Mạng lưới thú y thủy sản: Cần quan tâm đúng mức

(Baonghean) - Toàn tỉnh hiện có khoảng 22.500 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhưng lực lượng cán bộ thú y theo dõi chỉ có 4 cán bộ chuyên trách. Để ngành NTTS phát triển ổn định, bền vững thì công tác nâng cao chất lượng và số lượng mạng lưới thú y cho thủy sản cần được quan tâm đúng mức.

 

Nghệ An được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về diện tích mặt nước trong NTTS. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển NTTS trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 22.500 ha diện tích mặt nước NTTS. Trong đó, diện tích nuôi trồng nước ngọt chiếm hơn 20.000 ha, còn lại là diện tích nuôi mặn lợ.


Năm 2011, được đánh giá là năm thắng lợi của ngành NTTS. Diện tích nuôi đạt 100% kế hoạch, sản lượng ước đạt 40.500 tấn, bằng 105% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp. Hầu hết, các loại dịch bệnh thường rơi vào diện tích nuôi mặn lợ, đối tượng là tôm. Năm 2011, hơn 300 ha tôm tại Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TP Vinh, Nghi Lộc bị nhiễm bệnh đốm trắng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người nông dân. Đặc biệt, tại vùng nuôi tôm xã Hưng Hòa (TP Vinh), 132 ha tôm của hơn 100 hộ dân bị chết vì bệnh đốm trắng đã làm nhiều gia đình, rơi vào cảnh nợ nần.


Ông Hồ Tương (thôn 1, xã Hưng Hòa) cho biết: "Vụ tôm năm ngoái, nhà tôi thả 2 đợt tôm với khoảng 22 vạn giống. Nhưng cả 2 đợt đó, tôm đều bị mắc bệnh đốm trắng chết hết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Khi bị bệnh, tôi đã báo cáo cho cán bộ thú y biết, sau đó họ cho thuốc để dập dịch nhưng vẫn không ăn thua. Thuốc vẫn cứ thả xuống hồ nhưng tôm vẫn cứ chết đều". Nhiều năm qua, nuôi tôm là nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông, nhưng hiện tại, do dịch bệnh đốm trắng đã làm ông thất thu, món nợ ngân hàng vẫn còn đó.


Ngoài những nguyên nhân như diễn biến thời tiết, công tác cải tạo ao đầm, xử lý môi trường chưa tốt, ý thức người chăn nuôi chưa cao, chất lượng tôm giống... thì còn một nguyên nhân nữa chính là sự phối hợp giữa lực lượng cán bộ thú y và người chăn nuôi chưa nhịp nhàng. Do trình độ chuyên môn của lực lượng cán bộ thú y còn hạn chế nên công tác dập dịch không mạng lại hiệu quả cao và khi dịch bệnh đã quá nặng trở thành "vô phương cứu chữa".


Các loại bệnh trên đối tượng nuôi nước ngọt đang trở nên phổ biển, thế nhưng công tác kiểm duyệt nguồn giống, xử lý môi trưởng và thức ăn chưa được quan tâm thấu đáo. Trong suốt nhiều năm nay, người nông dân vẫn tự "mò mẫm" phòng chống dịch bệnh cho ao cá, lồng nuôi của mình. Ông Nguyễn Thanh Trúc, xóm 5, xã Diễn Tân cho biết: "Hầu như năm nào, lứa cá mà gia đình thả đều bị bệnh, chủ yếu là bệnh đốm đỏ, gây thiệt hại rất lớn. Khi cábị bệnh, chúng tôi tự đi mua thuốc về rồi chữa thôi, có khi được khi không".


Ông Trần Minh Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Hiện tại, cán bộ thú y chuyên phụ trách mảng thủy sản của tỉnh mới chỉ có 4 người (trong đó có 2 cán bộ văn phòng, 2 cán bộ được phân cắm chốt ở 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu)". Với tổng diện tích nuôi trồnglớn và tình hình dịch bệnh phức tạp thì lực lượng này thực tế là quá mỏng. Tại các huyện khác thì có 1 cán bộ bán chuyên trách, vừa kiêm nhiệm mảng thú y cho gia súc, gia cầm vừa cho thủy sản. Những cán bộ này không được đào tạo bài bản kiến thức về dịch bệnh thú y thủy sản mà chỉ được bồi dưỡng kiến thức qua các buổi tập huấn hằng năm nên trình độ chuyên môn không cao. Khi có dịch bệnh xảy ra, những cán bộ này chỉ kiểm tra lâm sàng mà chưa có khả năng chẩn đoán bệnh chính xác.


Trước tình hình đó, Chi cục Thú y tăng cường tổ chức các buổi tập huấn về kiểm soát dịch bệnh thuỷ sản và sử dụng thuốc trong phòng trị bệnh cho cán bộ thú y cơ sở, đồng thời, tổ chức các lớp học về kỹ thuật NTTS kết hợp với các phương pháp phòng trừ dịch bệnh cho hộ nuôi. Bởi nói gì thì nói ngành Thủy sản không thể phát triển bền vững nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Phạm Bằng

Tin mới