Lão nông chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trước những diễn biến về dịch bệnh cũng như giá cả thị trường tiêu thụ, nông dân huyện miền núi Con Cuông trăn trở thay đổi cách sản xuất, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đúc rút được qua hàng chục năm lao động.

Tại thôn Trung Thành, xã Yên Khê, gia đình ông Nguyễn Đức Điền từng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với các đàn vật nuôi lên đến vài trăm con. Ông Điền cho biết, năm 2022 ông từng nuôi đàn lợn có lúc lên đến gần 40 con, trong đó, có 6 con lợn nái đẻ. Còn đàn gà ông nuôi cuốn chiếu, tầm 1-2 tháng sẽ bổ sung thêm đàn từ 150-300 con gà thịt. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 4-5 con trâu, bò vỗ béo.

Ông Điền cho biết: “Đã có thời điểm bán các lứa lợn con từ 6 con lợn nái đẻ, tôi đã mua được ô tô phục vụ đi lại cho các thành viên gia đình. Song, từ cuối năm 2022 đến nay, đàn lợn của gia đình chỉ còn chưa đến 20 con. Trong đó, chỉ để lại 1 con lợn nái đẻ. Ngoài dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi liên tục giảm, cộng với giá thức ăn chăn nuôi lại ngày càng tăng khiến tôi phải giảm đàn và dự định sắp tới sẽ nghỉ một thời gian”.

Ông Nguyễn Đức Điền (áo đen) cho biết sẽ giảm quy mô chăn nuôi lợn. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Đức Điền (áo đen) cho biết sẽ giảm quy mô chăn nuôi lợn. Ảnh: H.T

Gắn bó với mảnh đất Yên Khê và nghề chăn nuôi, trồng trọt đã quá nửa đời người, ông Nguyễn Đức Điền cho biết, những thành công cũng như thất bát trong vụ mùa, trong nuôi con gì, trồng cây gì đã cho ông những đúc rút kinh nghiệm quý báu. "Qua thực tiễn mình đã nếm trải, tôi nhận thấy việc tìm tòi cách thức hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất cho cây trồng, vật nuôi thật lắm vất vả, có khi là mất mát tiền bạc cũng như công sức. Song có như vậy người nông dân chúng tôi mới có thể hạn chế được rủi ro trong sản xuất" - ông Điền bày tỏ.

Gặp ông Nguyễn Đức Điền vào những ngày thời tiết chuyển mùa từ Đông sang Hè, khoảng cuối tháng Hai âm lịch, "lão nông" cho hay, đây là thời điểm giao mùa, rất bất lợi cho việc tái đàn trong chăn nuôi. Ông chỉ tay về những hàng cây xoan đâu đang trổ hoa tím ngát một góc vườn đồi, "cứ mùa hoa xoan nở thì tôi lại tạm ngừng việc tái đàn, gây dựng đàn vật nuôi, kể cả gia súc hay gia cầm".

Lý giải cho kinh nghiệm của mình, ông Điền cho hay, mùa hoa xoan nở nhằm vào khoảng thời gian từ cuối tháng Hai đến đầu tháng Tư âm lịch. Đây cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường lúc nóng, lúc lạnh cộng với mưa phùn nên các nguồn bệnh dễ lây cho vật nuôi phát tán mạnh. Sự thất thường của thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến sức đề kháng của vật nuôi, nhất là giai đoạn con còn non.

Mỗi năm ông Nguyễn Đức Điền nuôi cuốn chiếu 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 300 con và chỉ nhân đàn sau thời điểm giao mùa vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư âm lịch. Ảnh: H.T

Mỗi năm ông Nguyễn Đức Điền nuôi cuốn chiếu 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 300 con và chỉ nhân đàn sau thời điểm giao mùa vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư âm lịch. Ảnh: H.T

Qua nhiều năm chăn nuôi từ trâu, bò đến lợn, gà, ngan, vịt, rồi chăn nuôi cả chim bồ câu, ông Điền cho hay, đã rất nhiều lần ông nhân đàn, nhân giống con non vào "cữ" hoa xoan nở đều gặp thất bát, vật nuôi thường bị chết hoặc nhiễm dịch bệnh, yếu ớt, còi cọc khiến năng suất giảm trông thấy. "Bởi vậy, đã nhiều năm nay, vào mùa hoa xoan nở là tôi dừng việc tạo đàn, nhân giống gia súc, gia cầm. Chờ đến hết mùa xoan, từ khoảng sau nửa tháng Tư âm lịch bắt đầu nắng ấm mới tính chuyện mua thêm con giống. Nhưng năm 2023 này, dù là sau mùa xoan nở thì tôi cũng tạm dừng việc gia tăng đàn vật nuôi bởi diễn biến thị trường bất lợi, thua lỗ." - ông Nguyễn Đức Điền bày tỏ.

Theo ông Điền, từ cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023, giá lợn hơi giảm không phanh từ 80.000 đồng/kg xuống hiện nay chỉ còn 50.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi thì lại càng ngày càng tăng khiến người nông dân càng chăn nuôi càng lỗ.

Để duy trì nguồn thu nhập, ông Điền chuyển sang đầu tư thâm canh tăng năng suất cây chè công nghiệp theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ, chủ động nguồn nước tưới cho 1ha chè.

Đồi chè hơn 1 ha của ông Nguyễn Đức Điền cho thu nhập ổn định. Ảnh: P.V

Đồi chè hơn 1 ha của ông Nguyễn Đức Điền cho thu nhập ổn định. Ảnh: P.V

“Tôi tận dụng nguồn phân chuồng từ vật nuôi, kết hợp các phụ phẩm khác như rơm, rạ, thân cây ngô để ủ phân hoai mục tăng bón cho cây chè. Kết hợp với đầu tư xây dựng đổ bê tông trục đường đi lên đồi chè, tu sửa lại đường ống dẫn nước để đảm bảo nguồn tưới cho diện tích chè. Vụ chè xuân năm nay giá cao hơn bình thường khoảng 1.000-1.500 đồng/kg, cộng với năng suất có tăng nên với 5 lứa thu hoạch mỗi năm, sản lượng đạt khoảng 6 tấn cũng cho thu nhập khá hơn chăn nuôi” - ông Nguyễn Đức Điền cho biết.

Trên địa bàn xã Yên Khê hiện nay, diện tích cây chè đang được người dân tập trung chăm sóc, đầu tư phân bón hữu cơ để tăng năng suất. Cây chè hiện nay đang cho thu nhập cao hơn chăn nuôi. Cả xã Yên Khê hiện có 620 hộ trồng chè với tổng diện tích gần 300 ha, trong đó 17 ha thiết kế, 276,89 ha kinh doanh, năng suất đạt 180 tạ/ha.

Tin mới