Lợi ích "kép" từ giao khoán đất rừng

(Baonghean) - Khu BTTN Pù Hoạt nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, với hàng ngàn loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm. Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR) trước áp lực vùng đệm có nhiều bản làng đồng bào thiểu số sinh sống, ngay sau khi thành lập, Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện sắp xếp quản lý bảo vệ rừng hợp lý, đặc biệt giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ. Giải pháp này không chỉ đảm bảo cuộc sống cho người dân mà quan trọng hơn, duy trì màu xanh của rừng vàng.

Còn nhớ từ những năm 2012 về trước, tình hình khai thác vận chuyển gỗ lậu ở Quế Phong rất hỗn loạn. Trên khắp các cánh rừng nguyên sinh ở Tri Lễ, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Đồng Văn… bị chặt phá vô tội vạ. Trên cung đường từ Cửa khẩu Thông Thụ đi Phú Phương, hàng ngày xe máy, xe ô tô chở gỗ lậu không thể đếm xuể, nhiều cánh rừng gỗ quý bị chặt phá trọc trụi. Trước thực trạng đó, ngày 26/3 UBND tỉnh đã có Quyết định số 340/QĐ -UBND chuyển đổi Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quế Phong thành Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt có tổng diện tích hơn 90.000 ha, thuộc địa bàn 9 xã: Tri Lễ, Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Nậm Nhoóng, Cắm Muộn và Châu Thôn. Việc thành lập BQL Khu BTTN Pù Hoạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng, đảm bảo phát triển bền vững, là cơ sở thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế.
Anh Trịnh Ngọc Lượng - Trạm trưởng Quản lý bảo vệ rừng Tri Lễ (người thứ 4 bên trái) hướng dẫn bà con quy trình nhận khoán bảo vệ rừng.
Anh Trịnh Ngọc Lượng - Trạm trưởng Quản lý bảo vệ rừng Tri Lễ (người thứ 4 bên trái) hướng dẫn bà con quy trình nhận khoán bảo vệ rừng.
Từ ngã 3 Phú Phương, chúng tôi men theo con đường ngoằn nghèo dốc cao vực thẳm vào Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Thông Thụ I. Trạm đóng trên mỏm đồi, chỉ có 3 cán bộ nhưng được giao bảo vệ trên 10.000 ha rừng, có địa thế hiểm trở, phức tạp, giáp ranh với bản Nậm Táy, huyện Sầm Tớ, tỉnh Bôlykhămxay (Lào). Ở đây có 2 bản Mường Piệt và Mường Phú, trước đây bà con thường theo nghề chặt thuê gỗ rừng trái phép bán cho các đầu nậu. Anh Lưu Nhật Thành - Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Thông Thụ I tâm sự: Trước thực trạng phức tạp đó, cán bộ trạm đã trực tiếp xuống các bản làng tuyên truyền, vận động bà con không chặt phá lâm sản trái phép ở 2 bản trọng điểm trên. Đồng thời phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ tăng cường tuần tra, kiểm soát. Mỗi chuyến tuần rừng thường kéo dài từ 3 - 4 ngày rất vất vả và hiểm nguy, địa thế núi rừng hiểm trở, dốc cao, vực thẳm, mấy trận mưa đầu mùa khe suối nước đã dâng lên chia cắt. 
Để chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng, Khu BTTN Pù Hoạt tiến hành sắp xếp thành lập các Trạm Quản lý Bảo vệ rừng (BVR) hợp lý, sau đó triển khai khảo sát để giao rừng cho nhân dân quản lý. Chỉ có người dân và cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt cùng phối hợp thì giữ rừng mới hiệu quả. Từ chỗ chỉ có 4 trạm quản lý BVR thì nay Khu BTTN Pù Hoạt sắp xếp thành lập thêm 4 trạm mới, tổng cộng có 8 Trạm quản lý BVR ở các tuyến trọng điểm như Trạm BVR Đồng Văn, Trạm Na Chạng - Tiền Phong, Trạm Nậm Giải, Trạm Tri Lễ, Trạm Thông Thụ I, Thông Thụ II …
Sau khi ổn định tổ chức, Khu BTTN Pù Hoạt chỉ đạo các trạm, tổ chốt thực hiện tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng đến tận từng hộ dân, tổ chức kiểm tra và cho các chủ cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn ký cam kết. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra kiểm soát, thăm nắm nguồn tin tố giác về các hành vi chặt gỗ, vận chuyển gỗ trái phép trong nhân dân. Đặc biệt, chú trọng phối hợp với các ngành như bộ đội, công an tuần tra bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tại từng trạm, hàng tuần, hàng tháng đều xây dựng chi tiết kế hoạch bảo vệ rừng, chương trình công tác tuần rừng mang lại hiệu quả cao. Ông Lê Phùng Diệu - Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt vừa dẫn đoàn công tác kiểm tra đẩy đuổi lâm tặc chia sẻ: Do làm “căng” nên một số đối tượng “lâm tặc” đã lén lút chuyển hướng vào các vùng giáp ranh vành đai biên giới Lào và khu vực giáp ranh Thanh Hóa (sông Chu, suối Tục) để khai thác gỗ lậu. Đoàn công tác đã đốt hơn chục lều lán của lâm tặc tại các khu vực này và tiếp tục “cắm” lực lượng theo dõi. Tăng cường công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm nên tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ ngày thành lập đến nay, Khu BTTN Pù Hoạt đã thu giữ được gần 200 m3 gỗ trái phép các loại, tịch thu các loại cưa xăng, tạm giữ phương tiện vận chuyển gỗ.
Chúng tôi hành trình ngược dốc lên xã biên giới Tri Lễ, nơi bạt ngàn những cánh rừng đại ngàn xanh thẫm. Vào bản Nậm Chọt thấy anh Trịnh Ngọc Lượng - Trạm trưởng quản lý bảo vệ rừng Tri Lễ đang cùng với trưởng bản và bà con nhận khoán đang trao đổi về công tác quản lý BVR. Anh Lương Văn Phúc ở bản Nậm Chọt cho hay: Qua xét duyệt trong năm 2013 gia đình tôi được giao khoán bảo vệ hơn 12 ha rừng phòng hộ, theo hợp đồng giao khoán chúng tôi được hưởng 200.000 đồng/ha tiền bảo vệ rừng. Tiền bảo vệ rừng được trả theo từng năm, có thêm 2,4 triệu đồng tiền từ bảo vệ rừng cũng góp phần cải thiện cuộc sống. 
Theo ông Lương Nhân - người tham gia bảo vệ rừng ở Tri Lễ thì ngoài việc được hưởng lương giữ rừng do Nhà nước trả, dân bản chúng tôi còn được hưởng lợi các nguồn lâm sản phụ từ rừng như lá dong, bo bo. Riêng 2 tháng nay lượm quả bo bo chỉ với 2 lao động gia đình tôi đã thu được trên 5 triệu đồng. Chưa kể là dịp Tết còn có thêm thu nhập từ bắp chuối rừng, lá dong … Vì vậy, cần phải bảo vệ rừng, coi rừng như vạt ruộng nhà mình để kiếm kế sinh nhai. Hàng tuần chúng tôi đều cuốc bộ đi kiểm tra rừng, nếu phát hiện có dấu hiệu “lâm tặc” vào chặt phá là báo cáo ngay với Trạm Bảo vệ rừng Tri Lễ. Ông Lương Văn Hóa - Trưởng bản Nậm Chọt hồ hởi: Bản Nậm Chọt có 73 hộ, hiện tại được Khu BTTN Pù Hoạt giao cho 22 hộ dân quản lý 120 ha rừng. Tất cả các hộ dân trên đều được bản, xã bình chọn để giao khoán và ưu tiên hộ nghèo để cải thiện đời sống. Phải nói rằng chủ trương giao khoán rừng cho nhân dân quản lý bảo vệ dân bản rất phấn khởi, nhiều hộ dân trước đây theo “lâm tặc” chặt gỗ thuê cho đầu nậu nay đã bỏ nghề thực hiện công tác bảo vệ rừng. 
Anh Trịnh Ngọc Lượng - Trạm trưởng Trạm quản lý BVR Tri Lễ nói thêm: Trạm quản lý BVR Tri Lễ được giao nhiệm vụ bảo vệ trên 11.000 ha rừng, (trong đó có khoảng trên 4.000 ha có rừng), trong khi chỉ có 3 cán bộ thì không thể quản lý nổi. Nhờ giao khoán rừng cho nhân dân nên công tác quản lý BVR được thực hiện tốt hơn. Tính đến thời điểm này, trạm đã giao rừng cho nhân dân và các tổ chức quản lý trên 2.000 ha rừng, trong đó có 268 ha rừng (chủ yếu sát các khu vực biên giới) giao cho Đồn Biên phòng 515, diện tích rừng còn lại giao cho nhân dân. 
Tại bản Mường Piệt, xã Thông Thụ có 226 hộ dân, trước năm 2012 bản có khoảng trên 40 hộ dân chuyên chặt gỗ rừng trái phép thuê cho các đầu nậu. Ông Lô Văn Lan - Trưởng bản Mường Phú thừa nhận: Do điều kiện khó khăn nên nhiều bà con phải chặt phá rừng trái phép. Nay có chủ trương giao khoán rừng cho dân nhiều người dân đã ý thức được sẽ có thu nhập lâu dài nên hầu hết đã không chặt phá rừng nữa. Như hộ ông Hà Văn Nam trước đây cũng theo đi chặt gỗ thuê cho các đầu nậu nhưng nay đã bỏ và nhận khoán bảo vệ rừng. Đến thời điểm này bản Mường Phú có 73 hộ dân được giao khoán bảo vệ trên 150 ha rừng ở 3 tiểu khu, Tiểu khu 22, 27,41.
Được biết tại Trạm BVR Thông Thụ 1 quản lý hơn 10.000 ha rừng hiện tại đã giao khoán cho nhân dân được trên 7.000 ha, hầu hết diện tích giao khoán đến thời điểm này đều được bảo vệ tốt. Ông Nguyễn Danh Hùng - Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt kiêm hạt trưởng cho biết thêm: Nhận thức rõ được vấn đề dựa vào dân để bảo vệ rừng, ngay trong năm 2013, Khu BTTN Pù Hoạt đã khảo sát và tiến hành giao khoán cho nhân dân 36.000 ha rừng, từ đầu năm 2014 đã tăng lên tổng 50.000 ha rừng giao khoán (trong đó giao khoán cho nhân dân hơn 40.000 ha, còn lại 10.000 ha rừng là giao cho các lực lượng cán bộ BVR diện 2 B và lực lượng vũ trang). Hiện nay Khu BTTN Pù Hoạt đang tiếp tục lập hồ sơ giao khoán cho nhân dân khoảng 15.000 ha rừng, dự định hết tháng 8/2014 sẽ bàn giao rừng cho nhân dân quản lý, nâng tổng số rừng giao khoán cho dân và các tổ chức trên địa bàn là 65.000 ha. Còn lại 25.000 ha sẽ được chia bảo vệ cho các Trạm BVR thuộc Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt. Tổng chi trả kinh phí giao khoán bảo vệ rừng hàng năm khoảng trên 20 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu từ Chương trình 30a, vốn ngân sách sự nghiệp, vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc giao khoán rừng cho người dân quản lý, không những giúp rừng không bị xâm hại, được bảo vệ tốt hơn mà người dân còn có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, vì ở đây hầu hết là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới