi bung trắng, những gốc đào cổ thụ trong bản đơm nụ thì các hộ dân làng nghề thêu ren của đồng bào Mông (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) lại tất bật với đơn hàng cuối năm.

bna-11-869.jpg
Bản Mường Lống 1 (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) có 135/149 hộ đồng bào Mông tham gia dệt thổ cẩm, chiếm hơn 90% số hộ dân trong bản. Ảnh: Thanh Phúc
bna-ben-hien-2824.jpg
Nghề thêu ren của đồng bào dân tộc Mông là nghề truyền thống có từ lâu đời, gắn bó mật thiết trong văn hóa của đồng bào Mông nơi được mệnh danh là "cổng trời" xứ Nghệ này. Ảnh: Hoài Thu
bna-tay-theu-2196.jpg
Hầu hết phụ nữ ở bản đều thuần thục với nghề thêu ren, từ những thiếu nữ đôi mươi đến những mế đã 70-80 tuổi. Ảnh: Thanh Phúc
bna-3-4170.jpg
Trước đây, sản phẩm thêu ren chỉ để làm trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc trong các dịp lễ, Tết, mừng nhà mới, mừng đám cưới, đám ma, hay lễ hội chọi trâu, chọi bò... Ảnh: Hoài Thu
bna-sac-mau-7998.jpg
Với hoa văn tinh xảo, màu sắc bắt mắt, khoảng 10 năm trở lại đây, những sản phẩm thêu ren của người Mông đã trở thành sản phẩm hàng hóa để bán ra thị trường; thậm chí xuất khẩu sang Lào, Thái… Ảnh: Thanh Phúc
bna-hoa-van-9950.jpg
Các sản phẩm thêu của người Mông dùng để may khăn, váy, áo, mũ... được bán với giá khá cao, có sản phẩm lên tới hàng triệu đồng. Ảnh: Hoài Thu
bna-tui-836.jpg
Bắt kịp thị hiếu của khách hàng, người dân đã dần cải tiến mẫu mã, sản xuất những sản phẩm hiện đại, ứng dụng cao như túi xách, ví cầm tay… Ảnh: Thanh Phúc
bna-thei-cong-dong-8378.jpg
Thu nhập từ nghề thêu thổ cẩm chiếm 24-31% tổng thu nhập của cả bản. Làng nghề hoạt động quanh năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, phụ nữ Mông thường tập trung theo nhóm thêu để kịp đơn hàng giao khách. Ảnh: Hoài Thu
ban-sao-bna-1-6438.jpg
Năm 2023, nghề thêu ren của bản được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Đây là một trong những mô hình của Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Thanh Phúc
bna-khach-862.jpg
Để nghề thêu ren phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, theo định hướng, sắp tới, địa phương sẽ thành lập hợp tác xã làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm thổ cẩm truyền thống vào phục vụ du lịch. Ảnh: Hoài Thu
bna-truyen-nghe-7926.jpg
Nghề thêu ren của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn hiện vẫn được gìn giữ và phát huy ở một số cộng đồng dân cư khác. Trong ảnh: Phụ nữ bản Phà Xắc (xã Huồi Tụ) truyền nghề thêu ren cho thế hệ sau. Ảnh: Thanh Phúc
bna-trinh-dien-9783.jpg
Năm 2023, tổ chức Craft Link đã triển khai “Dự án phát triển nghề thủ công truyền thống tại địa phương”. Theo đó, dự án sử dụng các họa tiết đặc trưng của người Mông để thiết kế các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng. Đồng thời, tổ hợp tác thêu ren bản Phà Xắc đã tham gia trình diễn kỹ năng thêu của người Mông Trắng tại Hà Nội. Ảnh: Hoài Thu
Clip: Phúc - Thu

Tin mới