Mảng sáng trong thu hút đầu tư

(Baonghean) - Để phát huy thế mạnh địa phương, khơi dậy nguồn lực, đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, những năm qua, huyện Đô Lương chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN).

Phân xưởng may của Công ty may Prex Vinh - cụm công nghiệp Lạc Sơn rạo rực không khí sản xuất trên các chuyền may. Em Trương Thị Thu Thanh - xóm 5, Đông Sơn - Đô Lương tâm sự: “Thu nhập của em nay ổn định trên 3,5 triệu/tháng. Làm việc trong nhà máy  gần nhà, tránh được mưa gió nên  yên tâm làm việc lâu dài. Bạn bè  lao động từ miền Nam cũng về đây làm nhiều lắm”. Cũng như Thanh, nhiều con em lao động nông thôn đã tìm được cơ hội làm việc và sống bằng chính sức lao động của mình tại Công ty may Prex Vinh.

Công nhân làm việc tại Công ty may Prex Vinh.

Theo Ông Kim Chul Hee - Tổng Giám đốc Công ty may Prex Vinh, thì: Vào đầu tư tại Đô Lương, doanh nghiệp được quan tâm vấn đề thu hút lao động, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, san nền, đường điện, xử lý hệ thống cấp thải nước, bàn giao mặt bằng thuận lợi. Dự kiến sau khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ tạo việc làm cho 4 ngàn lao động, xuất khẩu 1,5 triệu sản phẩm với giá trị 10 triệu USD.

Đến thăm KCN nhỏ - khối 4, Thị trấn Đô Lương, khung cảnh sầm uất, đa dạng được mở ra với không ít các ngành nghề kinh doanh VLXD, gỗ mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý, nội thất, hàn xì... Công ty TNHH Trường An chuyên sản xuất, kinh doanh VLXD, sắt, thép, tôn, đại lý cấp 1 xi măng Hoàng Mai, sắt thép Thái Nguyên. Công ty đang tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Đức Danh - Giám đốc Công ty phấn khởi: “Được huyện quan tâm tạo điều kiện cho thuê đất dài hạn, vay vốn ngân hàng thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, sau 7 năm đi vào hoạt động, công ty  đã đầu tư thiết bị trên 2 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ bản trên 30 tỷ đồng kinh doanh. Thị trường của công ty đã phủ rộng trên khắp các tỉnh miền Tây Nghệ An, nối rộng sang tận Xiêng Khoảng của nước Lào.

Hiện tại các vùng đất Trù Sơn, Tràng Sơn, và các xã nằm ven bãi sông Lam của Đô Lương rất nhiều nguồn tài nguyên cát sạn, đá vôi, đất sét. Hệ thống sông Đào, sông Lam và sông Khuôn chạy qua trên địa bàn với 28km đường giao thông thủy. Đặc biệt Đô Lương nằm ở vị trí giao thoa giữa các tuyến Quốc lộ 46, 15A, Quốc lộ 7 nối lên tận đường Hồ Chí Minh, rất thuận tiện cho việc giao thương, phát triển kinh tế. Nguồn lực lao động dồi dào, nhanh nhạy, dễ tiếp thu các ứng dụng KHKT trong sản xuất. Từ ngàn xưa, nông dân Đô Lương khá thành thạo và mưu sinh làm giàu bằng chính các nghề thủ công truyền thống như tơ tằm, đan lát, tráng bánh đa, làm mộc… Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 7 ngân hàng thương mại là cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay.

Ông Võ Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, cho biết: Được sự quan tâm của BTV Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành “Đề án phát triển CN-TTCN, xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2015”; hỗ trợ bồi thường 50% chi phí GPMB (doanh nghiệp trong diện thu hút). Hàng năm, huyện chủ động đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiêp có doanh thu cao, huyện giao Chi cục Thuế tạo điều kiện đảm bảo cho doanh nghiệp nuôi dưỡng nguồn thu, đầu tư phát triển, vận động các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài. Đối với các ngành nghề TTCN, huyện chỉ đạo các phòng, ngành có liên quan phối hợp liên minh HTX tỉnh tiến hành xây dựng, “giữ lửa” 3-5 làng nghề như mây tre đan xuất khẩu (Trung Sơn), Đan lát Đà Lam (Đà Sơn), nghề trồng dâu nuôi tằm UTKS (Đặng Sơn, Lưu Sơn), nghề mộc (Thái Sơn).

Nhờ phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, đến nay Công ty may Prex Vinh của Tập đoàn Kiô Hàn Quốc - thuộc cụm công nghiệp Lạc Sơn đã hình thành với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, khuôn viên tổng diện tích 17 ngàn m2, góp phần giải quyết việc làm cho gần 2,5 ngàn lao động nông thôn đến từ các huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ. Trên 90% công nhân trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn được đóng bảo hiểm. Hàng năm, công ty xuất khẩu trên 200 ngàn sản phẩm áo may mặc, len cao cấp sang các nước, giá trị trên 1 triệu USD. 

Cùng với đó, cụm công nghiệp khối 4, thị trấn với khuôn viên tổng diện tích 7,7 ha, quy mô 13 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó 6 doanh nghiệp vào đầu tư đợt 1 (thời hạn thuê đất 40 năm) chính thức khởi động SXKD từ năm 2009. Bao gồm Công ty TNHH Nguyên Nghĩa, Công ty TNHH Trường An, Công ty CP nội thất Toàn Mỹ, Công ty TNHH Ngọc Bảo, Công ty TNHH An Thành Đạt. Các công ty tạo việc làm cho gần 500 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập 2,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng 7 doanh nghiệp đầu tư đợt 2 đang được huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đất  đai để triển khai mở rộng các ngành nghề như đại tu ô tô, xe máy, chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ công nghiệp, dân dụng…

Nhờ phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN, đến nay Đô Lương đã chuyển dịch đúng hướng cơ cấu ngành và cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. So với năm 2005, tỷ trọng ngành CN - TTCN tăng từ 19,42% lên 22,57%, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 36,7% lên 44,6%, tỷ trọng ngành nông lâm giảm từ 43,8% xuống còn 32,7%.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc quan tâm đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhỏ phục vụ quy hoạch tại Giang Sơn Tây, Mỹ Sơn, các làng có nghề. Ngoài những chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật  tại các làng nghề, hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng cho vấn đề thương hiệu sản phẩm làng nghề. Hàng năm, trích 2-3% nguồn thu ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ tài chính cho các dự án…

Mai Sơn

Tin mới