Lập quỹ trái phép đi tù bao nhiêu năm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tình trạng lập quỹ trái phép thường xuất hiện trong các tổ chức, cơ quan Nhà nước, gây tiêu cực trong hoạt động quản lý kinh tế. Vậy, hành vi lập quỹ trái phép được hiểu thế nào? Chế tài xử phạt với Tội lập quỹ trái phép ra sao? Vấn đề quan tâm của ông Ngô Tuân (TP. Vinh).

Trả lời: Lập quỹ trái phép là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lập ra quỹ tiền mặt hoặc quỹ các loại hàng hóa khác mà không báo cáo, không có sự kiểm soát, rồi sử dụng quỹ này vào các mục đích riêng gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 205 Bộ Luật Hình sự 2015 thì:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;

b) Để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác;

c) Gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tội lập quỹ trái phép có 3 mức hình phạt chính, tùy vào mức độ mà mức hình phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng, phạt tù cao nhất 10 năm. Hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tin mới