'Loạn' nhãn hiệu hương trầm Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Hương trầm Quỳ Châu được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ tháng 10/2016. Thế nhưng, với hơn 200 cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn thì chỉ có 30 cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Bà Trần Thị Loan, chủ một cơ sở sản xuất cho biết: Vụ hương tết năm ngoái, cơ sở đã sản xuất hơn 3 triệu que. Năm nay là năm thứ 2 cơ sở sử dụng nhãn hiệu hương trầm tập thể và số lượng đơn hàng có thể sẽ nhận được nhiều hơn so với năm ngoái.

Nhiều hộ gia đình đã bắt đầu nhộn nhịp vào vụ hương tết năm 2018. Ảnh: Bé Vinh
Nhiều cơ sở bắt đầu nhộn nhịp vào vụ hương Tết năm 2018. Ảnh: Bé Vinh

Nhưng có nơi như cơ sở sản xuất hương trầm Thiết Hợi ở Khối 1, Thị trấn Tân Lạc, mặc dù hương trầm Quỳ Châu đã được công nhận nhãn hiệu tập thể được hơn 1 năm, nhưng cơ sở sản vẫn quyết định giữ nhãn mác truyền thống vì theo chủ cơ sở, chi phí in ấn nhãn hiệu tập thể cao gấp 5-6 lần nhãn đơn giản theo truyền thống.

Những sản phẩm hương trầm vẫn làm theo nhãn hiệu riêng của gia đình, đơn giản dễ làm nhái. Ảnh: Bé Vinh
Nhãn hiệu hương trầm tập thể được Cục sở hữu trí tuệ cấp bản quyền. Ảnh: Bé Vinh

Bà Hợi - chủ cơ sở cho biết: “Từ khi mới bắt đầu làm hương trầm, chúng tôi có nhãn riêng của gia đình. Vì vậy, thay đổi nhãn chung của tập thể khách quen của gia đình sẽ không nhận ra.”

Hương trầm là nghề gia truyền của nhiều hộ gia đình trên địa bàn Quỳ Châu, nên người dân chưa thích nghi với việc thay đổi nhãn mác tập thể. Vì thế, trên địa bàn tồn tại nhiều nhãn mác gắn với hộ sản xuất. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” đã tạo cơ hội cho nhiều đối tượng làm nhái sản phẩm có thương hiệu của hương  Quỳ Châu.

Những sản phẩm hương trầm vẫn làm theo nhãn hiệu riêng của gia đình, đơn giản dễ làm nhái. Ảnh: Bé Vinh
Nhiều cơ sở vẫn dán nhãn hiệu riêng của gia đình; những nhãn này đơn giản, dễ làm nhái. Ảnh: Bé Vinh

Ông Võ Thái Tịnh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: Việc chưa đồng thuận sử dụng nhãn hiệu hương trầm Quỳ Châu sẽ đem lại nhiều bất cập, khó quản lý sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND xã sẽ vận động các gia đình, chủ cơ sở làm hương trầm sử dụng nhãn hiệu tập thể hương trầm Quỳ Châu, tránh hiện tượng loạn nhãn mác, hàng nhái trà trộn hiện nay.

Mỗi năm toàn huyện Quỳ Châu tiêu thụ 50 triệu cây hương với doanh thu 20 tỷ đồng. Từ nghề hương trầm truyền thống, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Việc các cơ sở sản xuất hương trầm sử dụng nhãn hiệu tập thể góp phần giữ thương hiệu, uy tín, chất lượng sản phẩm hương trầm Quỳ Châu.

Bé Vinh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới