Lễ Vu lan báo hiếu: Một tín ngưỡng văn hóa đẹp của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Lễ Vu lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo.

Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Xung quanh vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với PGS .TS Nguyễn Quang Hồng - Khoa Lịch sử, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh.

P.V: Thưa PGS, ông có thể cho biết lịch sử ra đời của lễ Vu lan và sự hưởng ứng của người Việt với đạo hiếu này?

BNA_5461.JPG
PGS. TS Nguyễn Quang Hồng. Ảnh: Thanh Nga

PGS . TS Nguyễn Quang Hồng: Trước hết tôi xin nói về sự ra đời của phật giáo tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo công bố mới nhất vào tháng 3/2023, từ thế kỷ thứ II, III trước Công nguyên, Phật giáo đã được truyền bá ở chùa Quỳnh Viên. Ở Hà Tĩnh người truyền bá Phật giáo là thiền sư Thiền Quang đến từ Ấn Độ và phật tử đầu tiên là Chử Đồng Tử và sau này phật tử này truyền đạo cho vợ của mình là Tiên Dung. (Từ ngàn xưa người Việt đã xếp hai nhân vật này là tứ bất tử). Như vậy, một vấn đề đặt ra ở đây là tại sao dân tộc Việt Nam lại dễ dàng tiếp nhận Phật giáo?

Trước đó, Việt Nam đã xây dựng cho mình một nền văn minh rực rỡ gọi là văn minh sông Hồng hay văn minh Văn Lang, Âu Lạc. Trong các nền giá trị văn minh Âu Lạc có một tín ngưỡng rất hay đó là tục thờ cúng ông bà, tổ tiên. Người Việt từ thời Hùng Vương đã biết thờ ông bà, tổ tiên, đã quan niệm sông có nguồn, cây có cội rễ và con người có tổ tiên, giống nòi. Con người sinh ra thì phải biết nhớ đến tổ tiên bên cạnh những vị thần mặt trời, thần núi, thần biển.

bna-5-7559.jpeg
Ngày càng có nhiều cơ sở thờ tự tổ chức Lễ vu lan báo hiếu thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ảnh: tư liệu Báo Nghệ An

Khi Phật giáo phát triển, người ta truyền lại rằng, Đức Mục Kiền Liên vì nghĩa thương mẹ mà đã tìm cách giải thoát cho mẹ khỏi tầng địa ngục và câu chuyện ấy nó rất phù hợp với tâm tư và hiếu nghĩa của các giai tầng trong xã hội Việt Nam. Và vì vậy, lễ Vu lan báo hiếu nó có từ lâu, nó tồn tại trong nền văn minh của người Việt Nam nói chung và người Nghệ nói riêng.

P.V: Lễ Vu lan gắn với Phật giáo, vậy thưa ông, Phật giáo đã du nhập vào cư dân ở lưu vực sông Lam lúc nào?

PGS. TS Nguyễn Quang Hồng: Sau khi Chử Đồng Tử được Thiền sư Thiền Quang truyền đạo, một câu hỏi đặt ra là liệu Phật giáo có phát triển ở lưu vực sông Lam hay không? Và xin khẳng định rằng, Phật giáo tại lưu vực sông Lam đã phát triển mạnh. Minh chứng việc ấy là kết quả khảo cổ học ngôi chùa thuộc địa phận xã Hồng Long, huyện Nam Đàn đã tìm thấy hiện vật quý giá minh chứng cho việc được truyền đạo Phật tại đây. Trong lòng Tháp Nhạn, lần đầu tiên nhà khảo cổ học đã tìm thấy hộp đựng xá lợi, điều này góp phần khẳng định dòng chảy Phật giáo đã được hình thành ở lưu vực sông Lam từ rất sớm và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của cư dân lưu vực sông Lam.

Ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phục hưng Phật giáo diễn ra muộn hơn so với một số tỉnh, thành khác. Nhưng điều quan trọng song song với quá trình phật hưng Phật giáo thì những hoạt động tại 127 ngôi chùa ở Hà Tĩnh và 71 ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho đến thời điểm hiện tại đã hoạt động đi vào nề nếp, theo đúng tinh thần luật pháp, cũng như phản ánh một cách sâu sắc sự tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Đây là một tín hiệu rất mừng, trong lễ Vu lan báo hiếu hay trong tuần lễ Phật đản đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ sâu rộng của mọi giai tầng trong xã hội.

Nói như vậy để thấy, từ rất sớm cư dân người Việt nói chung và cư dân lưu vực sông Lam nói riêng đã tiếp thu đạo hiếu Vu lan từ ngàn đời, duy trì đến tận ngày nay và đã ngấm sâu vào máu thịt các thế hệ người Nghệ.

P.V: Vậy ta cần phải hiểu thế nào là tuần lễ Vu lan báo hiếu, và ý nghĩa sâu sắc của nó là gì, thưa ông?

PGS . TS Nguyễn Quang Hồng: Có người hiểu đơn giản rằng, thực hiện nghi lễ Vu lan báo hiếu là con cháu noi gương đức Phật Kiền Liên để báo hiếu cho ông bà, cha mẹ bằng cách này hay cách khác. Thế nhưng, trong tâm thức của người Việt nói riêng thì tuần lễ Vu lan báo hiếu còn có tầng giá trị cao hơn nhiều.

Thứ nhất, là báo đáp công ơn dưỡng dục của ông bà, tổ tiên theo truyền thống của ông cha để lại (làm con trước hết phải đền ơn sinh thành).

Thứ hai, đối với người Nghệ Tĩnh còn là dịp thực hiện nghi lễ tri ân các vị anh hùng dân tộc và những người đã có công để bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm, khai phá đất đai dựng bản, lập làng, tạo nên đời sống an vui cho nhân dân.

bna_Lễ-Bông-hồng-cài-áo-trong-mùa-Vu-Lan-là-để-người-được-cài-bông-trắng-không-quên-cha-mẹ-mình-đã-khuất.-Ảnh-Hải-Vương.jpg
Bông hồng cài áo một nghi thức trong Lễ vu lan báo hiếu. Ảnh: tư liệu Báo Nghệ An

Một giá trị nữa trong nghi thức của lễ Vu lan báo hiếu là người thực hiện nghi lễ còn mong muốn cảm ơn trời đất, thánh thần đã tạo cây, cỏ hoa lá, sông, suối, ao, hồ để nuôi sống con người. Ý nghĩa này nó còn mang giá trị văn hóa rất lớn.

Thứ nữa, Đại thi hào Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh có nói đến câu chuyện về Vu lan báo hiếu, có nội dung, có những người không nơi nương tựa cuối đời họ đến ở nhà chùa nương nhờ cửa Phật, những người chết yểu, chết đường, chết chợ cũng không có ai hương khói. Vì vậy, những ngày thuộc tuần lễ Vu lan có thể thấy ở các chợ huyện, chợ tỉnh người ta thường tổ chức các bàn lễ để cúng chúng sinh, với mục đích phát lộc cho những linh hồn vãng sai. Như vậy, giá trị lễ Vu lan báo hiếu mang ý nghĩa văn hóa khác nhau nhưng xuyên suốt là giá trị nhân bản hết sức cao đẹp mà các hệ cha ông đã chắt lọc.

P.V: Lễ Vu lan báo hiếu càng ngày càng được người dân đón đợi tham gia, theo ông đây có phải là một nét văn hóa đã ăn sâu trong đời sống của người dân và đang có xu hướng ngày càng phát triển?

PGS. TS Nguyễn Quang Hồng: Lễ Vu lan báo hiếu không chỉ một ngày mà còn diễn ra cả tuần, thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ cụ già cho đến các bạn trẻ đều tham gia, từ việc dọn dẹp, trang trí buổi lễ một cách tự nguyện, cống hiến và vui tươi nhất. Không chỉ có người trưởng thành, người già mà các bạn trẻ cũng hưởng ứng một cách sâu sắc. Không chỉ người trong tỉnh mà du khách trong ngoài tỉnh cũng tham gia. Những du khách đến Nghệ An cũng rất an tâm họ không phải quay về quê hương họ để thực hiện Vu lan báo hiếu mà ngay ở Nghệ An họ cũng đã được tham gia một cách đầy đủ, vẫn thực hiện trách nhiệm của mình.

P.V: Ý nghĩa lớn nhất của lễ Vu lan báo hiếu chính là giúp con người ta hướng thiện, luôn trau dồi những phẩm chất tốt đẹp nhất là sự hiếu kính với cha mẹ ông bà; luôn nhớ đến nguồn cội và có tinh thần tri ân những người đã ngã xuống vì dân tộc. Ông khái quát về nét văn hóa này như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Quang Hồng: Ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, người dân đến với lễ Vu lan bằng niềm tin, với niềm hạnh phúc được tri ân ông bà, tổ tiên, tri ân những người khai cơ lập làng trong vùng quê hương của họ và trao truyền cái mảnh đất thiêng liêng ấy để họ có được cuộc sống no ấm như ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của những người chuẩn bị và tham gia lễ Vu lan không phải là sự ưu tư, phiền muộn, không phải sự lo lắng, băn khoăn mà gần như là sự hạnh phúc mà tươi vui, mà nói theo ngôn ngữ nhà Phật là sự hoan hỉ từ chính trong tâm hồn họ, được bộc lộ ra bên ngoài. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa của tuần lễ Vu lan báo hiếu mà theo tôi chính quyền đã nhận thức một cách rất đầy đủ để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngôi chùa được tổ chức không chỉ là lễ Vu lan báo hiếu mà còn là các nghi lễ khác một cách nghiêm trang đúng luật định trong sự thoải mái và tươi vui nhất. Sự ảnh hưởng của tuần lễ Vu lan báo hiếu ngày càng sâu sắc hơn, điều này càng phản ánh một điều Phật giáo trong lòng dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc…

P.V: Ngày nay có hiện tượng nhiều gia đình lập đàn tế lễ rình rang, họ mong muốn với những mâm cao ,cỗ đầy sẽ giúp họ gửi gắm được nhiều sính lễ cho ông bà, tổ tiên, các bậc sinh thành. Cũng có những gia đình vì bất an trong đời sống nên mong muốn cõi âm sẽ phù hộ độ trì cho họ bớt những tai ương. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

PGS. TS Nguyễn Quang Hồng: Đúng như vậy, đây là hiện tượng tuy không nhiều nhưng đã và đang xảy ra trong đời sống nhân dân. Nhiều gia đình có điều kiện đã sắm lễ rình rang, lập đàn thuê thầy rất tốn kém. Có thể người ta nghĩ nếu soạn bàn lễ trọng thì ông bà, tổ tiên ghi nhận; cũng có người gặp tai ương hoặc mất niềm tin vào một vấn đề gì đó thì người ta muốn hóa giải bằng suy nghĩ trần sao âm vậy. Nếu xét về tự do tín ngưỡng thì chính quyền không ngăn cấm, thế nhưng, xét về yếu tố văn hóa thì đây là việc làm đi ngược với đại bộ phận nhân dân, đi ngược với thuần phong, mỹ tục. Phật giáo là của mọi nhà, trong kinh đạo Phật không có mục nào, điều khoản nói về việc phải soạn bàn cái lễ này, lễ kia để tương ứng với việc tâm linh của chính chủ. Lễ Vu lan báo hiếu là việc làm mà mọi người, mọi nhà ai ai cũng có thể được an vui khi thực hiện nghi lễ này dù lễ to hay lễ nhỏ.

Vì từ xa xưa chúng ta đã biết, ông bà ta chỉ có lễ bạc nhưng luôn thấy an tâm vì cha mẹ ông bà ở cõi âm đã hiểu được lòng thành. Ví như chúng tôi thời nhỏ cha mẹ chúng tôi cũng chỉ có cơi trầu, ấm nước và vài bông ngô, củ khoai, củ sắn để cúng ông bà, tổ tiên, nhưng cũng thấy rất ấm lòng.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tin mới